Sau khi bị tai biến mạch máu não, do bệnh tình quá nặng, ngày 20/3/2015, bệnh nhân N.K.C.Tr. được bệnh viện (BV) Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chuyển thẳng lên BV Chợ Rẫy (TP.HCM). Trong hai tháng điều trị tại BV Chợ Rẫy, chi phí của bệnh nhân Tr. là hơn 275 triệu đồng.
Theo BS Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, bệnh nhân Tr. nhập viện ngày 20/3, xuất viện 23/5. Từ 20/3 đến 1/5, bệnh nhân không có BHYT nên phải tự thanh toán 151 triệu đồng. Từ 1/5 đến 23/5, bệnh nhân có BHYT nên BHYT thanh toán 104 triệu đồng, gia đình đồng chi trả 24,4 triệu đồng. Thế nhưng, người nhà bệnh nhân không chấp nhận cách tính BHYT từ ngày 1/5 - ngày BHYT có hiệu lực, mà đòi BHYT phải chi trả từ ngày 3/4 - ngày ông Tr. có… giấy chứng nhận khuyết tật do UBND xã Bình Hưng (H.Bình Chánh, TP.HCM) cấp.
Dù đã được nhân viên BV giải thích cặn kẽ, nhưng gia đình ông Tr. không chịu thanh toán mà đòi theo luật. Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ, nhân viên BV Chợ Rẫy phát hiện nhiều nghi vấn như: ông Tr. ở Tiền Giang nhưng giấy chứng nhận khuyết tật và BHYT lại do TP.HCM cấp (?),
thời điểm UBND xã Bình Hưng xét cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho ông Tr. cũng là thời điểm ông đang điều trị tại BV Chợ Rẫy vì tai biến mạch máu não (?). “Bệnh nhân bệnh nặng, đang nằm điều trị trong phòng bệnh, chỉ có bác sĩ và người nuôi bệnh mới được tiếp xúc, vậy Hội đồng giám định (HĐGĐ) của xã Bình Hưng, H.Bình Chánh làm sao gặp được ông Tr. mà giám định? Hơn nữa, họ dựa vào tiêu chí nào, cơ sở nào để chứng nhận ông Tr. là người khuyết tật về tâm thần? Do vậy, khả năng đây là giấy chứng nhận giả hoặc người ta cố tình chạy hồ sơ để được hưởng chế độ” - một cán bộ BV Chợ Rẫy tiên đoán.
Giấy tạm trú và chứng nhận khuyết tật của ông Tr. có nhiều “khuyết tật”
Về việc phê duyệt và cấp giấy chứng nhận khuyết tật tâm thần cho ông Tr., bà Trương Thị Hường - Phó chủ tịch UBND xã Bình Hưng - cho hay: Ông Tr. ở Tiền Giang (thường trú) nhưng vẫn có thể cấp chứng nhận khuyết tật tại UBND xã vì tạm trú trên địa bàn. Còn việc HĐGĐ xã không tiếp xúc, gặp gỡ người bệnh theo quy định là vì khi đó ông Tr. đang bệnh nặng phải nằm viện; gia đình ông Tr. đã cung cấp trích lục kết luận bệnh án của ông khi điều trị tại BV Tâm thần Tiền Giang, nên ngày 7/7, thành viên HĐGĐ xã Bình Hưng đã thống nhất kết luận ông Tr. bị thần kinh nặng. Sau khi có kết luận của HĐGĐ, UBND xã đã gửi hồ sơ lên phòng Lao động - thương binh - xã hội Huyện để đề xuất xét duyệt cho ông Tr.
Những lý do mà bà Hường nêu ra cho thấy, các thành viên HĐGĐ xã Bình Hưng hoặc là đã quá dễ dãi và thiếu trách nhiệm, hoặc là đã cố tình làm trái quy định trong việc chứng nhận khuyết tật cho ông Tr.. Bởi, thứ nhất: vào thời điểm xét duyệt, ông Tr. không có giấy tạm trú tại xã Bình Hưng; thứ hai: HĐGĐ xã Bình Hưng đã không tiếp xúc, quan sát trực tiếp người bệnh, lại dựa vào trích lục bệnh án của ông Tr. cách đây gần bốn năm (theo quy định phải là kết luận của HĐGĐ Y khoa chứ không phải là trích lục từ bệnh án BV).
Chưa kể, nội dung trích lục từ BV Tâm thần Tiền Giang cũng cho thấy ông Tr. bị rối loạn tâm thần, hành vi do rượu - một dạng tâm thần do chất kích thích chứ không phải do di truyền hay bệnh lý như những trường hợp khuyết tật thần kinh thường gặp. Đáng chú ý hơn, hồ sơ của ông N.K.C.Tr. còn có dấu hiệu tẩy xóa, thiếu sót và khai man như: giấy xác nhận tạm trú của ông Tr. được chị ông (người làm giấy) và Công an xã khai nhận làm vào ngày 17/4, nhưng Trưởng công an xã lại ký tên, đóng dấu ngày 16/4 (?).
Tiếp đó, Công an thị trấn Cai Lậy, Tiền Giang, xác nhận ông Tr. nhiều năm qua đã không còn ngụ tại địa chỉ thường trú ở Tiền Giang, vì căn nhà trên đã được bán qua nhiều đời chủ, thế nhưng hồ sơ của ông Tr. vẫn được UBND xã Bình Hưng tiếp nhận, xét duyệt, giải quyết nhanh gọn trong vỏn vẹn một buổi chiều ngày 3/4/2015.
Trả lời câu hỏi, vì sao hồ sơ ông Tr. có nhiều “vấn đề” mà vẫn “lọt” qua các “cửa” xã, huyện, bà Phan Thị Tuyết Mai - Phó Phòng lao động - thương binh - xã hội H.Bình Chánh cho biết, theo quy định và tính nhân đạo (không để sót những trường hợp khó khăn) đối với những người khuyết tật tạm trú tại địa phương sáu tháng trở lên, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được UBND xã xem xét. Trường hợp ông Tr. thì Phòng dựa theo kết quả của HĐGĐ xã mà tham mưu và đề xuất để làm chế độ cho đương sự. “Nội tình thế nào chỉ có xã… mới biết”- bà Mai nói. Tuy nhiên, bà Mai hứa sẽ kiểm tra, rà soát để có hướng giải quyết phù hợp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi từ BV Chợ Rẫy về nhà, do bệnh tình trở nặng, ông Tr. lại vào BV Nguyễn Tri Phương và BV Nhân dân 115 để điều trị bằng chiếc thẻ BHYT diện khuyết tật tâm thần nói trên và đến nay ông đã được BHYT thanh toán hơn 114 triệu đồng. Trong trường hợp này, người ta dễ có cảm giác: vì là “tiền chùa” nên tiêu xài cũng dễ dãi!
TIẾN ĐẠT
“Luật quy định là một chuyện, nhưng về chuyên môn thì tôi xin hỏi, hội đồng đánh giá khuyết tật tâm thần mà không có bác sĩ chuyên khoa tâm thần thì kết quả sao mà chính xác? Việc giám định mà không gặp người bệnh, chỉ nghe người nhà khai báo thì giám định cái gì? Với tình trạng rối loạn tâm thần do rượu, muốn xác định phải hiểu rõ là việc rối loạn, tổn thương đó là cấp tính hay mãn tính? Do nghiện rượu hay say rượu? Tỷ lệ khuyết tật bao nhiêu? Có đủ tiêu chuẩn không… Chuyện dựa vào kết luận gần bốn năm trước tôi cũng mới nghe lần đầu. (BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm Thần TP.HCM) |