Chi 15.000 USD, tức khoảng 350 triệu đồng, để mua điểm cho con gái lớn, dưới dạng quyên góp tài trợ, ngôi sao của loạt phim truyền hình Những bà nội trợ kiểu Mỹ (Desperate Housewives) - diễn viên Felicity Huffman đã bị tòa án phạt 14 ngày tù giam cộng 1 năm quản thúc tại nhà, 30.000 USD (gấp đôi số tiền bà đã chi). Ngoài ra, thẩm phán Indira Talwani còn phạt Felicity Huffman 250 ngày lao động công ích. Đó chỉ là một phần rất nhỏ trong câu chuyện chấn động nước Mỹ từ tháng 3/2019 - hàng loạt vụ chạy trường, nâng điểm cho con cái các gia đình giàu có, thế lực.
|
Nữ diễn viên Felicity Huffman được chồng đưa đến tòa - nơi bà nhận mức án 14 ngày tù giam, 1 năm quản thúc, phạt 30.000 USD và 250 ngày lao động công ích |
Nhưng, nếu so con số 15.000 USD của Felicity Huffman với “giá sàn” tham nhũng trung bình 1 tỷ đồng (hơn 40.000 USD) cho mỗi trường hợp nâng điểm trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La thì rõ ràng các triệu phú Mỹ chả là cái đinh gì. Nếu so việc con em các triệu phú Mỹ được nâng một số điểm, đủ để vào được các trường đại học, với việc có những bài thi xứ ta được nâng từ 0 điểm lên đến 9,25 điểm, thí sinh có tổng điểm thi 3 môn chỉ 1 điểm được nâng thành 27,45 điểm như trong vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình mới thấy xứ ta đã chơi là chơi lớn đến thế nào.
Đương nhiên, chuyện những kẻ thừa tiền lắm của, quyền lực trong tay, quen thói ăn cướp của nhân dân lâu nay thì có cướp thêm một suất học của một cô cậu học trò nào đó có lẽ cũng chẳng khiến chúng bận tâm. Cái, có lẽ, mà chắc là vậy rồi, là những cơ hội để thế hệ sau của chúng tiếp tục leo cao, tiến sâu, vơ vét cho đầy túi tham, bất chấp mọi giá trị luân lý, chà đạp cả pháp luật, như chốn không người.
Lạ là, trước những vụ nâng điểm ở xứ ta, nhiều quan chức có con "được" nâng điểm đều tỏ ra ngạc nhiên, chối sạch mọi liên quan. Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Sơn La Hoàng Tiến Đức, khi bị cấp dưới khai đã “nhờ vả” nâng điểm cho con, đã quát tháo: “Bố láo bố lếu, làm gì có chuyện đó”. Hay như trường hợp ông Triệu Tài Vinh - Phó Ban Kinh tế trung ương, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, khi tin con ông được nâng điểm lộ ra, ông đã “rất buồn”, không hiểu ai đã tự ý nâng điểm cho con ông.
Điều khác biệt lớn nhất: xứ người công khai tên tuổi của những người mua bán điểm, cả những thí sinh (đã đủ 18 tuổi), tiến hành điều tra, đưa ra tòa án xét xử. Ta thì, vì “nhân văn” (hay vì gì có lẽ cũng không khó đoán) đã cất giữ những cái tên, những chức danh và cho đến nay thì chỉ mới thấy một số nhân vật trực tiếp tham gia vào việc sửa điểm, bán điểm bị kỷ luật, bị khiển trách, bị bắt (như trong trường hợp mới nhất là cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình - Khương Ngọc Chất), còn vô số người mua trong quan hệ cung - cầu ma quỷ này vẫn thần xuất quỷ nhập, vô ảnh vô tung.
|
Khám xét nơi làm việc của các bị can trong vụ gian lận điểm tại Hòa Bình |
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Lê Thị Nga - nhấn mạnh, cử tri yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những phụ huynh đã can thiệp, làm sai lệch kế quả thi. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - ông Phan Thanh Bình - cũng không đồng ý với việc chỉ xử lý những người có trách nhiệm làm sai, bởi trong mọi vụ gian lận thi cử đều có người đưa và nhận hối lộ.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định, những người liên quan đến gian lận thi cử phải bị xử lý về tội Nhận hối lộ và Đưa hối lộ, vì có yếu tố nhận tiền. Việc chỉ truy tố tội Lợi dung chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành ông vụ như hiện nay là không chính xác.
Vậy nhưng, đến nay, trong số 214 trường hợp được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La năm 2018, chỉ mới có 20 bị can bị khởi tố. Theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, vấn đề nằm ở chỗ địa phương “lúng túng không làm được”. Bộ Công an và Viện KSND tối cao buộc phải rút hồ sơ lên trung ương và có thể tới đây sẽ khởi tố 7 người. 7 người trên 214 vụ gian lận điểm đã phát hiện.
Mức án thẩm phán tuyên đối với Felicity Huffman, do đó, không chỉ là sự thực thi công lý, mà hơn thế, để dọn sạch những thứ xấu xa đã tồn tại, hủy hoại sự công chính, nghiêm minh của luật pháp, sự trong sạch của hệ thống chính quyền. Nếu không quyết liệt như thế, không bỏ tù những kẻ mua điểm mà chỉ khiển trách, cảnh cáo, điều chuyển sang chức vụ khác và giữ kín những cái tên cho đầy tính “nhân văn” thì e rằng một khi con quái vật đủ lớn, sẽ chẳng còn ai có thể cản được chúng nữa.
Đương nhiên, lúc đó, cũng chẳng ai tin sự quyết liệt chống tham nhũng, hối lộ, gian lận... của ta nữa. Thật!
Phạm Thành Nhân