Đêm ra mắt (19/10) dự án Nàng Kiều tại Nhà hát Trần Hữu Trang, nhận được nhiều ý kiến rất giống nhau từ khán giả. Trong bốn bản dựng, có bản dựng mang nhiều tính thử nghiệm, khó hiểu, nhưng cũng có bản dung dị, gần gũi, mang tính giải trí, đến nỗi có vẻ “tả pí lù”. Những ý kiến từ phía công chúng dù không mới, nhưng vẫn có thể đặt ra: liệu có chuẩn mực nào cho những thử nghiệm, khám phá?
Thử nghiệm gây hoang mang
Không phải đến dự án Nàng Kiều, mà từ trước đó khá lâu, sân khấu thử nghiệm luôn được bàn luận với nhiều ý kiến trái chiều. Không phủ nhận sự cần thiết phải tìm kiếm những thủ pháp, ngôn ngữ sân khấu mới, nhưng thử nghiệm hiện vẫn là vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung ngay trong những người làm sân khấu.
Gần đây, có những tác phẩm mang tính thử nghiệm được đánh giá rất cao như Hamlet, Ngạ quỷ, Chuyện tình nữ phạm nhân... Mới nhất có vở rối Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam.
|
Chuyện tình nữ phạm nhân - một thử nghiệm đầy thú vị của đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc ở Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ |
Hamlet tạo ấn tượng khi được cố đạo diễn - NSND Anh Tú mang trò diễn dân gian Xuân Phả của Việt Nam vào trong một vở kinh điển của phương Tây một cách mượt mà, bên cạnh những chuyển động của trang trí sân khấu cùng tham gia “diễn xuất” với diễn viên.
Ngạ quỷ của đạo diễn - NSND Triệu Trung Kiên lại là một dấu ấn khác biệt về sự sáng tạo của người nghệ sĩ ở lĩnh vực cải lương. Vở diễn mang yếu tố giả tưởng, kết nối những sự kiện cách nhau hàng ngàn năm. Câu chuyện hấp dẫn không chỉ bởi mang nhiều yếu tố liêu trai, mà còn là những sáng tạo trong thiết kế mô tả không gian, thời gian, bối cảnh. Sự kết hợp khéo léo giữa các loại hình rối que, rối tay, rối người nên không vì thế mà làm mất đi bản sắc của nghệ thuật cải lương.
Không đầu tư nhiều kinh phí như Hamlet hay Ngạ quỷ, Chuyện tình nữ phạm nhân chỉ diễn ra trong không gian nhỏ hẹp ở Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ, nhưng cũng là một thử nghiệm đầy thú vị của đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc. Sân khấu nằm lọt thỏm giữa hai hàng ghế khán giả được xử lý tinh tế từ không gian biểu diễn, ánh sáng, đến diễn xuất của diễn viên. Tất cả khiến không gian nhỏ bé đó mở rộng và kéo dài tưởng chừng đến vô tận, hệt như những cánh rừng hun hút của miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, cũng có không ít thử nghiệm khiến người xem… hoang mang. Vì gọi là thử nghiệm nên có vở đề cập đến những vấn đề mang tính triết lý lớn lao. Diễn viên thoại lời liên tục với sự “hỗ trợ” của âm thanh, ánh sáng, đạo cụ… khiến người xem bị bội thực “danh ngôn”. Lại có vở rối như tơ vò, khán giả hoa mắt, “hại não” với sự phối hợp của nhiều hình thức biểu diễn, biểu tượng trong thiết kế, phục trang… nhưng rốt cuộc vẫn không thể hiểu được vở diễn muốn gởi gắm thông điệp gì.
Dư luận từng rất “sốc” khi có đạo diễn biện luận: “Khán giả không hiểu vở diễn do không đủ trình độ, không đủ tầm và đã quá quen với hình thức kịch sinh hoạt dễ nghe, dễ hiểu, dễ tiếp thu…”.
Dung dị đến dễ dãi
Ở một thái cực khác, lấy tiêu chí dàn dựng dung dị, gần gũi, phù hợp với tâm lý thưởng thức của số đông khán giả, cũng có không ít vở đang bị tầm thường hóa.
Người xem cảm giác phải ăn “lẩu thập cẩm” khi vở diễn có chút hài, chút bi, chút kinh dị… Đang bi “nhảy” sang hài, đang hài chuyển sang dọa ma, đang dọa ma lại chọc cười bằng những câu thoại xoay vần khiến khán giả ngơ ngác không hiểu mình đang xem vở diễn thuộc trường phái nào.
Trong đêm diễn Nàng Kiều, cách khai thác nhân vật Đạm Tiên của tác giả Lê Quốc Nam và đạo diễn - NSND Hồng Vân ở bản dựng Ngẫm Kiều gây tranh cãi. Đa phần khán giả cho biết mình rất thú vị với góc nhìn về nỗi đau của hai người đàn bà trong mối tình tay ba giữa Thúy Kiều, Thúc Sinh và Hoạn Thư.
Việc dựng Kiều theo phong cách kịch kinh dị cũng là một thử nghiệm đầy táo bạo của NSND Hồng Vân trong cách tiếp cận với một tác phẩm văn học mang tầm kinh điển thế giới. Tuy nhiên, cách xây dựng hình ảnh Đạm Tiên đậm chất “kinh dị”, trong chất liệu âm nhạc ồn ào, làm khán giả phải giật mình sợ hãi, lại chưa hợp với phong cách, tinh thần của Truyện Kiều. Lớp dựng Đạm Tiên tự lôi đầu mình ra khỏi cơ thể, đặt trên thềm đá khi đối thoại với Kiều bị nhiều phản ứng vì cho rằng làm sai lệch nhân vật trong nguyên tác, tầm thường hóa tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam.
Sáng tạo không thể thiếu giá trị nhân sinh
Sáng tạo nghệ thuật là vô hạn, người nghệ sĩ được quyền bay bổng với những thử nghiệm để tìm ra ngôn ngữ, thủ pháp mới giúp sân khấu luôn luôn hấp dẫn công chúng. Hầu hết những người làm nghệ thuật uy tín đều có chung quan điểm, dù thử nghiệm theo phong cách, thủ pháp, ngôn ngữ nào thì mục tiêu cuối cùng của tác phẩm cũng hướng đến phục vụ cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.
“Nghệ thuật phải có giá trị nhân sinh, ngay cả khi nói nghệ thuật vị nghệ thuật thì cũng đã hàm chứa ý nghĩa vì nhân sinh. Đã gọi là nghệ thuật thì không thể thiếu tính chân, thiện, mỹ và mục tiêu hướng đến là phục vụ cho công chúng. Mọi sự sáng tạo, thử nghiệm của người làm nghề không thể bỏ qua nguyên tắc này”, NSƯT Công Ninh khẳng định.
Thử nghiệm là đi tìm cái mới cả trong kịch bản, thủ pháp dàn dựng, ngôn ngữ sân khấu lẫn diễn xuất của diễn viên. Nhưng dù có thử nghiệm ở góc độ nào cũng phải dựa trên cơ sở lý luận, tính khoa học, logic và đừng bao giờ quên thông điệp muốn chuyển tải là gì.
Quan trọng hơn, việc thử nghiệm không thể đánh mất bản sắc của sân khấu. Đạo diễn có thể đưa nhiều chất liệu nghệ thuật khác vào tác phẩm sân khấu, để tìm ra cách kể mới, ngôn ngữ sân khấu mới, nhưng không thể vì vậy mà tác phẩm sân khấu lại bị “đồng hóa” với các loại hình nghệ thuật được thử nghiệm phối hợp trong vở diễn.
Ý kiến của một khán giả ngay sau đêm diễn Nàng Kiều hẳn sẽ khiến không ít người làm nghề suy nghĩ: “Người trẻ muốn xem những vở diễn hay, có chất lượng nghệ thuật, đừng nghĩ chúng tôi không thích xem kịch mà họ có thể làm những vở dễ dãi, hòng kéo người trẻ đến rạp”.
“Sáng tạo theo hướng nào cũng phải chú ý đến từng đối tượng khán giả, và phải chạm được cảm xúc người xem. Đừng đánh đố nhưng cũng không thể hạ thấp thẩm mỹ của công chúng. Một tác phẩm không thể chỉ để cười chơi cho vui mà phải có những thông điệp, những ẩn ý đằng sau những tiếng cười. Người miền Nam vốn yêu sự dung dị, gần gũi, nhưng chất dung dị, gần gũi không có nghĩa là sa đà vào những tầm thường từ ngôn ngữ, hình tượng, xung đột kịch đến thủ pháp dàn dựng… Dung dị nhưng không theo lối tự nhiên chủ nghĩa, ngay cả khi xây dựng những nhân vật phản diện”. NSƯT Ca Lê Hồng “Những thử nghiệm nặng tính học thuật chỉ phù hợp với những cuộc chơi dành cho dân làm nghề và số lượng khán giả hạn chế. Đây là những vở diễn để những người làm nghề cùng ngồi lại với nhau tìm ra những sáng tạo, hướng đi mới cho sân khấu. Nếu làm thử nghiệm và muốn giới thiệu ngay với công chúng phải cho công chúng tiếp nhận những thông điệp cụ thể, không thể cố tình làm cho khán giả không hiểu. Không thể cứ thử nghiệm theo chủ quan của đạo diễn rồi mang ra biểu diễn đại trà, mặc kệ cảm xúc, nhu cầu của khán giả”. NSND Trần Minh Ngọc “Đạm Tiên ở Ngẫm Kiều không phải là nhân vật có thật mà chỉ là giấc mơ của Thúy Kiều. Ý đồ đạo diễn ở lớp dựng này muốn nói đó là bản ngã khác của Kiều, khi Kiều đấu tranh giữa trả thù hay không trả thù Thúc Sinh - Hoạn Thư. Hành động bứt đầu, giựt đầu của Đạm Tiên như hình ảnh đối xứng trong gương của Thúy Kiều khi tự đấu tranh với bản ngã của mình. Đối tượng tôi muốn hướng đến khi dựng Ngẫm Kiều là những khán giả chưa biết gì về Truyện Kiều và Nguyễn Du. Họ sẽ tìm hiểu thêm về tác phẩm, tác giả và các nhân vật. Với những khán giả biết Truyện Kiều, có thể đòi hỏi sẽ cao hơn và lối dàn dựng này khó phù hợp với nhu cầu của họ”. NSND Hồng Vân |
Thảo Vân