Chuẩn hóa giáo dục đại học tạo sự công bằng cho người học

26/03/2024 - 06:06

PNO - Các cơ sở giáo dục đại học sẽ được đánh giá dựa trên 20 tiêu chí và được công bố rộng rãi hằng năm, từ năm 2025. Người học có thể nắm rõ tình hình hoạt động, chất lượng đào tạo của mỗi trường để chọn theo học.

Mới đây, tại hội nghị tập huấn triển khai Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) thực hiện đánh giá, chuẩn hóa theo các tiêu chí. Theo đó, các trường sẽ được đánh giá dựa trên 6 tiêu chuẩn: tổ chức và quản trị, tỉ lệ giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Trong 6 tiêu chuẩn này có 20 tiêu chí như: lãnh đạo chủ chốt, tỉ lệ giảng viên/sinh viên, tỉ lệ tiến sĩ/giảng viên, tỉ lệ sinh viên thôi học, mức độ hài lòng của sinh viên…

Giảng viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) hướng dẫn sinh viên trong tiết thực hành
Giảng viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) hướng dẫn sinh viên trong tiết thực hành

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: việc chuẩn hóa cơ sở giáo dục ĐH nhằm thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở, đánh giá và giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng. Những thông số này sẽ được công bố để mọi người có cái nhìn tổng thể về đào tạo ĐH. Điều này giúp đảm bảo lợi ích người học, nhà đầu tư và xã hội. Trong đó, có nhiều tiêu chí phản ánh được chất lượng đào tạo.

Ví dụ, nếu trường nào công bố tỉ lệ tuyển sinh sụt giảm liên tiếp, hoặc tỉ lệ sinh viên thôi học sau 1 năm cao thì chứng tỏ trường đang có vấn đề về chất lượng đào tạo, tư vấn - tuyển sinh. Người học sẽ có đánh giá, còn trường cũng sẽ cố gắng cải thiện vấn đề của mình.

Từ phía các trường, giáo sư Vũ Văn Yêm - Trưởng ban Tổ chức nhân sự ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng có nhiều tiêu chí là thách thức lớn với các trường, nhất là đơn vị có đào tạo trình độ tiến sĩ. Theo quy định, với trường không đào tạo tiến sĩ thì chỉ cần 20% giảng viên có trình độ tiến sĩ, nhưng nếu đào tạo bậc tiến sĩ thì tỉ lệ này là 40%.

Ông nói: “Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ thì các trường ở miền Bắc khá cao, nhưng đây sẽ là thách thức lớn với các trường ở miền Tây, Tây Nguyên. Trường nào đào tạo tiến sĩ phải đạt 40%, mỗi năm lại phải tăng thêm 2 - 5% nữa, nên các trường cần phải gấp rút chuẩn bị ngay từ bây giờ”.

Với tiêu chí về tài chính, ông Vũ Văn Yêm cho rằng đây là tiêu chí đánh giá mức độ tăng trưởng bền vững, nhưng ngoài việc tăng học phí, các trường cần phải đa dạng hóa nguồn thu. Hay tiêu chí về tỉ lệ giảng viên có chỗ làm việc hiện nay hầu hết các trường chưa làm được, diện tích đất/người học cũng còn rất thấp. Để mở rộng những tiêu chí này cần nguồn đầu tư rất lớn và mất thời gian.

Ngược lại, ông cũng đánh giá nhiều tiêu chí “quá dễ” như: tỉ lệ sinh viên/giảng viên là quá cao với 40%, tỉ lệ sinh viên thôi học năm đầu là từ 15% trở xuống. “Chỉ cần 2 - 5% sinh viên thôi học sau 1 năm là đã quá cao rồi, nếu sinh viên nghỉ tới 15% chỉ khi có biến động gì đó rất lớn, tôi nghĩ cần siết tiêu chí này lại” - ông nói.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, bộ đang bổ sung, sửa đổi Nghị định 04 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực GD-ĐT và sẽ có những chế tài cụ thể khi thực hiện chuẩn hóa. Hình thức xử phạt sẽ tương đương với các tiêu chí trong thông tư, như: hạn chế chỉ tiêu, hạn chế mở ngành, quy hoạch lại mạng lưới ĐH. Nếu không đáp ứng hoặc bổ sung được trong thời gian quy định, bộ sẽ yêu cầu dừng tuyển sinh, đình chỉ hoạt động đào tạo, thậm chí giải thể…

“Đây là chế tài mạnh nhất, nếu tiêu chí tài chính không ổn định, chất lượng đào tạo kém thì các trường có thể sáp nhập, trong trường hợp không sáp nhập được thì buộc phải giải thể. Đưa ra chế tài này là để các trường cùng phấn đấu, chúng tôi mong muốn không trường nào phải áp dụng đến” - ông Hoàng Minh Sơn nói.

Đại diện Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh: “Đương nhiên, khi đưa chuẩn này ra không thể 100% trường đều đạt được nhưng bộ đã có những tính toán đưa ra mức tối thiểu, dần dần chuẩn này có thể phải nâng lên trong xu thế phát triển giáo dục ĐH để theo kịp tốc độ phát triển hiện nay”.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - cho biết, Thông tư 01/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 22/3. Các trường cần gấp rút chuẩn bị, thực hiện. Bộ sẽ công bố kết quả của các cơ sở vào tháng Sáu hằng năm, từ năm 2025.

Bộ sẽ đưa ra các tiêu chí nhằm thu hẹp cơ sở đào tạo tiến sĩ

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: “Quy mô đào tạo tiến sĩ trong những năm vừa rồi sụt giảm mạnh, tỉ lệ đào tạo bậc này của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, điều này rất đáng lo ngại”.

Ông cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này nhưng quan trọng nhất là do chất lượng đào tạo chưa cao. Nghịch lý là trong khi có quá nhiều trường đào tạo, nhiều nơi đào tạo đa ngành, phân tán nhưng những trường có truyền thống, uy tín và kinh nghiệm đào tạo thì học viên lại không chọn học vì các cơ sở này học khó hơn.

Để nâng cao chất lượng, bộ sẽ đưa ra các tiêu chí nhằm thu hẹp cơ sở đào tạo tiến sĩ. Khi chất lượng được nâng cao thì số lượng người học tiến sĩ cũng sẽ tăng. Không thể để nghịch lý xảy ra là các trường chất lượng cao, đào tạo uy tín thì không có người học trong khi ở các trường có chất lượng thấp hơn nhưng đào tạo dễ lại đông người học hơn.

Về các tiêu chí, nếu trường nào chưa đạt được 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ, bộ sẽ buộc phải dừng tuyển sinh, đào tạo. Ngoài siết chặt đào tạo, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có những đánh giá để ưu tiên đầu tư của Nhà nước vào những trường đào tạo chuyên sâu, chất lượng cao.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI