Các cư dân cho rằng Trưởng Ban Quản trị chung cư này đã “rút ruột” phí bảo trì chung cư.
Tiền tỷ chi không hóa đơn chứng từ
Trong đơn gửi đến Báo Phụ nữ, các cư dân phản ánh, sau khi chung cư đưa vào sử dụng một thời gian, năm 2011, Ban Quản trị (BQT) chung cư được bầu ra. Lúc này ông Trần Văn Hùng được bầu làm Trưởng BQT chung cư, ông Phạm Công Dũng làm thư ký. Tiền phí bảo trì là 1,9 tỷ đồng đứng tên đồng sở hữu ông Hùng và ông Dũng.
Tuy nhiên, chỉ khoảng hai tháng sau, ông Hùng từ nhiệm. Ông Dũng được đánh giá là người hăng hái nhất trong các hoạt động của chung cư nên được cư dân bầu làm Trưởng BQT chung cư.
|
Đại diện các thành viên BQT chung cư An Lạc phản ánh với PV Báo Phụ nữ |
Thế nhưng, khi ngồi được vào chiếc ghế trưởng BQT, ông Dũng đã thực hiện nhiều việc làm có dấu hiệu lạm quyền. Ông Dũng tự đứng tên toàn bộ số tiền phí bảo trì của cư dân 1,9 tỷ đồng kiêm luôn vai trò thủ quỹ. Trong suốt quá trình điều hành BQT, ông Dũng không công khai các khoản thu chi cho cư dân và các thành viên BQT khác biết.
“Chúng tôi nhiều lần đề nghị ông Dũng công khai các khoản thu chi tài chính cho dân biết, nhưng ông Dũng chỉ hứa, không thực hiện” - bà Võ Thị Cẩm Tươi (căn hộ B14 - 09) phản ánh.
|
Chung cư An Lạc, Q.Bình Tân |
Ông Nguyễn Ngọc Nhân - Phó BQT chung cư An Lạc (nhiệm kỳ 2011 - 2013) bức xúc: “ông Dũng đứng tên giữ tiền rồi tự lên kế hoạch thu chi, sữa chữa chung cư. Tôi nhiều lần yêu cầu ông ấy công khai minh bạch tài chính cho các thành viên BQT biết nhưng ông ấy vẫn không chịu thực hiện”.
Quá bức xúc, khoảng tháng 8/2011, ông Nhân xin từ nhiệm. Các thành viên còn lại trong BQT tiếp tục làm việc. Nhưng theo các thành viên này, kéo dài suốt nhiều năm trời họ không được biết các khoản thu chi, bảo trì của ông Dũng đã thực hiện.
|
Nền chung cư sụp lún và gạch trên sân thường bong tróc |
Đến khoảng cuối năm 2013, ông Dũng phải thực hiện báo cáo cuối nhiệm kỳ. Lúc này các cư dân và thành viên BQT mới có cơ hội biết về những việc làm của ông Dũng. Tuy nhiên, khi đọc qua bảng báo cáo họ “tá hỏa” khi nghe tổng số tiền phí bảo trì chung cư chỉ còn khoảng... 455 triệu đồng.
Bức xúc, các cư dân gửi đơn khiếu nại từ phường đến quận nhưng chờ hoài vẫn không thấy các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra. Đầu năm 2016, các hộ dân gửi đơn đến Sở Xây dựng (XD) và UBND TP. Khoảng tháng 10/2016, Thanh tra Sở Xây dựng chính thức vào cuộc. Cuối tháng 7/2017, hàng loạt khoản thu chi bất minh bắt đầu lộ ra thì tiền phí bảo trì cũng sắp... hết.
Cạn kiệt phí bảo trì, dân bất lực nhìn chung cư xuống cấp
Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Sở XD, từ năm 2011 đến 2016, BQT chung cư An Lạc mà đứng đầu là ông Phạm Công Dũng đã tiếp nhận tổng cộng 1,9 tỷ đồng từ chủ đầu tư. BQT khai báo từ khi tiếp nhận tiền đến tháng 10/2016 đã chi tổng cộng 1.609.130.360 đồng. Nhưng số tiền còn lại tại thời điểm kiểm tra chỉ có 51.434.631 đồng, thất thoát 284.251.280 đồng.
|
Tường nhà răn nứt nghiêm trọng |
Trong đó, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 4/2011 đến tháng 12/2013, BQT đã chi bảo trì đến 1.091.338.720 đồng. Điều đáng nói khi đoàn Thanh tra đề nghị cung cấp các giấy tờ pháp lý liên quan việc chi số tiền này nhưng BQT không có bất kỳ chứng cứ, hóa đơn nào kèm theo. Thậm chí, trong khoảng thời gian này toàn bộ số tiền bảo trì lớn như vậy nhưng không có một đồng tiền lãi. BQT cũng không giải thích được số tiền 284.251.280 “bốc hơi” đi đâu.
Ngoài ra, BQT cũng không cung cấp được cho đoàn Thanh tra hồ sơ năng lực các đơn vị tham gia quản lý vận hành; không lưu trữ đầy đủ hồ sơ quản lý; sổ sách thu chi tài chính, sổ sách kỹ thuật; lưu trữ chứng từ thu chi, thanh toán...
|
Tường thấm dột |
Ông Lại Văn Hưng - Phó BQT chung cư An Lạc (nhiệm kỳ 2014 - 2016) giải thích: “Nói trách nhiệm tập thể là BQT nhưng thực chất trong suốt thời kỳ từ năm 2011 - 2016 đều do ông Dũng điều hành chính. Từ năm 2014 - 2016, ông Dũng đưa bao nhiêu tiền, các thành viên BQT chúng tôi làm bấy nhiêu. Tất cả đều có hóa đơn chứng từ. Còn các khoản tiền “không tên” trước đó chúng tôi không biết”.
Chiều 13/12, trao đổi với PV Báo Phụ nữ, ông Dũng phản bác: “Tất cả các phản ánh của một số cư dân và các thành viên BQT là không đúng. Một số người muốn lật đổ tôi vì tôi không cho họ “ăn uống” trong tiền phí bảo trì”.
|
Cầu thang nứt toát, nhưng tất cả đều không có tiền bảo trì sửa chữa |
Tất cả tiền chi ra ông đều có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Trong quá trình thanh tra ông có cung cấp cho đoàn Thanh tra, nhưng không hiểu sao đoàn Thanh tra vẫn ra kết luận ông không cung cấp. “Vấn đề mắc mứu tôi không biết các thành viên BQT có móc nối với đoàn Thanh tra không” - ông Dũng nghi ngờ.
Ngoài ra, theo ông Dũng, trong suốt quá trình ông làm Trưởng BQT không hề đứng tên một mình phí bảo trì như một số cư dân và thành viên BQT phản ánh. Cụ thể, đầu tiên ông đứng tên đồng sở hữu phí bảo trì với ông Trần Văn Hùng. Khoảng sáu tháng sau, ông Hùng từ nhiệm, ông đứng tên đồng sở hữu với ông Nguyễn Ngọc Nhân (Phó BQT nhiệm kỳ 2011 - 2013). Nhưng chỉ khoảng một năm sau, ông Nhân cũng từ nhiệm. Ông chuyển sang đứng tên đồng sở hữu với ông Lê Đức Hà (Phó BQT).
Ông Dũng cho biết, hiện ông đã gửi đơn khiếu nại vụ việc đến Thanh tra Sở XD.
Điều đáng nói, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện chung cư An Lạc đang xuống cấp nghiêm trọng. Nền nhà, sân thượng bong tróng gạch, sụp lún; cầu thang nứt toát; tường thấm dột... nhưng không có tiền sửa.
Phan Trí - Bích Trần