Chung nhà với chồng cũ

02/08/2021 - 15:12

PNO - Anh ta không đóng góp gì nhưng vẫn ăn, vẫn xài máy lạnh, điện, nước. Em hỏi thì anh ta to tiếng, quát nạt con, đập phá đồ đạc, dọa đánh em...

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em và chồng cũ vừa nhận quyết định ly hôn thì dịch COVID-19 bùng phát. Tụi em đã thống nhất là chồng ra ngoài thuê nhà ở, căn hộ chung sẽ bán và chia đôi số tiền để mỗi bên làm lại cuộc đời. Em và con gái tám tuổi cũng định sẽ về ở nhà ngoại.

Tuy nhiên, em tính gom tiền để mua nửa căn hộ phần chồng, lấy lại nhà nhưng chưa nói, để xem rao bán giá cả sao rồi tính. Thế rồi dịch bệnh, hai tháng nay, cả em và anh ta đều bị cho nghỉ việc, hưởng 50% lương nên không ai bung ra thuê nhà hay ở riêng. Hơn nữa, do khó khăn về kinh tế, cả nhà vẫn phải ăn cơm chung.

Nhiều khi em bức bối không chịu nổi. Suốt hai năm trời anh ta lừa dối em, vợ chồng cãi vã căng thẳng. Đi đến được quyết định ly hôn, mọi việc tưởng sẽ thay đổi ai dè tình cảnh vẫn y như cũ, thậm chí còn tệ hơn.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Em vốn ngỡ sẽ tự do, ai ngờ ngày nào cũng vẫn phải hầu hạ cơm nước cho người mà mình đã hết tình cảm. Chồng cũ của em tính tình rất khó chịu. Hồi trước, nếu vợ chồng có gây gổ căng thẳng em sẽ bỏ đi, chở con theo còn bây giờ thì chịu, không thể đi được, cũng không biết đi đâu.

Thêm nữa, anh ta không đưa tiền bạc đóng góp gì nhưng vẫn ăn, vẫn xài máy lạnh, điện, nước. Có lần em hỏi thì anh ta to tiếng, quát nạt con, đập phá đồ đạc, còn dọa đánh em, đến nỗi ban quản lý chung cư phải tới góp ý.

Em hiểu là lúc này các gia đình phải giữ gìn vì lợi ích chung, em đã cố gắng nhường nhịn, không nói. Nhưng khi mình đã có khúc mắc trong lòng thì chuyện nào cũng khiến mình cảm thấy chướng tai gai mắt.

Anh ta bảo nhà chưa bán, em ở đây thì anh ta cũng có quyền ở đây. Em không biết có cách nào để anh ta ra khỏi nhà không, chứ kiểu này biết đến bao giờ mới bán được nhà, em cũng không thể thu xếp cuộc sống riêng của mẹ con em.

Ngân Quế (TP.HCM)

Em Ngân Quế thân mến,

Sau ly hôn, mỗi người đều có những tổn thương riêng, cần không gian riêng để tự chữa lành nhưng hoàn cảnh dịch bệnh khiến em và chồng cũ phải tiếp tục chung một mái nhà, chuyện này thực sự khó khăn. Chỉ có một cách là tiếp tục sống, mong sao dịch bệnh chóng qua.

Lúc này, không riêng việc của mình mà bao nhiêu việc khác cũng đang đình trệ. Mặt khác, em cũng đã chịu đựng được hai tháng rồi, thôi thì cố thêm một chút nữa.

Em có thể tạm thời chia không gian trong nhà ra: phòng riêng cho hai mẹ con em, phòng cho anh ta. Mình chủ động “né” bớt từ giờ giấc sinh hoạt đến những thứ khác để tránh xung đột không cần thiết.

Dù biết chung nhà khó tránh đụng chạm nhưng né được chừng nào hay chừng ấy. Vì cả ba con người ở chung nhà với nhau 100% thời gian, em chú ý để con mình không phải chịu cảnh cha mẹ cự cãi, xung đột.

Khoảng thời gian này không kéo dài mãi đâu. Khi khó khăn là khách quan, ta nên bình tĩnh chấp nhận rồi cố gắng tìm ra điểm tích cực để thích nghi.

Vấn đề lớn hơn cần giải quyết lúc này là tài sản, căn nhà. Theo thư em thì vợ chồng em tự phân chia tài sản. Thế nhưng, như kiểu xử sự của chồng em, đây sẽ là chuyện khó giải quyết vì có vẻ anh ta không dễ đồng ý bán nhà, còn có xu hướng muốn ở lại nhà.

Từng có chuyện lúc có người mua thì người này đồng ý giá bán, người kia không đồng ý và ngược lại. Em nên tranh thủ lúc này nói chuyện dứt khoát với chồng cũ và lập giấy tờ đôi bên cùng ký, thống nhất hoặc cả hai bên đều dọn ra riêng để nhà trống mà bán hoặc mẹ con em ở lại, nhờ công ty định giá nhà và em mua lại phần của anh ta.

Dù không còn là chồng em nhưng anh ta vẫn là một người cha; con còn nhỏ, chắc anh ta cũng phải nghĩ đến con mình. Nếu khéo léo, em có thể tận dụng được hoàn cảnh ở chung bất đắc dĩ này. Chúc em vượt qua thử thách để khi dịch đi qua, em thực sự bắt đầu được cuộc sống mà em mong muốn.

HẠNH DUNG

 

(hanhdung@baophunu.org.vn)

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC:

Kim Thư (Q.Tân Bình, TP.HCM): Bình tĩnh giải quyết từng vấn đề

Hoàn cảnh của bạn quả thật éo le. Thôi thì cứ xem như ông trời đặt ra nghịch cảnh để thử thách bạn. Bình tĩnh giải quyết từng vấn đề, bạn nhé! Một, việc sống chung không thể khác được. Tôi biết rằng rất khó để có thể ở chung với người mình ghét.

Thế nhưng trong hoàn cảnh này, bạn phải cố gắng biến không thể thành có thể bằng sự rạch ròi. Nếu không thể nói chuyện trực tiếp, bạn có thể gửi email hay tin nhắn nói rõ sự việc và đề nghị chia đôi chi phí sinh hoạt. Hai, chuyện cái nhà. Thời điểm này không dễ để bán nhà mà đề nghị chồng cũ của bạn trả tiền cho mẹ con bạn dọn ra cũng khó.

Thế nên bạn và anh ta có thể thống nhất để anh ấy dọn ra, bạn làm giấy nợ, hẹn ngày trả rõ ràng. Tôi cho rằng nếu thương con, không muốn cuộc sống của con xáo trộn nhiều thì anh ta sẽ đồng ý.

Tuy nhiên, bạn nên chờ dịch bệnh lắng xuống một chút, chứ không thể nằng nặc đòi giải quyết rốt ráo ngay lúc này, khi thành phố đang giãn cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, bạn nên luyện cho mình giữ được sự bình thản, giúp con bạn hiểu rằng mọi việc chỉ là tạm thời.

Kiều Khanh (Q.12, TP.HCM): Đề nghị có sự chia sẻ

Chuyện gia đình cô ruột tôi tương tự chuyện nhà bạn. Vợ chồng cô tôi ly hôn, muốn để lại nhà cửa cho con nên thống nhất không chia nhà. Tuy nhiên, do không ai đủ điều kiện mua nhà mới nên họ vẫn chung nhà suốt 11 năm qua, chỉ khác là họ nấu ăn riêng và mỗi người ở một tầng để tránh thấy mặt nhau.

Ban đầu, cảnh sống mới khiến họ cảm thấy rất khó khăn nhưng lâu dần rồi họ cũng quen. Có lẽ do bạn mới chia tay, sự hậm hực vẫn còn nên nhìn đâu cũng thấy khó chịu. Vả lại trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, chồng bạn cũng khó tìm được nơi ở mới.

Đã chịu đựng nhau ngần ấy thời gian, giờ chỉ cần cố gắng thêm chút nữa. Đừng làm tinh thần mình tệ đi lúc mình cần giữ năng lượng đến thế này. Nhà cửa vốn chật chội, nói qua nói lại chỉ mệt đầu. Về căn nhà, nếu hai bạn muốn để lại cho con thì nên làm giấy tờ rõ ràng.

Bạn và chồng cũ có thể cho thuê để có thêm một khoản tiền tiết kiệm cho con, cả hai ra ngoài ở riêng. Như thế quyền lợi công bằng, khỏi ai phải cạnh khóe ai. Dù vậy, đó là việc chỉ có thể xúc tiến khi dịch bệnh qua đi, còn bây giờ thì khó mà giải quyết cho rốt ráo.

Nếu cần, bạn cứ nói chuyện nhẹ nhàng mà thẳng thắn với anh ta, cho anh ta biết rằng bạn không thể cáng đáng tất cả sinh hoạt phí cùng việc nhà như hiện tại, đồng thời đề nghị có sự chia sẻ từ anh ta nếu còn muốn tiếp tục tạm sống trong nhà.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI