Chung cư mini dễ cháy nhưng khó thoát

15/09/2023 - 06:14

PNO - Vụ cháy lớn ở chung cư mini số 37 ngách 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội khuya 12/9 gây bàng hoàng cho người dân cả nước, đồng thời khiến những người đang sinh sống ở các chung cư mini, chung cư cũ bị ám ảnh lo sợ.

 

Bên trong căn nhà được cải tạo thành chung cư mini xảy ra hỏa hoạn khiến 56 người chết ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội ẢNH: BẢO KHANG
Bên trong căn nhà được cải tạo thành chung cư mini xảy ra hỏa hoạn khiến 56 người chết ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội - Ảnh: Bảo Khang

Bất an khi sống trong chung cư siêu nhỏ

Sống trong căn chung cư mini nằm trong ngách nhỏ ở ngõ 88 Trần Quý Cáp, quận Đống Đa, TP Hà Nội với khoảng 20 căn hộ, chị L.T.H. cho hay, không chỉ sau vụ cháy lớn mới đây, mà từ khi vào sống ở chung cư này, chị rất không yên tâm. 

Chị H. mua căn hộ trên tầng 8 của chung cư mini này từ đầu năm nay với giá 1,5 tỉ đồng. Cùng tầng với gia đình chị còn 2 căn hộ nữa. Chung cư rộng khoảng hơn 200m2 nhưng cửa ra vào rất nhỏ. Tòa nhà này có 9 tầng nhưng thang máy chỉ lên đến tầng 7. Vì vậy, gia đình chị phải đi bộ thêm 1 tầng nữa, chung với cầu thang thoát hiểm. Cầu thang thoát hiểm cũng được xây hình xoắn ốc, rất chật, không đủ cho 2 người cùng đi. 

Dẫn chúng tôi lên tầng 9 là sân thượng của chung cư mini, chị H. chỉ vào một chiếc bể xây bằng gạch nằm ở một góc sân. Đó là nơi cư dân đốt vàng mã vào các ngày rằm, mùng Một. Bể rất cạn, không có phần nắp che như lư hóa vàng thường thấy ở các chung cư. Chị H. bức xúc: “Chúng tôi đã nói rất nhiều lần về nguy cơ cháy cao nhưng nhiều cư dân vẫn đốt vàng mã ở đây. Thậm chí, khi có tiệc, một số gia đình còn lên đây nấu nướng, ngồi ăn tại chỗ”.

Tầng trệt của chung cư mini này được sử dụng làm nơi để xe máy. Mỗi buổi tối, hàng chục chiếc xe máy đậu kín chỗ. Sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, chủ chung cư này đã thông báo cấm các xe điện cắm sạc trong chỗ để xe. Chị H. kể, 2 ngày qua, cư dân trong khu này sống trong lo lắng. “Tôi cũng có ý định bán căn hộ này để mua 1 căn chung cư ở ngoại thành cho thoáng đãng, an toàn, nhưng giờ chắc cũng khó có người mua” - chị H. nói.

Trước khi mua căn hộ trong chung cư này, chị H. từng thuê 1 căn hộ trong chung cư nhỏ hơn, nằm sâu trong ngõ 165 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy. Ở đó, thang máy cũng chỉ lên đến tầng 7, người ở 2 tầng trên phải đi thang bộ từ tầng 7 lên. Theo chị H., đây có thể do các chủ chung cư mini chỉ xin giấy phép 7 tầng nhưng xây vượt thêm tầng. 

 

Khu vực phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội - nơi xảy ra vụ cháy khiến 56 người tử vong - vẫn còn nhiều chung cư mini kiểu chuồng cọp ẢNH: BẢO KHANG
Khu vực phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội - nơi xảy ra vụ cháy khiến 56 người tử vong - vẫn còn nhiều chung cư mini kiểu "chuồng cọp"  - Ảnh: Bảo Khang

Hầu hết chung cư mini ở TP Hà Nội nằm trong ngõ nhỏ, sâu do khó cho thuê mặt bằng. Các chung cư mini này thường nằm ở các quận có mật độ dân cư cao như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông. Chị Lương Thị Linh - ở phố Khâm Thiên, quận Đống Đa - nói, dù biết chung cư mini có nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề sổ đỏ, nhưng do tài chính hạn hẹp, lại muốn sống gần nơi làm việc nên vợ chồng chị vẫn quyết định “xuống tiền” 700 triệu đồng để mua căn hộ 30m2.

Rất dễ cháy nổ nhưng lại khó thoát

Kiến trúc sư Lương Văn Tuyên - có nhiều năm thiết kế chung cư tái định cư ở TP Hà Nội - phân tích, chung cư mini “hút” người tiêu dùng nhờ giá căn hộ rẻ. Chỉ cần từ 500-900 triệu đồng, người dân có thể mua được 1 căn hộ chung cư mini có diện tích khoảng 30 - 42m2. Với giá tiền này, người dân chỉ có thể mua nhà ở xã hội, nhưng không dễ để có suất mua nhà ở xã hội. Các chung cư mini còn hút khách thuê do có bảo vệ, an ninh tốt hơn ở các khu trọ bình dân.

“Nhưng các chung cư này có diện tích rất nhỏ so với quy mô dân số; không có thang thoát hiểm hoặc chỉ có 1 thang duy nhất với diện tích nhỏ, vị trí không thuận lợi; cửa không đảm bảo chống cháy, ngăn khói” - ông Lương Văn Tuyên phân tích. Cũng theo ông, hầu hết các chung cư mini không có phương tiện chữa cháy hoặc có nhưng sơ sài. 

“Chung cư mini bị cháy ở quận Thanh Xuân có 10 tầng, 45 phòng, được xây dưới dạng nhà ống, chỉ có 1 lối thoát hiểm duy nhất. Chung cư này nằm trong ngõ nhỏ nên khi cháy, người bên trong khó thoát ra, còn lực lượng chữa cháy cũng khó tiếp cận”.

Kiến trúc sư Lương Văn Tuyên

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cũng cho rằng, chung cư mini chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ về vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật, điều kiện phòng cháy và chữa cháy (PCCC). 

Chỗ đốt vàng mã trên sân thượng chung cư mini ở ngõ 88 Trần Quý Cáp, quận Đống Đa, TP Hà Nội - ẢNH:  BẢO KHANG
Chỗ đốt vàng mã trên sân thượng chung cư mini ở ngõ 88 Trần Quý Cáp, quận Đống Đa, TP Hà Nội - Ảnh: Bảo Khang

Ông Bùi Xuân Thái - Trưởng ban Thông tin, Truyền thông, Hiệp hội PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Việt Nam - nhận định, vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội ngày 13/9 làm 56 người chết là hồi chuông báo động cho công tác PCCC, công tác đảm bảo an toàn PCCC ở chung cư nói chung và chung cư mini nói riêng. Chung cư mini là loại hình thịnh hành ở TP Hà Nội và một số đô thị lớn của Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Theo ông, khi xây dựng chung cư mini, các chủ đầu tư thường xin giấy phép xây dựng nhà ở dân dụng, sau đó xin chuyển đổi mục đích sử dụng sang cho thuê hoặc bán căn hộ với số người ở rất đông. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng này khiến hệ thống dây dẫn điện trong tòa nhà chung cư không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của số đông người, dẫn đến quá tải, chập cháy.

Ngõ 29 Khương Hạ (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) đang tồn tại rất nhiều nhà ở cải tạo thành chung cư mini - ẢNH: BẢO KHANG
Ngõ 29 Khương Hạ (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) đang tồn tại rất nhiều nhà ở cải tạo thành chung cư mini - Ảnh: Bảo Khang

Chung cư mini cũng chứa nhiều phương tiện cá nhân như xe đạp điện, xe máy điện, càng làm tăng nguy cơ cháy, nổ. Bên cạnh đó, do việc xây dựng ban đầu là nhà ở dân dụng nên hệ thống PCCC không đảm bảo đúng quy định (không qua bước thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu hệ thống PCCC trước khi đưa vào sử dụng như chung cư thông thường). 

Ông nói thêm, căn hộ trong chung cư mini thuộc dạng khép kín với cửa chính, cửa sổ rất kiên cố. Do vậy, khi xảy ra cháy nổ, việc thoát nạn rất khó khăn. Các chung cư mini thường được xây trong các ngõ nhỏ, hẹp và sâu nên lực lượng chức năng khó tiếp cận để cứu nạn, cứu hộ. 

Hỗ trợ các nạn nhân trong vụ cháy ở TP Hà Nội

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, liên quan vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, đến trưa 14/9, đã có 56 người tử vong, 42 người đang được cấp cứu, điều trị ở các bệnh viện, trong đó có 3 trường hợp đã ra viện. Trong số được điều trị, có 10 trẻ em và 1 phụ nữ mang thai, 14 người bị thương nặng, 25 người bị thương ở mức trung bình và nhẹ.

Sở đã hỗ trợ 47 trường hợp tử vong và 37 người bị thương. Các trường hợp chưa được hỗ trợ là do sở chưa xác định được tên, tuổi, địa chỉ, nơi thi hài được chuyển đến. Mức hỗ trợ là 37 triệu đồng/người thiệt mạng và 12,4 triệu đồng/người bị thương, Quỹ Bảo trợ trẻ em TP Hà Nội hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/trẻ em bị thiệt mạng và 10 triệu đồng/trẻ em bị thương. Sở hỗ trợ các nạn nhân tiền thuê nhà, tiền mua sách vở cho trẻ em và các chi phí khác như viện phí, hỏa táng...
Mấy ngày qua, người dân TP Hà Nội cũng quyên góp quần áo, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt để hỗ trợ các nạn nhân vụ cháy.  

 Minh Quang

Chung cư cũ đã thiếu an toàn, còn bị cơi nới

 Ở TPHCM, các chung cư cũ kỹ cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Khi đi vào chung cư Bàu Cát 1, đường Đồng Đen, quận Tân Bình, dù đang giữa trưa, chúng tôi vẫn thấy thang bộ thiếu ánh sáng, đường dây điện loằng ngoằng, chồng chéo nhau ngay trên đầu. Dò tìm một hồi, chúng tôi mới thấy nơi đặt thiết bị chữa cháy. Chúng đã cũ kỹ, bụi đóng lớp.

Bà Lê Thủy - sống ở chung cư Bàu Cát 1 khoảng 10 năm nay - cho hay, mỗi lầu đều có bình chữa cháy nhưng bà chưa từng được hướng dẫn sử dụng, cũng như chưa từng thấy ai đến bảo trì. Nếu xảy ra cháy thì bà cũng không biết xử trí ra sao. Ở đây cũng không có hệ thống dẫn nước dập lửa, không có đèn, còi báo cháy.

Chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Ngô Gia Tự (quận 10) hiện đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn rất đông người sinh sống. Bên ngoài chung cư là nhiều căn hộ được cơi nới, rào chắn bít cả ban công với những lồng sắt kiên cố nhằm chống trộm. Một số chủ hộ còn hàn lồng sắt để làm kho chứa các vật liệu, cản trở lối đi trên hành lang. Nếu xảy ra cháy, việc thoát hiểm sẽ vô cùng khó khăn.

Tú Ngân

Tổng rà soát công tác phòng cháy chữa cháy ở chung cư mini

Ngay sau vụ cháy ở phố Khương Hạ, UBND TP Hà Nội đã có công điện về việc tăng cường công tác PCCC đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini). Công điện yêu cầu kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, nhất là chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng trọ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC. Công điện cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, kỹ năng thoát nạn cho người dân đang sinh sống, làm việc trong các khu nhà nhiều căn hộ.

UBND TPHCM cũng có văn bản yêu cầu tăng cường công tác an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ, trong đó giao Công an TPHCM khẩn trương tham mưu kế hoạch tổng kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC đối với các cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư mini. UBND TPHCM yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình và thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về PCCC, đồng thời sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu nếu buông lỏng trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về PCCC. Việc tổng kiểm tra PCCC phải hoàn thành trước ngày 30/10/2023.

Bảo Khang

 Phòng chống cháy, nổ ở chung cư như thế nào?

Để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra hỏa hoạn, chủ đầu tư cần đảm bảo số lượng lối thoát nạn của chung cư. Lối thoát nạn bên dưới cần thông thoáng, không bị hàng hóa, xe cộ cản trở. Cần dỡ bỏ các khung sắt chắn lối thoát nạn trên cao (lối ra ban công, sân thượng), nếu không thể dỡ bỏ thì trang bị khóa và đảm bảo mở khóa kịp thời khi có hỏa hoạn xảy ra.

Chủ đầu tư và người dân trong chung cư thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, dây dẫn điện, các phích cắm trong tòa chung cư, nếu phát hiện nguy cơ chập cháy thì thay thế ngay. Trong bãi giữ xe, cần sắp xếp khu vực riêng cho xe điện và nơi sạc xe điện. Chủ đầu tư cần trang bị phương tiện chuyên dụng chữa cháy đối với xe điện và thường xuyên bố trí lực lượng bảo vệ túc trực 24/24 giờ tại khu chung cư. Có thể đầu tư bổ sung thêm thiết bị cảnh báo cháy sớm. Người dân cũng cần có ý thức trang bị các kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm và ứng phó khi có cháy, nổ.

Ông Bùi Xuân Thái - Trưởng ban Thông tin, Truyền thông, Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Việt Nam

Tú Ngân (ghi)

Đổ xô mua thang dây, mặt nạ chống khói

Sau vụ hỏa hoạn ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, nhiều người đã tìm mua các thiết bị PCCC, bảo hộ như bình xịt cứu hỏa, mặt nạ chống khói hoặc hơi độc, thang dây thoát hiểm. 

Chị Hoàng Thanh (quận Thanh Xuân) cho biết, gia đình chị đang sống ở tầng 7 của một chung cư thấp tầng, cách chung cư bị cháy khoảng 1km. Để phòng ngừa tình huống xấu, chị đã đặt mua 4 chiếc mặt nạ chống khói cho 4 thành viên trong gia đình. 

Trên mạng xã hội, các mặt hàng này đang được rao bán nhan nhản, trong đó, mặt nạ được quan tâm nhất. Trên thị trường, giá của sản phẩm này từ 100.000-250.000 đồng. Chủ một cửa hàng online giới thiệu cho chúng tôi chiếc mặt nạ giá 100.000 đồng, trên bao bì chỉ có tiếng nước ngoài, không có tem phụ, được quảng cáo làm bằng vật liệu chống cháy, bên ngoài phủ lớp màng bạc nhôm để ngăn sự bức xạ nhiệt. Ngoài sản phẩm giá rẻ, ở đây cũng có mặt nạ chống độc chuyên dụng được nhập khẩu, có đầy đủ tem nhãn. Sản phẩm có khả năng lọc bụi, lọc nhiều loại khí độc, dễ chịu khi sử dụng.

Theo anh Nguyễn Văn Trung - kỹ sư PCCC, làm việc cho một công ty xây dựng ở TP Hà Nội - khi mua mặt nạ chống độc, cần kiểm tra nguồn gốc của sản phẩm. Nhất thiết phải dùng mặt nạ được cơ quan PCCC dán nhãn kiểm định. Tiếp đến, phải tập và thuần thục kỹ năng đeo mặt nạ bởi ngay cả những người làm trong ngành xây dựng cũng chưa từng đeo thử.

Anh nói: “Khi có cháy, nổ, người gặp nạn rất hoảng hốt nên nếu chưa thành thạo kỹ năng đeo mặt nạ và thoát hiểm, sẽ càng rối. Sự loay hoay lúc cấp bách này có thể để lại hậu quả nặng nề”.

Minh Quang

Bảo Khang - Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI