Chum cà cứu đói của bà tôi

20/11/2020 - 06:30

PNO - Nhà bà nội tôi có chum cà muối “vĩ đại” đến nỗi tôi từng nghĩ phải đưa "nó" vào bảo tàng văn hóa dân gian.

 

Cà muối. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng lại là món ngon mùa mưa bão
Cà muối. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng lại là món ngon mùa mưa bão

Tôi còn nhớ rất rõ cái chum chất liệu sành, màu nâu tối, lù lù một đống trong góc buồng ngủ của bà. Nếu lấy hết ra mà ăn một lần, có lẽ phục vụ được cả trăm người.

Ở quê tôi, nhà thường xây kiểu năm gian (nhà trên), ba chái (nhà dưới). Nhà trên là phòng thờ, bộ sập gỗ tiếp khách, hai bên có hai giường ngủ của đàn ông. Đàn bà con gái ngủ “nhà dưới”.

Tuy nhìn sơ kết cấu “nội thất” đủ biết gia đình phong kiến “chuẩn chỉnh”, thế nhưng thực tế, tay hòm chìa khóa lại là bà tôi chứ không phải ông. Hai chiếc rương đựng đồ gia bảo được kê cạnh giường ngủ của bà, như khẳng định bà mới là chủ nhân của chúng. Không xa hai cái rương, chính là cái chum cà.

Cái chum rất to, cổ thon, bụng phình ra, dưới chân, bà kê loại đá xanh dày 10cm. Tính hết thảy chiều cao của chum lẫn đế, thì cao vượt đầu một đứa trẻ. Vì quá lùn, không cơ hội nhìn vào miệng chum, nên trong tôi luôn trộn lẫn sự tò mò và nỗi sợ.

Tôi hay tự hỏi, liệu trong chum có gì đặc biệt ngoài những quả cà nhăn nheo. Mỗi khi lấy cà, bà thường cúi sâu vào chum. Cà trong chum càng ít đi, bà cúi càng nhiều, phần thân trên như mất hút trong đó.

Đứng chờ, thấy bà cúi quá lâu, tôi từng có cảm giác một con quái vật đang giữ bà trong đó, không chịu thả ra. Mãi khi bà ngẩng lên, rạng rỡ với mấy trái cà cuối cùng, tôi mới thở phào.

Lớn lên một chút, anh em tôi hay đồ rằng, cái chum chứa được cả đôi người bên trong, biết đâu nó không chỉ là cái dùng để muối cà hay bà cất trong ấy điều bí mật gì đó.

Quê tôi khí hậu khắc nghiệt, mùa thì mưa bão liên miên, mùa thì nắng nóng kéo dài, gió Lào quần thảo ngày đêm, đến người cũng muốn héo. Trái cà pháo của vùng đất cằn vốn rất nhỏ, rắn đanh.

Bà tôi hay dắt tôi ra vườn cà, cả một vùng trổ hoa tím lãng mạn. Khi lứa cà sắp thu hoạch, chúng từ từ ngả vàng. Tôi theo bà đi cắt, phơi một hai nắng cho héo. Sau đó bà tải ra nia, xóc muối, rồi cho vào chum muối nén.

Muối nén, tức bà rải cà và muối vào vại, dùng những phiến đá xanh thật to, lèn chặt. Cà bị ép và ngấm muối, ra hết nước, nên nhăn nheo, khi ăn tuyệt ngon mà cũng rất hao cơm.

Chính nhờ cái điểm mặn chát này, mà món cà muối có thể ăn được cả năm trời. Và cũng vì quá mặn, nó có thể thay cả món cá kho, thịt kho…

Bây giờ mùa mưa bão, người quê tôi đều biết trữ mì gói, xúc xích… Ngày đó, những tháng dài bão lụt, thời chưa có điện đóm, không thông tin liên lạc, ngôi làng nhỏ ngập nước thường xuyên bị chia cắt với xã hội, chum cà vi diệu của bà tôi nhiều khi đã cứu đói cả xóm.

Minh Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI