Chưng mâm ngũ quả cầu tiền cầu lộc

01/02/2022 - 06:56

PNO - "Chắc cầu dư xài" nên vợ chồng xài xả ga, sang năm đổi, mua quả sung đi em". Mâm ngũ quả nhà tôi năm đó đổi màu, thêm chùm sung...

 

Theo lệ ở miền Nam, mâm ngũ quả nhất thiết phải có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (ngụ ý cầu vừa đủ xài). Món thứ năm, tôi thường chọn dưa hấu. Dưa xanh vỏ đỏ lòng, chắc… hên. Tết năm nào cũng từng ấy món, cúng bái rất thành tâm, nhưng năm nào nhà tôi làm ăn cũng lẹt đẹt.

 

 

Mâm ngũ quả đơn giản ở nhiều gia đình
Bày mâm ngũ quả trong ngày tết (Nguồn Facebook)

Năm đó tôi chưng đĩa ngũ quả vừa xong, chồng nhìn tới nhìn lui, phát hiện ra… sự thật phũ phàng, anh nói: “Cầu - dừa - đủ - xoài - dưa hấu”, hèn chi năm nào nhà mình cũng ăn dưa ngập mặt. Đổi thứ khác đi em”.

Dù không tin lắm lời của chồng, nhưng tôi có chút hoang mang. Tết nhất mà bị chê thì sao toàn vẹn. Tôi lật đật ra chợ chọn thứ khác. Đảo tới đảo lui ở hàng trái cây, tôi thấy loại trái giống như cà chua nhưng ở cuống có mấy tai chìa ra rất dễ thương. Người bán quảng cáo: “Trái dư đó cô. Chưng “Cầu vừa đủ dư xài” là hên phải biết”. Dì còn cẩn thận căn dặn: “Trái này không ăn được nha cô, ăn ngứa lột lưỡi à”.

Qủa dư
Trái dư

Chồng nghe nói trái dư, khoái chí cười hoài, hy vọng năm sau thứ gì cũng dư, tiền bạc dư xài.

Mấy năm liền chưng “dư” mà không có dư, chồng nản. Anh nói: “Chắc mình “cầu dư xài” nên vợ chồng mới xài xả ga, làm nhiêu xài hết nhiêu. Năm sau đổi, chưng trái sung đi em”. Ừ thì đổi, chớ năm nào cầu dư cũng thiếu, tôi nản rồi.

Mâm ngũ quả nhà tôi năm đó đổi màu, thêm chùm sung xanh ngắt nằm chễm chệ. Ngặt nỗi trái sung rất mau héo, chưa hết mùng đã xuống màu tối thui. Tết nhất chưng hoa trái héo tàn thì không hên, tôi đành dẹp luôn "mục" trái sung.

Mỗi năm tới phiên chợ tết, tôi tần ngần giữa chợ với cơ man hoa trái mà không biết chọn gì.

Chợt nhớ lúc mới lấy chồng, tết đầu tiên ở nhà chồng tôi luýnh quýnh gọi về cho má, hỏi cách chưng mâm ngũ quả ra làm sao. Má nói chọn mấy thứ trái cây nào tên gọi nghe hên, may mắn thì mua, đừng chưng vú sữa, sa pô chê, chuối… (Sợ làm gì cũng phải sửa, bị chê, chúi nhủi…). Mấy thứ trái phải chọn loại tròn trịa, không méo, không vết nám đen, bị sâu… Tôi ngay ngáy lo. Đống trái cây bị tôi nâng lên đặt xuống, sờ tới sờ lui tơi bời…

Má chồng thấy tôi sờ hoài mà chưa mua được gì, má động viên: “Nhà mình không kiêng cữ quá đáng đâu con, lựa trái sao cho coi được chút là được rồi, đừng cầu toàn quá”. Tôi thở phào.

 

Trái dừa được sơn vẽ cầu kỳ (Ảnh facebook)
Trái dừa được sơn vẽ cầu kỳ (Ảnh Facebook)

Mấy ngày tết, dì mợ sang chơi, ngạc nhiên: "Sao ngũ quả gì mà chưng lộn xộn: dưa hấu, thanh long, bưởi… tùm lum".

Bà mợ hỏi: “Vậy tết nhất nhà mình cầu cái gì?”. Tôi ấm ớ không biết nói sao. May, má chồng đỡ lời: “Cúng kiếng trời đất, ông bà chủ yếu là lòng thành, đừng câu nệ quá. Nhìn mâm ngũ quả (thật ra là thất, bát quả… chứ không còn là ngũ) thấy đẹp, sung túc, tươi xanh là được. Muốn tiền bạc dư dả thì phải cố gắng làm lụng, tiết kiệm chớ không phải cầu mà có”.

Từ khi vợ chồng tôi có căn nhà của mình, tôi quên lời má dặn, năm nào cũng bối rối với mâm ngũ quả vì sợ sai, sợ không may mắn… Vợ chồng bàn tới bàn lui, có khi tranh cãi khiến ba ngày tết mất vui.

 

Dân mạng tếu táo với mâm ngũ quả: Cầu qua dịch và Cầu đủ xài xả ga
Dân mạng tếu táo với mâm ngũ quả: Cầu qua dịch và cầu đủ xài xả ga

Tôi nghiệm ra khi lòng mình chưa an, chưa học được cách buông bỏ thì nhìn đâu cũng sợ, cũng lo. Phải chăng má chồng trải nhiều gian nan lận đận, được mất trong đời nên má hiểu lòng bình an thư thái thì nhìn mọi việc sẽ nhẹ nhàng. Muốn dư thì phải làm việc và tiết kiệm hơn nữa…

Năm nào rủng rẻng tiền nong thì chưng mâm ngũ quả hoành tráng, với nhiều loại trái cây, mua cả các loại trái được tạo hình, sơn vẽ cầu kỳ. Năm nào thất bát thì thì chưng ba loại trái cũng không sao. Ông bà nào nỡ trách con cháu.

Hai năm nay dịch COVID-19 hoành hành, vợ chồng tôi may mắn vẫn còn công việc để làm, nhưng thu nhập ít đi so với trước. Vậy nên mâm ngũ quả năm nay của nhà tôi chỉ đơn giản với vài loại trái. Ngoài kia còn nhiều gia đình khó khăn, bằng lòng với những gì mình có đã là hạnh phúc.

Trải qua một năm nhiều biến động và mất mát, tết đến xuân về bày biện sao cho tinh tươm, tươi mới, tùy theo túi tiền, gia cảnh… miễn sao mình vui thì chắc ông bà cũng vui. Mà hễ vui thì chắc chắn năm mới sẽ may mắn, an lành.

                                                                                                                                                                                                                                                                 Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI