Chùm chìa khóa của bà nội

27/01/2020 - 10:13

PNO - Chùm chìa khóa ấy thường trực trong ý nghĩ của bà, khiến bà không ngớt nghĩ ngợi lo lắng về nó, khiến cho ngày tản cư đã mấy chục năm về trước luôn luôn chỉ như là ngày hôm qua đối với bà.

Nguyên quán Quảng Bình nhưng cuối năm 1954, giáp tết Ất Mùi, mới hai tuổi đã theo cha mẹ ra “tiếp quản thủ đô”, nên từ bé tôi đã nói gần như hoàn toàn giọng Bắc (bà nội tôi gọi là giọng Ðàng Ngoài). Bị bà nội phiền trách vì điều đó mà tôi không làm sao khác đi nổi; bởi ngoài sáu năm chiến trường, tôi chỉ thường trú ở Hà Nội. Bạn học, bạn phố phường, bạn bộ đội không một ai nói giọng Quảng Bình. Cả trong gia đình cũng vậy. Bà nội tôi quê Nghệ An nhưng sau khi xuất giá đã định cư ở kinh thành. Ông nội tôi sinh thời làm việc tại Quốc sử quán triều Nguyễn, tư gia gần bên hồ Tịnh Tâm. Cha mẹ tôi và các bác, các chú, các cô đều được sinh ra, lớn lên, học hành tại Huế. Ai cũng giọng Huế.

 

Sống ở Hà Nội suốt hai chục năm thời đất nước bị chia cắt mà những người trong gia đình vẫn giữ cốt cách Huế, chủ yếu là nhờ bà nội luôn nghiêm khắc duy trì trong nhà lối sống và tập tục của đất Thần kinh vốn có nhiều khác biệt với người thủ đô. Sự khác nhau ấy không lớn nhưng đậm nét, thấy rõ nhất vào dịp tết Nguyên đán.

Thời đó, đời sống khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Ở Hà Nội, gia đình nào cũng phải gồng mình lên mà lo liệu thì mới có nổi sự ăn sự mặc trong ba ngày tết sao cho tươm tất; đồng thời, cũng phải phiên phiến cho qua đi nhiều lễ nghi tập tục. Nhẹ nhàng, giản đơn, tinh thần là chính. Gọi là tết “nếp sống mới”. Nhưng ở gia đình tôi, bà nội chỉ thuận tình làm nhẹ đi chứ không từ bỏ lệ xưa nếp cũ. Chẳng hạn, ngày 23 tháng Chạp, bà tôi nhất định phải làm lễ thướng tiêu, tức là dựng cây nêu ở sân chung cư. Nêu là một cây tre nhỏ, phải còn tươi, còn chùm lá xanh trên ngọn, mà để kiếm được một cây cho đúng ý bà, cha tôi phải đạp xe ra ngoại thành tìm kiếm. Nêu dựng lên rồi, bà tôi dùng vôi vẽ hình một bộ cung tên dưới chân cây nêu, để cản tà ma.

Cũng sáng 23, bà làm lễ cúng ông táo của chung cư. Gọi là của chung cư vì bàn thờ ông táo bà tôi dựng trong căn bếp ba chục thước vuông của chục hộ gia đình (mỗi hộ một bếp củi, một bếp than tổ ong, một cái chạn). Tượng đất nung ba ông táo năm cũ được thay bằng tượng mới (cha tôi phải đặt làm ở tận làng Hiển Lễ, huyện Mê Linh). Áo thụng, hia và mũ cánh chuồn cho hai táo ông, mũ không cánh chuồn cho táo bà, bà tôi tự cắt giấy tô phẩm làm lấy, hồi đó phố Hàng Mã không “sản xuất” hàng mã. Mâm cỗ cúng ông táo có đĩa xôi với miếng thịt luộc (phải là thịt nọng) và chút ít hoa quả. Không cúng cá chép như tục ngoài Bắc.

Chiều 27, mười hộ chung cư cùng gói bánh chưng để đến tối cùng nấu chung nồi. Nồi là nguyên một cái thùng phuy 250 lít. Riêng gia đình tôi, bánh chưng chỉ hai cặp, còn đều là bánh tét. Bánh tét khó gói hơn bánh chưng, lại gói bằng lá chuối, thứ lá không có ở chợ tết Hà Nội. Ngoài bánh tét, bà tôi còn tự tay làm nhiều thứ bánh Huế khác: bánh bèo, bánh bột lọc, bánh măng, bánh khoái, bánh sen chấy. Và chè: chè đậu xanh đánh, chè khoai, chè đông sương. Giản dị, nhưng những món đặc trưng Huế ấy được làm rất công phu, mà nhất là vào thời buổi gian khó đó, cực kỳ khó kiếm nguyên liệu. Mẹ tôi phải gian nan lần tìm tích cóp suốt năm mới tạm đáp ứng được tương đối yêu cầu của bà nội.

Một thứ rất Huế nữa, cầu kỳ không kém, là dưa món. Thường khi chế biến rau củ làm dưa món người ta thái miếng, nhưng bà tôi “nghệ thuật hóa” việc đó, tỉ mỉ gọt, tỉa, biến củ cải, cà rốt, đu đủ, su hào thành những bông hồng, bông ngọc lan, bông thược dược, bông hải đường… Hoa ngày tết trong gia đình tôi ngoài cành đào Hàng Lược và chậu cúc, luôn có một nhành mai, dĩ nhiên không thể là hoàng mai xứ Huế, mà là bạch mai nơi rừng mơ Hương Tích do một người học trò của cha tôi dạy học ở Mỹ Ðức xuân nào cũng gửi về biếu bà tôi. Tối 30, như mọi nhà, gia đình tôi cúng giao thừa, nhưng khác là cỗ chay và luôn có hai mâm lễ. Lễ bày trên sân thượng của chung cư bà tôi thắp hương cúng vào trước giao thừa, bà bảo là lễ đưa rước các vị Hành khiển từ thượng giới. Lễ cúng ở bàn thờ trong phòng bà tôi bắt đầu vào đúng thời điểm thiêng liêng “Cụ Hồ chúc tết đồng bào”.

 Hồi đó, Hà Nội tết nhất chỉ ba ngày, nhưng gia đình chúng tôi hết sức rườm rà. Tôi chỉ nhớ đại khái: chiều tối mồng Ba cúng tiễn tổ tiên ông bà lên lại cõi trên, chiều mồng Bảy lễ hạ nêu, rồi lễ cúng đầu xuân, lễ dâng sao… Cha mẹ tôi đi làm, anh em tôi đi học, bà nội vẫn ngày ngày đều đặn cúng kiếng, hôm cỗ chay hôm cỗ mặn, hương khói nghi ngút cho tới rằm Nguyên tiêu. Bà bảo, trong Huế, nhà vua, các quan và cả thứ dân nữa còn lễ lạt tết nhất đến hết tháng Giêng.

 Ngày nay chẳng thành vấn đề gì những sự hương khói cúng kiếng cầu kỳ và lê thê ấy, nhưng ngày đó thì “rất vấn đề”. Cha tôi là cán bộ giảng dạy đại học, mười hộ khác trong chung cư cũng vậy, đều gia đình cán bộ đảng viên và lẽ dĩ nhiên, đều rất kỵ với những tập tục cổ truyền mà vào thời đó bị coi là cổ hủ, thậm chí là tàn tích phong kiến. Ngay cả thắp hương bàn thờ người ta cũng phải kín đáo. Thế nhưng, bà cứ công nhiên hương khói lễ lạt cúng bái không chỉ trong phòng mà cả ngoài sân và trên sân thượng chung cư suốt những ngày tết mà không hề bị ngăn cản, hay bị ý kiến này ý kiến nọ chê trách gì hết. Một phần bởi bà tôi lịch lãm và hiền từ nên ai nấy trong nhà ngoài phố đều quý mến, kính trọng; song, chủ yếu là vì mọi người cảm thông và thương cảm cho bà tôi, bà cụ già xứ Huế đã bao nhiêu năm ròng chịu cảnh ngộ đất nước bị chia cắt, “ngày Bắc đêm Nam” đau lòng vọng nhớ cố hương ngàn trùng xa cách.

Nông nỗi “ngày Bắc đêm Nam” là như thế nào, tôi có thể cảm nhận qua cha mẹ, cô dì, chú bác, mà nhiều nhất là qua bà nội. Từ năm 1946 cho đến khi qua đời, suốt ba chục năm trời xa Huế, bà tôi vẫn chỉ thực sống ở Huế. Trong chuyện trò, trong tâm tưởng, bà chưa hề đi đâu xa khỏi bờ sông Hương…

Ngày 20/12/1946 (bà nhớ rõ là thứ Sáu, ngày 27/11 năm Bính Tuất), ngày Huế nổ súng kháng chiến, lên đường đi tản cư, bà tôi nghe thiên hạ kháo nhau rằng chỉ chừng dăm hôm thôi là quân Pháp sẽ bị đánh tan, mình lại về nhà. Của nả thu vén mang theo chỉ một tay nải, cửa lớn cửa nhỏ trong nhà bà khóa kỹ, chùm chìa khóa bà nhét vào góc trong dưới mái che bể nước mưa ở sân sau, để cha tôi với các bác, các chú “đánh Tây xong, trở về sớm thì có chìa khóa mà vào nhà”!

Chùm chìa khóa ấy thường trực trong ý nghĩ của bà, khiến bà không ngớt nghĩ ngợi lo lắng về nó, khiến cho ngày tản cư đã mấy chục năm về trước luôn luôn chỉ như là ngày hôm qua đối với bà. Mùa đông năm 1969, hôm tôi rời Hà Nội lên đường đi B, đang ốm nặng, không dậy được, bà tôi gọi tôi với mấy đứa bạn tân binh của tôi tới bên giường, bà nói: “Các con đi chân cứng đá mềm, mau vào lấy lại thành Huế…”. Rồi bà dặn tôi về tìm chùm chìa khóa dưới mái che bể nước mưa phía sân sau ngôi nhà lớn của gia tộc, ở đường Mã Khái. Chùm chìa khóa có mười hai chìa tất cả…

 

Tiểu đoàn tôi không vào Huế, mà đi “Bê dài” vào mặt trận Tây Nguyên; tuy nhiên, trời xui thế nào dọc đường giao liên vượt Trường Sơn, tôi lại được đón giao thừa Canh Tuất 1970 ở bãi khách của Binh trạm 41, ngay gần ngã ba Pa Lin lối rẽ vào chiến trường Thừa Thiên. Nhớ cha mẹ, nhớ bà, sáng mồng Một, trước khi rời trạm, tôi viết nhanh một lá thư ngắn gửi nhờ anh em thương binh mang ra Bắc. Tôi nhớ, cuối thư tôi viết: “Bà ơi, cháu sẽ sớm tìm được chùm chìa khóa hồi năm 46 của bà”. Buồn thay, lá thư bị thất lạc, những dòng tôi viết trong cánh rừng gần Huế đã không đến tay bà. Rồi buồn hơn, khi tôi trở về Hà Nội vào tết Bính Thìn 1976 thì bà tôi mất đã hơn 100 ngày. Ðã cố được đến sau 30/4 mà bà tôi đã không thể gượng thêm để có thể kịp một lần về lại Huế.

 Không lâu sau cái tết hòa bình đầu tiên ấy, cha tôi vào giảng bài tại Ðại học Huế. Ông cho tôi theo cùng. Ngay ngày đầu, sau buổi sáng lên lớp, trưa và chiều cha tôi đưa tôi thong thả dạo bộ trở về với quá khứ của ông và gia đình. Trường Quốc Học của cha, Trường Ðồng Khánh của mẹ, khách sạn Morin nơi cha tôi dự trận chiến đầu tiên đánh Pháp, dốc Bến Ngự nhà cụ Phan… Năm đấy, cầu Trường Tiền vẫn đang gục gãy, còn cầu Mới thì cha tôi thấy nó quá xấu so với cây cầu xưa, nên hai cha con xuống đò Thừa Phủ để qua bên Thành Nội.

Ðầu năm 1947, cha cùng đơn vị Vệ quốc đoàn phải rút lui khỏi Huế cho tới đầu năm 1976 mới trở lại. Ðã 20 năm, biết bao thăng trầm hưng phế, mà cha vẫn nhớ y nguyên đường đi lối lại, vẫn nhớ tên những con phố mà ngay cả người Huế đương thời cũng không biết: đường Âm Hồn, đường Lục Bộ, đường Nhà Ðồ, đường Xã Tắc, đường Hộ Thành, đường Chợ Xép, ngã ba Anh Danh…

Dân sở tại không ai biết đường Mã Khái là đường nào (nay là đường Lệ Thủy), nhưng cha tôi hồi lâu lặng lẽ lần bước rồi cũng tìm ra được ngôi nhà của ông bà nội, nơi cha tôi sinh ra, lớn lên. Ðấy là lần đầu và duy nhất tôi thấy cha tôi khóc. Mà thật ra không nhìn thấy, chỉ là cảm nhận thấy từ bàn tay ông vừa run rẩy vừa siết lấy khuỷu tay tôi, chứ không nghe tiếng thổn thức, không thấy nước mắt, nước mắt chảy vào trong. Cha không vào nhà, chỉ dừng bước trước cổng một lúc rồi ông kéo tôi rời đi. Phần vì ngôi nhà đã hoàn toàn đổi khác, xưa là nhà vườn Huế, nay đã thành nhà tây ba tầng, phần vì cha tôi không muốn làm các gia chủ thời nay của ngôi nhà phải xao động sợ hãi.

Từ năm 1947, toàn bộ nhà cửa, vườn tược của ông bà tôi đã được chia cho ba gia đình sĩ quan. Ba ông sĩ quan cấp tá đó sau giải phóng phải đi học tập cải tạo, vợ con họ hẳn sẽ vô cùng sợ hãi nếu tưởng rằng cha con tôi vào đòi lại nhà. Thế nên, rốt cuộc, tôi không biết cái bể nước mưa của bà tôi và chùm chìa khóa có còn đó không. Chiều đấy, cha con tôi qua đò Ðông Ba để về lại trường đại học bên bờ Nam. Tôi nhớ bà nội. Nhớ bài thơ bà tôi thường khe khẽ ngâm lên cho anh chị em chúng tôi nghe hồi nào, những buổi tối Hà Nội bà vọng nhớ cố hương.

Ðò từ Ðông Ba, đò qua Ðập Ðá

Ðò về Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình.

Lờ đờ bóng ngả trăng chênh,

Tiếng hò xa vọng, nặng tình nước non.

Bảo Ninh
Ảnh: Ái Mỹ

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=