Chứng khoán lao dốc, phố Wall trải qua ngày tồi tệ

06/08/2024 - 13:39

PNO - Nỗi lo sợ suy thoái kinh tế tại Mỹ đã khiến các chỉ số chứng khoán hàng đầu lao dốc trong ngày 5/8. Dù vậy, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng gần 11% trong phiên giao dịch đầu ngày 6/8, trong khi các thị trường châu Á khác cũng phục hồi nhẹ.

Phố Wall trải qua ngày tồi tệ nhất trong gần 2 năm sau đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu do lo ngại suy thoái kinh tế tại Mỹ.

Nhà giao dịch Robert Charmak làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York, ngày 5/8/2024 - Ảnh AP/Richard Drew
Nhà giao dịch Robert Charmak làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York, ngày 5/8/2024 - Ảnh AP/Richard Drew

Các chỉ số chứng khoán hàng đầu của Mỹ - S&P 500, Dow Jones Industrial Average và Nasdaq Composite - đã lao dốc trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 5/8.

S&P kết thúc phiên giảm 3%, mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 9/2022, ở mức 5.186,33 điểm. Chỉ số Dow Jones đóng cửa giảm 2,6% về mức 38.704,06, sau khi mất hơn 1.000 điểm. Nasdaq kết thúc phiên giảm 3,4%, tạm dừng ở mức 16.200,08.

Sự kiện này diễn ra chỉ vài tuần sau khi mỗi chỉ số đạt mức cao kỷ lục, sau một đợt bùng nổ kéo dài nhiều tháng trên thị trường. Chỉ số chuẩn S&P vẫn tăng hơn 9% kể từ đầu năm 2024.

Lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, được thúc đẩy bởi báo cáo tình hình thị trường việc làm yếu bất ngờ vào đầu tháng Tám, đã góp phần thúc đẩy đợt bán tháo. Sự việc diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất, khiến những người chỉ trích cáo buộc ngân hàng trung ương đã chờ quá lâu để cắt giảm lãi suất.

Sàn Nasdaq tập trung vào mảng công nghệ cũng bị ảnh hưởng bởi Apple, công ty chịu áp lực sau khi công ty Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett tiết lộ đã thu hẹp cổ phần của mình trong gã khổng lồ công nghệ này.

Apple là công ty đại chúng lớn nhất thế giới, với giá trị thị trường hơn 3 ngàn tỉ USD và hiệu suất cổ phiếu của công ty có tác động đáng kể đến thị trường nói chung. Các cổ phiếu gắn liền với sự bùng nổ xung quanh trí tuệ nhân tạo, bao gồm cả Nvidia, cũng đã gặp khó khăn trong những ngày gần đây.

Michael Gapen - nhà kinh tế học tại Ngân hàng Bank of America - cho biết, các nhà đầu tư tin rằng rủi ro suy thoái đang "gia tăng".

2 năm trước, khi lạm phát ở mức cao nhất trong một thế hệ, các nhà hoạch định chính sách tại Fed đã phải tìm cách hạ nhiệt nền kinh tế lớn nhất thế giới và thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ.

Các quan chức hy vọng sẽ hướng nền kinh tế Mỹ đến cái gọi là "hạ cánh mềm", theo đó tăng trưởng giá được bình thường hóa và tránh suy thoái. Bây giờ khi lạm phát đang giảm trở lại, họ chuẩn bị cắt giảm lãi suất và nới lỏng chính sách.

Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang đã làm hết sức mình để trấn an thị trường. Chủ tịch Fed tại San Francisco Mary Daly nói rằng điều "cực kỳ quan trọng" là ngăn chặn thị trường lao động rơi vào suy thoái. Bà Daly nói thêm rằng bà sẵn sàng cắt giảm lãi suất khi cần thiết và chính sách cần phải chủ động.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng vọt hơn 10% vào sáng 6/8, 1 ngày sau khi lao dốc theo sự sụt giảm ở châu Âu và Phố Wall.

Các thị trường khác ở châu Á dường như đã ổn định phần nào sau 2 ngày đầu tuần đầy thăng trầm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 3%, trong khi chỉ số ASX200 của Úc tăng 0,3% và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) tương đối ổn định trong phiên giao dịch buổi sáng.

Tấn Vĩ (theo The Guardian, AP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI