Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định từ ngày 20/3, giáo viên buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Nếu không có loại chứng chỉ này giáo viên sẽ không giữ được hạng, thăng hạng; đồng nghĩa họ sẽ không được tăng lương. Điều đáng nói, mỗi giáo viên tốn 2,5-3 triệu đồng để học những nội dung mà họ thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng và đang trải nghiệm trên bục giảng hằng ngày.
2,5-3 triệu đồng cho 3-5 buổi học online
Từ ngày 20/3, các thông tư 01, 02, 03 của Bộ GD-ĐT có hiệu lực. Trong đó có quy định rõ giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Dù biết chỉ mang tính hình thức, song đa số giáo viên của nhiều địa phương đã cấp tập đi học để lấy loại chứng chỉ này. Bởi nếu không học, không có chứng chỉ, giáo viên sẽ không được thăng hạng, thậm chí không giữ được hạng; và họ sẽ không được tăng lương.
|
Thời gian qua, đội ngũ giáo viên trên cả nước phải cấp tập hoàn thành chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bằng những buổi học lại các nội dung đã thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng (ảnh minh họa) |
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được chia ba phần, gồm 11 chuyên đề (tương đương 240 tiết học). Thời gian học cũng được Bộ GD-ĐT quy định là 5 buổi/tuần và hoàn thành trong sáu tuần. Song, do dịch COVID-19, nhiều đơn vị đào tạo đã tổ chức giảng dạy trực tuyến và hoàn thành khóa học trong 3-5 buổi (hoặc 5-8 buổi tùy theo địa phương và đơn vị đào tạo). Có những ngày, không chỉ giáo viên “chạy đua” để hoàn thành chứng chỉ, mà các đơn vị đào tạo cũng “chạy đua” chiêu sinh. Mức học phí dao động từ 2,5-3 triệu đồng/người.
Hiện trên toàn quốc có khoảng 1,3 triệu giáo viên, thì số tiền mà họ phải bỏ ra cho loại chứng chỉ này, ít nhất cũng lên tới 3.200 tỷ đồng. Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp “ngốn” một khoản tiền không hề nhỏ đã đành. Bên cạnh đó, chất lượng các lớp bồi dưỡng không tương xứng với số tiền học phí mà giáo viên phải bỏ ra.
Cô giáo P.T.T. (tỉnh Bình Thuận) cho biết, mỗi ngày cô ngồi học hai tiếng rưỡi; riêng Chủ nhật thì học từ sáng đến chiều. Nội dung của 11 chuyên đề rất quen thuộc với giáo viên. Đó là những nội dung mà giáo viên đã được tập huấn định kỳ, được bồi dưỡng theo chương trình giáo dục phổ thông cũng như những trải nghiệm hằng ngày. Cô T. không phủ nhận rằng một giảng viên giảng rất hay. Vấn đề cũ, quen thuộc nhưng nghe họ giảng lại, cô vẫn mở mang được nhiều điều. Cô và nhiều đồng nghiệp cũng nghĩ, với cái nghề phải học hỏi, cập nhật thường xuyên của mình; thì học rồi - học lại không thừa, biết rồi - thì biết sâu hơn cũng tốt.
Tuy nhiên, cô T. cùng không ít đồng nghiệp cảm thấy bị ép buộc khi phải đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Trong đó, kinh tế không phải là vấn đề nhỏ. Bởi, có những gia đình cả vợ chồng đều là giáo viên, cả hai cùng đi học là mất trọn tháng lương của một người.
Tương tự, cô giáo N.T.M. (tỉnh Lào Cai) cũng đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Cô thẳng thắn nói: “11 chuyên đề chúng tôi đều được học và tập huấn trước đó. Học xong các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, tôi vẫn thấy các nội dung ấy không giúp ích gì đến chuyên môn của mình”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, từng tham gia giảng dạy tại một số lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho biết, trong quá trình giảng dạy, ông nhận ra nhiều nội dung trùng lặp và không thiết thực với giáo viên, dù quy định về loại chứng chỉ này không hẳn là không cần thiết.
Nặng tính hình thức, dễ phát sinh tiêu cực
Dù đã đóng tiền và hoàn thành khóa học, song cô giáo P.T.T. vẫn không hiểu tại sao mình vẫn phải đi học lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để hoàn thành hồ sơ, giấy tờ chứng minh mình là giáo viên - trong khi cô T. đã đứng trên bục giảng gần hai mươi năm?
Theo thầy L.X.T. (hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội), quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chỉ nên áp dụng với bộ phận quản lý chứ không nên áp dụng với giáo viên chuyên môn. Hiện điều mà các đồng nghiệp của thầy quan tâm nhất là việc học chứng chỉ này có thực sự giúp ích cho công việc chuyên môn hay không?
|
Cùng với quy định giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là sự nở rộ các hình thức chiêu sinh, thậm chí các 'cò" tuyển sinh cũng hoạt động khá đông đảo trên mạng xã hội |
Hiện nay, đội ngũ giáo viên của cả ba cấp học trên toàn quốc đang tự học, tự bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình được thiết kế gồm chín thành phần, mỗi giáo viên có một mã số riêng và tự học theo các nội dung quy định. Chín thành phần đó đều có rất nhiều bài tập, nhiều câu hỏi trắc nghiệm.
Với cách tự học, tự bồi dưỡng này, giáo viên sẽ phải phát huy hết sự chủ động. Bởi để làm được bài tập đó, giáo viên phải đọc tài liệu, nghe các cuộc trò chuyện trong video. Nếu làm bài không đạt số điểm yêu cầu, giáo viên sẽ phải thay đổi tư duy để làm lại cho đến khi đạt thì thôi.
Khi giáo viên tự học, tự bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện các bài tập, cán bộ quản lý của phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT địa phương cũng dễ dàng theo dõi tiến độ và kết quả học tập của từng giáo viên. Học và hoàn thành bài kiểm tra (với điểm số đạt tiêu chuẩn) của chín thành phần, giáo viên sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo chương trình mới.
Cô giáo L.T.T. bày tỏ: Đến mới như chương trình giáo dục phổ thông mới giáo viên còn tự học để lấy chứng chỉ được, thì tại sao với những nội dung quá quen thuộc như chương trình học lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp lại không cho phép giáo viên tự học - nếu chứng chỉ đó thực sự cần thiết? Khi tự học, tâm lý của giáo viên sẽ thoải mái hơn, và còn tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng.
Chưa kể, việc cho phép giáo viên tự học và thi lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sẽ tránh được việc ngành giáo dục trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều đơn vị đào tạo tranh thủ trục lợi. Ngành giáo dục cũng tránh được tai tiếng tổ chức học “gạo” và việc lấy chứng chỉ cũng chỉ có tác dụng làm đẹp hồ sơ.
Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam, phân tích: Muốn trở thành giáo viên đứng lớp, người thầy đã phải hoàn thành bốn năm học đại học. Rồi hằng năm, giáo viên đều được tập huấn, bồi dưỡng theo chương trình của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT. Họ đã đáp ứng đủ yêu cầu, và có đủ điều kiện để dạy học. Bản thân họ đã và đang là giáo viên thì tại sao lại yêu cầu họ đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp? Theo giáo sư Phạm Tất Dong, quy định này nặng tính hình thức và thừa.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, với giáo viên, nếu chứng chỉ là yêu cầu tối thiểu để đảm đương chức danh hướng đến việc nâng cao chất lượng chuyên môn thực chất thì mới cho phép chứng chỉ đó tồn tại. Song, nếu đưa ra quy định mà lại bớt xén thời gian; bớt xén chương trình học và biên soạn cẩu thả; không tổ chức, đánh giá chặt chẽ quá trình học, rồi tổ chức cấp phép cho các đơn vị đào tạo một cách tùy tiện sẽ rất dễ dẫn đến tiêu cực.
Trước phản ánh của báo chí về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; từ giữa tháng Ba, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT đề xuất phương án sửa đổi và báo cáo trong tháng. Song đến nay, hàng triệu giáo viên vẫn chưa được biết quy định về loại chứng chỉ mà họ phải miễn cưỡng học ấy có được sửa đổi hay không.
|
Ngọc Minh Tâm