Tại hội nghị, khi được chủ tọa mời lên phát biểu trước cư dân, ông Dũng khẳng định: “Trong nhiệm kỳ từ năm 2011 đến năm 2016 tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các thông tin cho rằng tôi thu chi không minh bạch, “rút ruột” phí bảo trì là vu khống tôi. Hiện tôi đã khiếu nại đến Thanh tra Sở Xây dựng và sở xác nhận đã nhận đơn của tôi. Còn nếu được trúng cử tiếp, tôi hứa sẽ không tăng phí quản lý chung cư”.
Tuy nhiên, sau khi ông Dũng phát biểu xong, nhiều cư dân bức xúc đòi đưa ông Dũng và ông Phan Thành Long (thành viên BQT trước đây) ra khỏi danh sách ngay lập tức, không cần bầu.
|
Ông Dũng và ông Long (hàng ghế đầu tiên) tại hội nghị |
Anh Nguyễn Văn Đại (nhà số B3- 75) nói: “Theo quy chế, người được ứng cử là người không vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể, không gây thất thoát từ 10 triệu đến trên 100 triệu đồng. Nhưng ông Phạm Công Dũng với vai trò Trưởng BQT chung cư An Lạc đã có dấu hiệu tham ô tiền bảo trì của cư dân nên không thể tiếp tục đưa vào danh sách bầu BQT”.
Chưa hết, theo anh Đại, khi ông Dũng từ chức, cư dân đã yêu cầu ông Dũng bàn giao hồ sơ nhưng ông Dũng không bàn giao. Cư dân xuống nước yêu cầu ông Dũng cho xin bản photocopy, ông Dũng cũng không bàn giao. Như vậy, ông Dũng đã vi phạm tiêu chí bầu cử và không có tư cách đạo đức.
|
Phía sau, người dân đồng loạt đưa tay đòi loại ông Dũng ra khỏi BQT trước khi bầu cử, nhưng ông Dũng đã đứng lên phản đối quyết liệt |
Anh Phan Ngọc Bảo (nhà số B4 - 01) tâm sự: “Trong hai nhiệm kỳ qua tôi rất đau vì tôi bị lừa khi bỏ phiếu bầu cho ông Dũng”. Anh Bảo kể, trước đây (năm 2011), ông Trần Công Hùng (Trưởng BQT nhiệm kỳ 2011 - 2013) có một vài sai sót trong quản lý, ông Dũng đã đứng lên phê bình gay gắt ông Hùng. Lúc đó tôi nghĩ ông ấy cũng có tâm với chung cư nhưng tôi đã lầm. Tôi ở đây từ khi ông Dũng bắt đầu bước chân vào BQT, chưa bao giờ tôi thấy ông Dũng công khai tài chính.
Một cư dân khác cho biết: “Tôi cũng là người đã bỏ phiếu bầu cho ông Dũng vào BQT. Giờ tôi thấy có lỗi rất nhiều với cư dân ở đây. Vậy mà vừa rồi tôi không biết phường nghĩ gì cho ông Dũng danh hiệu... “người tốt việc tốt”. Trong khi theo tôi biết, tiền quỹ an ninh quốc phòng ông Dũng thu của dân rồi không đóng đủ cho phường. Bị cư dân khiếu nại, ông Dũng mới đóng bổ sung. Nhưng giờ vẫn còn thiếu 130.000 đồng”.
Đáp lại phản ứng của người dân, ông Dũng tuyên bố: “Quy chế bầu cử là do Nhà nước ban hành. Cá nhân tôi chưa có phán quyết của tòa án là tôi có tội, mắc gì không cho tôi ứng cử”.
Tuy nhiên, cư dân vẫn phản đối quyết liệt, ông Từ Tiến Tân - Phó Chủ tịch P.An Lạc, Q.Bình Tân, Chủ tịch đoàn bầu cử, đề nghị cư dân cho biểu quyết bằng cách đưa tay. Ngay lập tức, cư dân đồng loạt đưa tay đề nghị loại ông Dũng ra ngay từ “vòng gửi xe”.
Thế nhưng, ông Dũng phản ứng quyết liệt hơn: “Tôi không đồng ý hình thức lấy kiến này. Tôi không bị tòa án kết tội hoặc cơ quan công an kết luận điều tra có sai phạm nên không được loại tôi ra”.
Trước tình hình trên, cư dân đành chịu thua, cho ông Dũng vào vòng trong tranh cử. Tuy nhiên, ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên, 96% cư dân đã loại ông Dũng ra khỏi BQT. Đến vòng bỏ phiếu thứ hai, 88% cư dân tiếp tục loại ông Long ra khỏi BQT.
Người không ở, không sử dụng nắm... quyền quyết định BQT
Tại hội nghị đã xuất hiện một nghịch lý, có hai đơn vị không ở, không sử dụng căn hộ chung cư lại gần như quyết định toàn bộ thành phần BQT. Đó là chủ đầu tư chung cư An Lạc và Công ty dịch vụ công ích Q.6. Trong đó, do chủ đầu tư sở hữu quyền sử dụng của nhiều phần diện tích thương mại nên được phát 15 phiếu bầu. Còn Công ty dịch vụ công ích Q.6 trước đó đã mua 95 căn hộ để làm quỹ nhà tái định cư nên được phát số phiếu bầu tương ứng. Với số phiếu của hai đơn vị này cộng lại đã chiếm gần 50% số phiếu bầu trong chung cư.
Được biết, việc này xuất phát từ quy định tại Điều 16, Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng quy định, “Quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được tính theo đơn vị căn hộ và được quy định mỗi căn hộ trong nhà chung cư tương ứng với một phiếu biểu quyết; đối với phần diện tích khác trong nhà chung cư không phải là căn hộ thì mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với diện tích sàn xây dựng của căn hộ lớn nhất theo thiết kế được phê duyệt tại nhà chung cư đó có một phiếu biểu quyết.
Theo các chuyên gia bất động sản, đáng lẽ thông tư chỉ nên quy định mỗi chủ sở hữu chỉ được một phiếu biểu quyết để tránh tình trạng một đơn vị nào đó sở hữu nhiều căn hộ trong chung cư sẽ nắm toàn quyền quyết định bầu BQT. Hoặc trường hợp chủ đầu tư bán chưa hết số lượng căn hộ trong chung cư sẽ nắm quyền quyết định bầu BQT.
|
Phan Trí - Bích Trần