Chủng Delta virus SARS-CoV-2 có nguy hiểm hay không?

14/06/2021 - 20:08

PNO - Có một giả thuyết cho việc lây lan nhanh của chủng Delta là chủng này rất nhẹ nên lơ lửng lâu trong không khí, chậm rơi xuống bề mặt.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM - cho biết biến chủng virus SARS-CoV-2 B.1.617.2 - hay biến chủng Ấn Độ - hiện giờ được gọi tên là chủng Delta.

Tại TPHCM, chủng virus Delta được phát hiện lần đầu tiên từ điểm dịch ở một công ty kiểm toán ở quận 3 với một bệnh nhân từ Hải Phòng vào, và một đồng nghiệp cùng công ty. Khi phát hiện ra 2 bệnh nhân COVID-19 mắc biến chủng này vào ngày 18/5, nhiều chuyên gia dịch tễ rất ngạc nhiên vì mức độ lây lan không nhiều như khi xảy ra ở Ấn Độ.

BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM
BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nhớ lại, lúc đó các nhà dịch tễ đặt câu hỏi: có phải khí hậu Việt Nam không phù hợp nên biến chủng này khó lây lan. Tuy nhiên, sau khi phát hiện chuỗi lây nhiễm ở điểm nhóm truyền giáo Phục hưng, biến chủng Ấn Độ này cho thấy mức độ lây lan nhanh hơn nhiều so với biến chủng Anh và so với đợt dịch của năm 2020.

Thời điểm năm 2020, những trường hợp bị nhiễm thường sau những tiếp xúc rất gần, giữa các thành viên sống chung một nhà. Nhưng với chủng Delta năm 2021, COVID-19 dễ dàng lây lan từ những đồng nghiệp chung công ty, từ trong nhà lan sang hàng xóm, trong chung cư. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng dẫn chứng trong chuỗi lây nhiễm tại Công ty Thiên Tú FN, có đến 71 người nhiễm trong tổng số hơn 300 người.

Chu kỳ lây nhiễm của chủng Delta cũng nhanh hơn, chỉ sau 3 ngày đã tạo ra một chu kỳ lây nhiễm mới. Nếu mắc biến chủng Anh, có khoảng 80% người bệnh không có triệu chứng nhưng với chủng Delta (biến chủng Ấn Độ), thì khoảng 66% người mắc có triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài. Trong chuỗi lây nhiễm ở Hóc Môn, khi phát hiện đã có hơn 20 người có triệu chứng.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: Xuân Bình.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - Ảnh: Xuân Bình.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho rằng, có một giả thuyết cho việc lây lan nhanh của chủng Delta là chủng này rất nhẹ nên lơ lửng lâu trong không khí, chậm rơi xuống bề mặt.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, nếu so với virus cúm H1N1 lần đầu xuất hiện ở Việt Nam thì những triệu chứng của chủng Delta virus SARS-CoV-2 là nhẹ hơn, chủ yếu là sốt, mệt mỏi, mất vị giác, khứu giác... không ho nhiều như H1N1.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa đủ dữ liệu để đánh giá tỷ lệ tử vong của chủng Delta, cần thời gian để đánh giá chính xác sự tác động lên quần thể người Việt Nam như thế nào và còn dựa trên bệnh nền của người mắc COVID-19.

Trả lời câu hỏi về áp dụng test nhanh kháng nguyên trong giám sát truy vết các ổ dịch, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc HCDC cho biết, áp dụng test nhanh kháng nguyên phải có chỉ định phù hợp, không dùng tràn lan. Hiện tại, TPHCM có áp dụng thử tại công ty PouYuen. Trong trường hợp dịch lan rộng, cần truy vết nhanh, có thể TPHCM sẽ áp dụng phương pháp này.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI