Chùi lư hương ăn Tết bà con ơi

08/02/2024 - 12:30

PNO - Những ngày cận Tết, trưa nào người dân ở xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cũng nghe tiếng rao lanh lảnh của bà Dũng: “Chùi lư ăn Tết bà con ơi".

Vợ chồng bà Dũng nổi tiếng trong xã bởi nghề chùi lư đồng. Thương hiệu “Dũng “nóc” chùi lư” của vợ chồng bà đã có gần 20 năm. Với giọng rổn rảng, chưa thấy hình đã thấy tiếng, bà Dũng, 59 tuổi – kể: “Vợ chồng tui hổng giống ai, trong khi nhiều người bỏ nghề chùi lư thì vợ chồng tui lại khoái làm nghề này”.

Lý do của bà rất đơn giản “mất nghề chùi lư uổng lắm. Tết mà không thấy người ta đạp xe chạy rong rao “chùi lư ăn tết” buồn lắm, rồi nhìn lên bàn thờ, thấy bộ lư không sáng trưng cũng buồn buồn”. Nhiều cái “buồn buồn” ngang hông - như bà Dũng tự nhận mà thành ra cái nghề truyền thống của gia đình.

Vợ chồng bà Hương – ông Khanh đang chùi lư cho khách
Vợ chồng bà Hương – ông Khanh đang chùi lư cho khách

Ngày thường, vợ chồng bà Dũng ngồi chợ bán hàng, thu mua phế liệu. Nhưng tết đến, vợ chồng bà có thêm nghề tay trái chùi lư đồng này. Như bao người dân quê nơi đây, từ bé vợ chồng bà Dũng đã quen với hồi ức: “Ngày xưa, gần tết là có nhiều người chạy xe đạp, treo chiếc giỏ đệm trên ghi đông xe, rao rổn rảng “chùi lư ăn tết bà con ơi!”. Nhưng sau này rất ít người đi chùi lư dạo, tự dưng tôi thấy buồn buồn, thiếu thiếu cái gì đó, sẵn tiện bà con trong xóm thấy tôi chùi lư đẹp nên hay nhờ. Từ đó, gia đình tôi bén nghề luôn”.

Thời gian đầu, vợ chồng bà Dũng cũng đi chùi lư dạo và chùi bằng tay. Nhưng để lư bóng đẹp và chùi được số lượng lớn hơn, vợ chồng bà Dũng tích góp mua một cái mô tơ về chùi lư thay tay.

Ông Khanh tỉ mẩn chùi những chi tiết rất nhỏ trên bộ lư hương
Ông Khanh tỉ mẩn chùi những chi tiết rất nhỏ trên bộ lư hương

Từ ngày “nâng cao kỹ thuật”, vợ chồng bà Dũng không đi chùi lư dạo vì di chuyển máy móc bất tiện, nên bà đi khắp nơi nhận lư về chùi tại nhà. Bà Dũng khoe: “Tết, tui đi đến nhà ai cũng khoái nha, vì tên cúng cơm của tui là Nguyễn Thị Hằng Xuân, cái tên cũng góp phần làm nên chuyện, bà con khoái năm nào cũng giao lư cho tui chùi”.

Bà Dũng chỉ khoảng sân nhỏ trước nhà, cặp con rạch Cái Hố, giọng hài hước “Công xưởng chùi lư của gia đình tui”. “Công xưởng” của bà Dũng là những chiếc thau nhựa và một cái mô tơ. Bà Dũng giải thích “Gần tết chỗ này vui lắm nghen. Con trai tôi tháo lư, đánh dấu từng bộ để không lẫn lộn với người khác. Tôi thì lo ngâm lư trong các thau nước pha chanh, giấm. Còn chồng tôi đứng máy chùi lư”.

Nghe thì rất dễ và nhẹ nhàng, nhưng theo bà Dũng thì “không dễ ăn đâu, cũng cực lắm và người làm phải nâng niu, cưng những bộ lư như trứng mỏng – dù nó bằng đồng. Sau khi rửa sạch, đánh bóng lư xong, tôi phủ lên một lớp bột rồi đem phơi nắng. Phơi khô xong thì lấy vải nhung mềm lau kĩ từng từng chi tiết rồi ráp lại, phải chú ý từng quả đào, con lân… vì bị lỡ tay làm rớt, hay giao lộn là phải đền”. Mỗi bộ lư, vợ chồng bà Dũng và con trai phải làm hơn 3 tiếng đồng hồ. Tiền công của một bộ lư nhất là 200.000 đồng, bộ lư nhì 150.000 đồng và bộ lư ba từ 100-120.000 đồng. Những ngày cận tết này, gia đình bà Dũng làm đến khuya để kịp giao lư cho bà con đón tết.

Bà Hương nói bà làm nghề này vui là chính.
Bà Hương nói bà làm nghề này vui là chính.

Bà Dũng chia sẻ: “Chùi lư làm vui thôi, cho có không khí tết xưa, chớ có lời lãi nhiêu, vợ chồng tôi lấy công làm lời, có vài đồng cho ổng lai rai tết”.

Cũng như vợ chồng bà Dũng, vợ chồng bà Trần Thị Mỹ Hương - Trần Thanh Khanh ở xã Vĩnh Xương, huyện Thoại Sơn, An Giang (cả hai vợ chồng đều 52 tuổi) cũng đã gắn bó với nghề chùi lư đồng gần 5 năm. Bà Hương chia sẻ: "Tui chùi lư vui là chính. Tết đến, thấy mọi người chùi lư đồng sáng bóng, tui cũng cảm thấy vui lây". Mỗi ngày, vợ chồng bà Hương chùi được khoảng 15 bộ lư. Giá chùi lư đồng hiện nay dao động từ 100.000 -150.000 đồng/bộ. "Mặc dù thu nhập từ chùi lư không cao, nhưng chúng tôi thấy vui vì góp phần mang đến cho mọi người một cái tết thêm đẹp, thêm ý nghĩa", bà Hương nói.

Nhiều người cho rằng, bộ lư sáng bóng trên bàn thờ báo hiệu cho sự sung túc trong năm mới
Nhiều người cho rằng, bộ lư sáng bóng trên bàn thờ báo hiệu cho sự sung túc trong năm mới.

Chùi lư đồng không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống, mà còn là một cách để người dân bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên. Chén lư đồng sáng bóng trong ngày tết tượng trưng cho sự sung túc, an khang và thịnh vượng trong năm mới.

Thuỳ Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI