Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em lấy chồng bốn năm, có con hai tuổi. Khi chúng em mới đến với nhau, em vô cùng tự hào và hạnh phúc vì có được một người yêu như anh. Trong khi em chỉ mới học hết phổ thông, nhan sắc trung bình, lại chẳng khá giả gì thì anh có bằng thạc sĩ, làm việc văn phòng, bạn bè toàn những người trí thức.
Thế nhưng, chung sống rồi em mới ngỡ ngàng, những gì mình cảm nhận chỉ là ảo tưởng. Trình độ cách biệt nên cách sống và những gì chúng em quan tâm không giống nhau. Em sinh con rồi ở nhà quanh quẩn nội trợ nên chúng em chung mái nhà mà như hai người xa lạ, lặng lẽ ra vào, cả ngày chẳng nói với nhau được vài câu.
Anh đi làm về chỉ xem ti vi rồi ôm máy tính lang thang trên mạng. Những chuyện anh nói, em chẳng hiểu gì; những chuyện em quan tâm, anh gần như chẳng để ý tới. Riết rồi vợ chồng mạnh ai nấy sống. Con cái gần như anh phó mặc cho em chăm sóc.
Công tâm mà nói, chồng em là người hiền lành, ít nói, ít bạn bè, xong việc ở cơ quan là về nhà với vợ con, không la cà quán xá. Lương tiền anh công khai trong nhà, không quá tính toán với vợ, em tiêu pha gì cũng thoải mái.
Tuy nhiên, em rất buồn tủi, cô đơn, vì vợ chồng như người dưng, chẳng chia sẻ chút gì với nhau. Nhiều lúc em bức bối chỉ muốn phá tung cái nếp sống tẻ nhạt, buồn chán đó, nhưng lại sợ mọi thứ sẽ đổ vỡ tan tành nên cố nén lòng.
Chẳng lẽ cả đời em sẽ dần chết khô trong cuộc hôn nhân buồn chán này? Bạn bè nhìn vào, cho là em được voi đòi tiên, chồng hiền lành như thế, gia đình yên bình như thế, còn đòi hỏi gì hơn? Có phải em quá tham lam?
Hằng (TP.HCM)
Em Hằng mến,
Có thể nói ngay, những khao khát của em là hoàn toàn chính đáng. Một cuộc hôn nhân buồn chán, tẻ nhạt, vợ chồng chẳng có gì để chia sẻ chắc chắn sẽ trôi dần vào ngõ cụt, mục ruỗng lúc nào có khi chính người trong cuộc không kịp nhận ra. Vợ chồng chung sống là để cùng nhau mưu cầu hạnh phúc, tìm kiếm niềm vui bên nhau, có người để nương tựa và chia sẻ… Nếu cứ lạnh lẽo, hờ hững như hai người xa lạ thì làm sao tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, làm sao đặt được lòng tin yêu vào nhau để còn đồng hành suốt cuộc đời?
Một phần nguyên nhân của tình trạng này, bản thân em cũng đã nhận ra. Do vợ chồng có sự chênh lệch về học vấn, trình độ, nên những mối quan tâm có khác nhau, khó tìm thấy tiếng nói chung. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của vấn đề. Nếu có sự quan tâm nhất định và vợ chồng cùng cố gắng cải thiện thì mọi thứ hoàn toàn có thể khác.
Đầu tiên, em phải là người chủ động “kết nối truyền thông” với chồng. Em cần lưu ý xem chồng thường quan tâm đến những vấn đề gì, lĩnh vực nào để tự bổ sung hiểu biết cho mình, có thể góp ý, thảo luận cùng chồng. Vấn đề thật ra cũng chẳng “cao siêu” đến mức “cách xa vời vợi” không thể với tới như em đã nghĩ, chỉ cần em chịu để tâm một chút là ổn.
Em cũng nên lôi kéo sự quan tâm của chồng đến những chuyện gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình, của hai mẹ con; tìm cách khéo léo bày tỏ những gì em muốn chia sẻ cùng chồng, mong muốn chồng giúp đỡ, hỗ trợ, góp ý…
Chồng em là người hiền lành, ít nói, nếu em cứ để yên anh ấy với lối sống trầm mặc sẵn có thì e rằng vợ chồng sẽ chỉ ngày một xa cách nhau hơn. Anh ấy đã thụ động thì em phải làm “đầu kéo” cuốn cho được anh ấy vào guồng quay của sinh hoạt gia đình.
Mặt khác, em cũng không nên yên phận quanh quẩn mãi với bếp núc, phải thu xếp chuyện nhà để ra ngoài làm việc. Em làm việc không đơn thuần là kiếm tiền phụ chồng mà còn là để củng cố vị thế độc lập trong mắt chồng, để tăng cường giao tiếp, nâng cao hiểu biết xã hội, để mình không bị mòn mỏi, cùn nhụt theo thời gian.
Hàng ngày, vợ chồng cũng cần để ý đến nhau hơn, mua quà tặng nhau mỗi khi có dịp, thỉnh thoảng cùng ra ngoài ăn tối, gặp gỡ bạn bè, đi cà phê, xem ca nhạc với nhau… Cứ thế, sẽ không thiếu những chuyện có thể chia sẻ cùng nhau. Từng bước một, nếu em cố gắng thay đổi và cuốn chồng theo mình, không khí gia đình sẽ dần ấm áp lại.
Cuộc sống vợ chồng có tẻ nhạt hay không là do chính mình chủ động sắp xếp, đừng đổ cho hoàn cảnh khi bản thân chưa cố gắng hết sức. Nếu đặt hết tâm ý vào việc sưởi ấm gia đình, chắc chắn em sẽ còn có nhiều ý tưởng sáng tạo khác để vợ chồng ngày một “gần gũi nhau hơn”, chứ không phải là nghĩ đến chuyện “phá tung tất cả”.
Một người chồng như chồng em có thể không phải là người thú vị, năng động, nhưng vẫn là một người chồng tốt, khó tìm. Quyền chủ động trong gia đình đã được chồng trao vào tay mình, em đừng lãng phí thêm nữa.
Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn )