Chứng chỉ IELTS có đang được “thần thánh hóa”?

23/06/2023 - 06:24

PNO - Mới đây, dư luận xôn xao khi 1 trường THCS công bố danh sách tuyển thẳng vào lớp Sáu với học sinh có chứng chỉ IELTS. Việc học sinh “chạy đua” lấy IELTS từ tiểu học một lần nữa đặt ra băn khoăn phải chăng đang có sự ngộ nhận và “thần thánh hóa” chứng chỉ này?

Nhiều trường THCS, THPT tuyển thẳng học sinh có IELTS

Từ 3 năm nay, Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) duy trì hình thức tuyển thẳng với học sinh có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đặc biệt là IELTS. Mới đây, trường công bố danh sách 35 học sinh được tuyển thẳng vào lớp Sáu năm học 2023-2024. Trong đó, có học sinh đạt IELTS 6.5, nhiều em đạt 4.0 - 6.0. Ngoài ra, các em đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khác đều được quy đổi ra điểm IELTS để xét tuyển.

Nhiều thầy cô tiếng Anh cho rằng các học sinh từ lớp Mười trở lên mới thực sự phù hợp để học và luyện thi IELTS (trong ảnh: Một lớp học tiếng Anh của trẻ em ở Trung tâm Exel Focus (TP Hà Nội) - ẢNH: X.H.
Nhiều thầy cô tiếng Anh cho rằng các học sinh từ lớp Mười trở lên mới thực sự phù hợp để học và luyện thi IELTS (trong ảnh: Một lớp học tiếng Anh của trẻ em ở Trung tâm Exel Focus (TP Hà Nội) - ẢNH: X.H.

Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2023-2024, nhà trường tuyển thẳng 1 lớp tiếng Anh cho các học sinh có 5 năm học tiểu học được khen thưởng và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, cụ thể: IELTS học thuật (IELTS Academic) từ 4.0 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khác được quy đổi tương đương chứng chỉ IELTS học thuật từ 4.0 trở lên như TOEIC bốn kỹ năng (đạt từ 450 điểm), TOEFL ITP (đạt từ 450 điểm), TOEFL iBT (đạt từ 31 điểm), TOEFL Primary (điểm trung bình 2 kỹ năng đạt 113 điểm), Flyer đạt 15 khiên.

Theo nhà trường, yêu cầu này là nhằm thực hiện đề án ngoại ngữ, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, nằm trong mục tiêu xây dựng Trường THCS Đặng Thai Mai trở thành trường trọng điểm chất lượng cao của thành phố.

Đối với tuyển sinh vào lớp Mười, năm học 2023-2024, không ít trường THPT ở TP Hà Nội cũng thực hiện tuyển thẳng với thí sinh có chứng chỉ IELTS. Chẳng hạn, Trường THCS-THPT Đoàn Thị Điểm xét tuyển thẳng vào lớp Mười đối với những học sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên. Với học sinh có IELTS từ 7.0 trở lên còn được hỗ trợ một nửa lệ phí thi.

Tương tự, Trường liên cấp tiểu học - THCS - THPT Archimedes Đông Anh cũng tuyển thẳng vào lớp Mười với thí sinh đạt 5.5 IELTS trở lên. Không chỉ vậy, học sinh có chứng chỉ IELTS còn được cấp học bổng, cụ thể IELTS 6.0 được 20 triệu đồng, 6.5 được 40 triệu đồng và 7.0 được 50 triệu đồng.

Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm) tuyển thẳng lớp Mười với học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm IELTS từ 5.5 trở lên; điểm TOEFL iBT từ 65 điểm trở lên. Trường đồng thời giảm 20% học phí cơ bản đối với những học sinh có IELTS 7.0 trở lên.

Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) duy trì tuyển thẳng những học sinh có hạnh kiểm tốt 4 năm THCS và có một trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: IELTS (5.5 trở lên), PET hoặc FCE (từ 160 điểm trở lên) tương đương trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu về ngôn ngữ (CEFR); điểm trung bình các môn toán, văn, tiếng Anh các lớp THCS đều đạt từ 7 trở lên.

Trường THPT Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy) tuyển thẳng học sinh có IELTS từ 5.0 trở lên, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy) tuyển thẳng với học sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên... Lãnh đạo các trường đều cho rằng việc tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS là nhằm khuyến khích việc học tiếng Anh. Ngoài ra, điểm thi IELTS tốt không chỉ đánh giá khả năng tiếng Anh mà còn phản ánh học sinh có tư duy và phương pháp học tốt.

Bản chất của IELTS là tiếng Anh học thuật

Thạc sĩ Phạm Xuân Thọ - giảng viên Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) - nhận xét việc nhiều trường phổ thông tuyển thẳng đối với học sinh có IELTS đã vô hình trung khuyến khích học sinh “chạy đua” luyện thi chứng chỉ này từ rất sớm. Để có IELTS tuyển thẳng vào lớp Sáu thì ngay từ tiểu học các em đã phải vùi đầu trong các lò luyện. Điều này cho thấy đang có sự ngộ nhận về chứng chỉ này. 

Thực chất, IELTS là chứng chỉ được sinh ra để phục vụ việc nghiên cứu của sinh viên đại học. Các bài thi của IELTS nặng tính học thuật và hàn lâm. Chẳng hạn, chủ đề kinh tế sẽ sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành như interest rate (lãi suất), inflation (lạm phát), deflation (giảm phát). Hoặc có những chủ đề mang nặng tính khoa học, kỹ thuật, như “phân tích biểu đồ của sự phát triển loài ngựa trong 40 triệu năm”, “nhận định về sơ đồ sự phát triển của các công cụ cắt gọt trong thời kỳ đồ đá”, “báo cáo sơ đồ thiết kế của một bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hiện đại”... Những thuật ngữ này không chỉ là vấn đề ngôn ngữ, liên quan đến kiến thức chuyên sâu mà nếu nói bằng tiếng Việt thì các học sinh phổ thông cũng chưa chắc hiểu được.

Theo thầy, độ tuổi phù hợp để luyện thi IELTS là từ lớp Mười trở lên, để các em có thời gian rèn luyện các kỹ năng tiếng Anh và tích lũy kiến thức xã hội. Ở độ tuổi nhỏ hơn, đa phần các em sẽ học kiểu “học vẹt”, hoặc luyện thi mang tính “đối phó” như “tips”, “mẹo”, “bộ đề tủ”… và như vậy sẽ sai lệch mục tiêu của việc học ngôn ngữ. Đúng là giỏi tiếng Anh từ nhỏ rất có lợi, nhưng không nên thần thánh hóa IELTS mà bỏ qua những môn nền tảng. Thời điểm thích hợp nhất để ôn IELTS chính là THPT và đại học. Còn ở lớp dưới, các em nên tập trung vào học tiếng Anh cơ bản, tiếng Anh giao tiếp.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Trần Minh Hoàng - nhà sáng lập nền tảng học tiếng Anh Learning 247, tác giả bộ sách Làm chủ tiếng Anh từ gốc - cũng cho rằng IELTS là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh học thuật chứ không phải phổ thông. Các đề thi IELTS có nội dung trải dài các kiến thức về khoa học. Chẳng hạn, với phần thi viết có yêu cầu phân tích, nhận định về mặt kỹ thuật chuyên sâu, như mô tả quy trình, cấu tạo, biểu đồ tăng giảm trong nền kinh tế hoặc quá trình sản xuất. Đây là nội dung rất nặng về học thuật, nếu bắt học sinh phải học nhồi từ nhỏ là quá sức, có thể dẫn đến hệ lụy là ác cảm, chán ghét tiếng Anh.

Theo ông, trước đây đã có khuyến cáo học sinh dưới 15 tuổi không nên học IELTS. Ngày nay, với sự thay đổi trong tiếp cận thông tin của giới trẻ, độ tuổi học IELTS có thể sớm hơn, song sớm nhất cũng chỉ nên từ lớp Tám, Chín. Bởi IELTS có một lượng kiến thức đòi hỏi sự hiểu biết nhất định ở một lứa tuổi nhất định. Như vậy, một học sinh tiểu học đã học IELTS hoặc học sinh THCS đã đạt 8.0 IELTS hoàn toàn không tốt. Việc vùi đầu vào tiếng Anh học thuật quá sớm sẽ khiến các em phát triển lệch, bị “chín ép”, già cỗi về tư duy, thậm chí “lạc loài” với đa số bạn bè trang lứa.

Nhìn chung, học sinh phải có năng lực nhất định mới vượt qua được kỳ thi này, tuy nhiên không nên biến việc lấy chứng chỉ IELTS thành một phong trào mà phải trên cơ sở phù hợp độ tuổi, mục đích và khả năng của từng em. “Có thể có những em có năng lực tiếp cận IELTS từ sớm, tuy nhiên, không nên “nhà nhà người người” luyện IELTS, càng không nên “thần thánh hóa” chứng chỉ này. Các trường tuyển thẳng IELTS vì đây là một căn cứ có trọng lượng để đánh giá học sinh, tuy vậy việc yêu cầu IELTS từ các cấp phổ thông có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Tiếng Anh thật sự cần thiết và quan trọng, nhưng cũng chỉ là một công cụ, không thể thay thế các kiến thức nền tảng khác” - ông Trần Minh Hoàng nói.

Cô Nguyễn Ngọc Thu - giáo viên tiếng Anh Trường THCS Tô Ký (huyện Hóc Môn, TPHCM):

Nên đi từng nấc thang

Muốn phát triển ngôn ngữ tiếng Anh từ lứa tuổi nhỏ thì học sinh có nhiều lựa chọn khác chứ không nên chăm chăm luyện IELTS từ quá sớm. Chẳng hạn, ở tiểu học các em nên tập trung lấy chứng chỉ Starters (ở lớp Hai), Movers (ở lớp Ba, Bốn), lấy Flyers (ở lớp Năm). Lên cấp THCS, nên tập trung lấy các chứng chỉ KET, PET... Đầu lớp Mười mới nên bước vào học IELTS để có thể lấy chứng chỉ vào lớp Mười hai, phục vụ việc học đại học. Đó là quy trình phù hợp, giúp các em học từng bước vững chắc để có thể chinh phục tiếng Anh một cách toàn diện, sử dụng hiệu quả trong giao tiếp cũng như các mục đích như nghiên cứu, phục vụ công việc. 
Không nên nhồi IELTS ngay từ tiểu học vì gần như các em không có tuổi thơ, ảnh hưởng đến việc học tập các môn học nền tảng khác như văn, toán... Ngoài ra, cũng cần xét mục tiêu học đại học hoặc du học mới cần IELTS, hoặc tùy từng mục tiêu mà cần IELTS trình độ bao nhiêu chứ không phải cứ “chạy đua” lấy điểm IELTS càng cao càng tốt như một kiểu khoe thành tích.

 Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI