|
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu nhiều "điểm nghẽn" trong xây dựng lại nhà ở chung cư |
Sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới như sau: bổ sung khái niệm “nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp”; “nhà lưu trú công nhân”; “chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở”; “thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở”.
Dự thảo cũng bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm mới như: ký kết các văn bản huy động vốn phục vụ cho phát triển nhà ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc tiền mua nhà ở trả trước cho phát triển nhà ở; một số hành vi trong quản lý, sử dụng nhà chung cư…
Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay, một trong những vướng mắc phải khắc phục khi sửa đổi Luật Nhà ở là tình trạng khó khăn trong phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, đã bị xuống cấp, hư hỏng. Trong hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 3/2023, Chính phủ đã đề xuất bổ sung quy định cụ thể về xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, nội dung này không nhận được sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 3/2023, dự thảo Luật trình Quốc hội đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Song, theo ông Hoàng Thanh Tùng, các nội dung bổ sung trong dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra về tính cụ thể, khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo luật phải tháo gỡ được các điểm nghẽn như: không di dời được người dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ; không lựa chọn được chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong trường hợp người dân tự góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư; không thống nhất được phương án bồi thường, tái định cư sau khi đã lựa chọn được chủ đầu tư dẫn đến việc triển khai dự án kéo dài, không bảo đảm tiến độ thực hiện kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Ngoài ra, Dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải áp dụng quy định về trình tự, thủ tục đầu tư của cả Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công gây khó khăn, kéo dài thủ tục thực hiện dự án cũng là một vướng mắc cần phải khắc phục.
Để giải quyết tình trạng không lựa chọn được chủ đầu tư cải tạo, xây dựng nhà chung cư trong trường hợp người dân tự góp kinh phí xây dựng lại, Ủy ban Pháp luật tán thành quy định tại dự thảo là “cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư”.
Với các "điểm nghẽn" còn lại, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu thêm về trình tự, thủ tục di dời. Dự thảo Luật đang quy định: “Trường hợp không chấp hành di dời thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế di dời theo quy định của Luật này”. Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời, biện pháp cưỡng chế, dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai.
“Nếu chung cư cũ, hư hỏng, có nguy cơ sập đổ mà chưa di dời được người dân, hậu quả xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm? Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định cụ thể và bổ sung giải pháp quyết liệt hơn, trong đó có các biện pháp cưỡng chế cần thiết, phù hợp để khắc phục tình trạng này”, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật nói.
|
Chung cư thuộc cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh, TPHCM) xuống cấp nguy hiểm sau gần 50 năm đi vào sử dụng |
Về phương án bồi thường, tái định cư, dự thảo Luật quy định: trường hợp lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không thuộc diện quy định thì các doanh nghiệp tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án lập phương án bồi thường, tái định cư để các chủ sở hữu nhà chung cư quyết định lựa chọn.
Quy định này theo Ủy ban Pháp luật tồn tại 2 vấn đề vướng mắc. Thứ nhất, việc lựa chọn phương án bồi thường, tái định cư cần sự đồng thuận của các chủ sở hữu đến mức độ nào? Bởi vì thực tế hiện nay cho thấy, nhiều quyết định của Hội nghị nhà chung cư hay Hội nghị các chủ sở hữu nếu cần sự đồng thuận 100% là rất khó triển khai.
Thứ hai, nếu các chủ sở hữu không thống nhất được phương án bồi thường, tái định cư thì việc triển khai dự án sẽ được xử lý ra sao?
Để khắc phục vấn đề này, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định trong Luật tỉ lệ biểu quyết lựa chọn phương án bồi thường, tái định cư của các chủ sở hữu căn hộ. Đồng thời bổ sung quy định sau một thời hạn nhất định mà không thống nhất được phương án thì việc bồi thường, tái định cư thực hiện theo phương án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở các nguyên tắc bồi thường, tái định cư đã được Luật Nhà ở quy định.
M.Quang