edf40wrjww2tblPage:Content
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải và nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải thăm hỏi các gia đình chính sách. Ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng
Toàn văn bài phát biểu của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tại buổi họp mặt này:
Thưa đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM.
Thưa các mẹ Việt Nam anh hùng - thưa các đồng chí đại biểu.
Thưa các đồng chí, các bạn, những người con thân yêu của quê hương Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các đồng chí, đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
Trước hết chúng tôi xin chân thành cám ơn Thành ủy TP.HCM đã có sáng kiến tổ chức và tổ chức rất chu đáo ngày hội truyền thống của những người đã từng công tác và chiến đấu ở Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn thời kỳ kháng chiến chống Pháp và trên chiến trường T4 trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngày hội truyền thống được tổ chức trên mảnh đất thiêng liêng này là cuộc hội ngộ của nhiều cán bộ và chiến sĩ đã từng đồng hành cùng lịch sử trong thời kỳ Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Từ chiến khu An Phú Đông đến căn cứ Vườn Thơm - cửa ngõ của Thủ đô kháng chiến Đồng Tháp Mười; từ chiến khu Rừng Sác Cần Giờ tới những địa đạo chiến đấu ở Phú Thọ Hòa đến vùng “vành đai lửa” Củ Chi.
Đó là những những biểu hiện rực rỡ hào khí Đồng Nai của những người đã lập nên những chiến tích huy hoàng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và đã tạo nên những mùa xuân chói lọi chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Xuân 1968, Xuân 1972 và Xuân đại thắng 1975 bằng cuộc Tổng tiến công nổi dậy long trời lở đất, giành toàn thắng với chiến dịch mang tên Bác Hồ vĩ đại, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”, “đi trước về sau”.
Về với ngày hội truyền thống vẻ vang hôm nay, đứng trên mảnh đất được kết tinh bằng xương trắng máu đào, lòng chúng ta xiết bao xúc động nhớ đến các bậc tiên liệt, những anh hùng tử sĩ và biết bao đồng bào yêu nước đã ngã xuống mảnh đất này “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, như các đồng chí Tổng bí thư kính mến của Đảng: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Bí thu Xứ ủy Võ Văn Tần; các Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn: Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Quốc Thảo; anh hùng thiếu niên ngọn đuốc sống Lê Văn Tám, Trần Văn Ơn, Trần Bội Cơ, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thái Bình...
Trong ngày hội truyền thống thiêng liêng này, chúng ta hướng về Quảng trường Ba Đình lịch sử để ghi lòng tạc dạ ơn sâu nghĩa nặng của Bác Hồ đã suốt đời dành cho đồng bào Nam Bộ.
Lúc sinh thời, Người đã từng viết rõ: “Miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi”, “Nam Bộ là máu của Việt Nam, là thịt của Việt Nam. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Trong những tháng năm nhân dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh chống bọn thực dân xâm lược Pháp, Bác Hồ kêu gọi nhân dân cả nước “Phải nhớ ơn đồng bào Nam Bộ”.
Hãnh diện biết bao, sau khi Đảng bộ TP.HCM cùng cả nước kết thúc thắng lợi vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và đưa thành phố bước vào kỷ nguyên mới, thực hiện nhiệm vụ chiến lược của giai đoạn cách mạng mới: “vì cả nước và cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Chính đội ngũ dũng sĩ đánh Pháp và diệt Mỹ trên chiến trường Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định năm xưa, ngày nay trở thành những dũng sĩ trên công trường xây dựng, đã sát cánh cùng Đảng Bộ và nhân dân thành phố liên tục khơi dậy những phòng trào hành động cách mạng sâu rộng nhằm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ:
“Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Từ khi mở điểm đột phá để tiến hành thử nghiệm sự đổi mới về cơ chế và chính sách kinh tế, thành phố chúng ta đã làm bung ra nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh như: “Tháo gỡ” và “cởi trói” cơ chế quản lý kinh tế cũ, “xóa đói giảm nghèo”, “xây dựng nhà tình nghĩa”, “xây dựng nhà tình thương”, “phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “cải cách hành chính”…
Chúng ta hết sức vui mừng nhận thấy, sau 40 năm giải phóng, TP.HCM “cùng cả nước” không ngừng phấn đấu khắc phục khó khăn để ổn định và phát triển đi lên. Và “vì cả nước”, TP.HCM đã tích cực đóng góp vào quá trình tìm tòi và thử nghiệm vận dụng mô hình cơ chế quản lý mới nhằm góp phần có ý nghĩa vào việc hình thành đường lối đổi mới kinh tế của Đảng.
Qua bài phát biểu của đồng chí Lê Thanh Hải, bí thư Thành ủy đã nêu lên những thành tựu to lớn về mọi mặt càng khẳng định TP.HCM luôn luôn xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, an ninh và quốc phòng; đầu mối giao thông quan trọng của khu vực phía Nam và cả nước; đồng chí cũng nêu rõ những mặt tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới, tôi xin phép không nói thêm.
Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ cũng như trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, lúc chiến đấu giữa thời chiến cũng như trong công cuộc lao động sáng tạo ở thời bình, TP.HCM luôn luôn được cả nước tôn vinh là người “đi trước”. “Đi trước” trong việc khai hỏa những phát súng lịch sử để mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt của nhân dân Nam Bộ. “Đi trước” trong việc phát kiến ra những mô hình mới, cách làm ăn mới nhằm thay đổi cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội và quản lý thành phố theo kiểu cũ không còn thích hợp với xu thế cải cách, mở cửa và trào lưu đổi mới.
Ý thức sâu sắc về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, đối với những thành quả to lớn mà Đảng bộ và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu để đạt được, cũng như những mặt khiếm khuyết và những vấn đề đang còn tồn đọng, chúng ta sẽ ra sức phát huy nhiệt tình cách mạng và ý chí tiến công đã được tôi luyện trên chiến trường T4 năm xưa, nguyện chung sức chung lòng phấn đấu nhằm đưa TP.HCM không ngừng vươn lên phía trước để mãi mãi xứng đáng với danh hiệu vẻ vang: Thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại, thành phố anh hùng.
Trong cuộc họp hôm nay, chúng ta rất vui mừng được chứng kiến một công trình rất có ý nghĩa - công trình Khu di tích lịch sử cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã được cơ bản hoàn thành việc xây dựng đền thờ chính.
Đối với thế hệ chúng ta hôm nay và con cháu ta mai sau, quần thể di tích lịch sử này có giá trị to lớn về các mặt chính trị, lịch sử và văn hóa. Đây là biểu tượng của chiến thắng. Đây là bộ sử thi cách mạng của thành phố chúng ta để đời đời tôn vinh và tri ân các bậc tiên liệt và những con người ưu tú của nhân dân đã làm rạng danh quê hương Nam Bộ, làm rạng danh vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định anh hùng.
Nhân dịp Tết Nguyên đán năm Ất Mùi tôi xin nồng nhiệt chúc mừng tất cả các đồng chí và các bạn có mặt trong buổi họp mặt hôm nay. Xin chúc các đồng chí và các bạn bước sang năm mới ngày càng dồi dào sức khỏe, cuộc sống gia đình thật hạnh phúc và không ngừng cống hiến cho xã hội, cho thành phố nhiều điều ích nước lợi dân.