PNO - Cuộc sống hiện đại, nhịp sống bận rộn đã làm thay đổi khá nhiều nếp sinh hoạt trong các gia đình. Nhưng có một giá trị bất biến với thời gian - những bữa cơm gia đình sum vầy, ấm áp.
Hôm nay nhà nấu bún mắm, từ sáng sớm ông xã chị Thùy Trang (P.11, Q.Gò Vấp, TP. HCM) đã tranh thủ đi chợ mua rau muống về cặm cụi chẻ từng cọng để món bún mắm vợ nấu buổi chiều thêm phần hấp dẫn.
Vợ đang công tác tại Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, chồng cũng hoạt động nghệ thuật tự do nên thời gian của họ khá sít sao. “Công việc có nhiều đến đâu thì mình vẫn sắp xếp được thời gian cho bữa cơm gia đình. Nếu công việc nhiều thì vợ chồng sẽ dậy sớm, làm thức ăn, cắm cơm để sẵn. Trưa về chỉ cần hâm nóng thức ăn là đã có bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng”, anh Hải - chồng chị Trang, chia sẻ.Lấy nhau gần hai mươi năm, từ khi còn là vợ chồng son cho tới lúc hai con đã lớn, với vợ chồng anh chị, bữa cơm gia đình là điều không thể thiếu, chỉ trừ những ngày cả hai phải đi công tác xa.
Chị Trang ví von góc nhỏ nơi đặt chiếc bàn ăn xinh xắn là góc bình yên của gia đình. Đó là nơi hai lần trong ngày, cả nhà chị quây quần bên nhau để “tám” đủ chuyện trên đời, từ chuyện học hành, bạn bè của con đến những vấn đề xã hội đang được cả nhà cùng quan tâm… Đôi khi chỉ là cuộc bàn luận về một bộ phim mới xem. Thậm chí có bữa ăn, cả nhà chỉ quanh quẩn với chuyện “ngày mai ăn gì?”. “Bao nhiêu mệt mỏi, áp lực của công việc, cuộc sống tan biến ở góc nhỏ đó. Nó khiến vợ chồng tôi có đi đâu cũng muốn nhanh được về nhà. Tôi tin rằng, các con cũng sẽ nhớ nhất nơi đó khi trưởng thành và rời xa tổ ấm thời ấu thơ” - giọng chị Trang ấm áp.
Vợ chồng anh Hải - chị Trang quan niệm: “Bữa ăn gia đình không phải chỉ để giải quyết vấn đề của bao tử, ăn những món ăn được chọn lựa cẩn thận, chế biến đúng cách, đảm bảo dinh dưỡng mà thực sự thú vị với cả nhà khi được thưởng thức những món ăn mình yêu thích, dù đó chỉ là một món giản dị, ít tốn kém. Cơm nhà không đơn giản chỉ là ăn cơm ở nhà mà phải là bữa cơm gia đình đúng nghĩa bởi đó là thời gian hiếm hoi cả nhà thực sự dành cho nhau mỗi ngày”.
Vậy nên, dù có đủ cả gia đình hoặc chỉ có hai con thì mâm cơm vẫn được bày ra. Tất cả đã thành nếp, bữa cơm dù cần nhanh gọn lẹ cũng không ai thích xới mỗi người một tô, ngồi ăn cho thiệt lẹ để còn chạy vội cho kịp giờ học, giờ làm. Đôi khi chỉ một chén cơm trắng, đĩa rau luộc và chén nước mắm ớt nhưng bữa cơm gia đình vẫn có sức hấp dẫn riêng, để rồi ai đi xa cũng nhớ cũng thèm.
Nhà hàng đặc biệt, thực khách đặc biệt
Nếu nhiều gia đình thường dành thời gian rảnh rỗi hoặc những ngày nghỉ để cùng nhau ra ngoài, thưởng thức món ngon ở một nhà hàng, quán ăn ưa thích thì gia đình diễn viên Hiền Trang - Thái Huy lại chỉ mong có thời gian rảnh để được cùng nhau vào bếp. Hiền Trang hóm hỉnh giải thích: “Là MC của một số chương trình hướng dẫn nấu ăn, tôi tích lũy cho mình khá nhiều công thức chế biến các món ăn ngon. Với tính chất công việc của vợ chồng đều làm nghệ thuật, không phải lúc nào tôi cũng có cơ hội trổ tài nữ công gia chánh, nên hễ có thời cơ là phải tranh thủ liền”.
Không chỉ cùng đam mê nghệ thuật, ông xã Thái Huy còn “tâm đầu ý hợp” với vợ cả chuyện thích ăn cơm nhà. Hễ nghe vợ ngỏ lời sẽ nấu thử món mới, anh luôn hào hứng hưởng ứng và xung phong trở thành bếp phụ của vợ. “Bếp chính vợ, bếp phụ chồng, thực khách gồm bếp chính, bếp phụ, con gái và bà ngoại, nhà hàng Trang - Huy vì thế bao giờ cũng được thực khách khen nức nở” - Hiền Trang kể về “nhà hàng đặc biệt” của mình.
Hỏi Hiền Trang: “Liệu có bao giờ đổ quạu hay ấm ức vì đi làm về mệt cũng phải vào bếp?”, cô cười giòn tan: “Tới giờ thì chưa. Thấy vợ tất bật, chồng tôi cũng vô bếp phụ nên có muốn quạu cũng không được”. Trong suốt câu chuyện, dù có cố tìm cách “soi” cũng không thể thấy cảm giác mệt mỏi của Hiền Trang khi phải vào bếp nấu ăn, dù khi đó cô vừa kết thúc một ngày bận rộn ở trường quay.
Bếp của "nhà hàng Trang - Huy" ngày nào cũng đỏ lửa
“Tôi luôn dự trữ thức ăn trong tủ lạnh để có thể chế biến nhanh. Về nhà, vợ chồng mỗi người đều góp sức thì chỉ hơn 30 phút đã có cơm nóng, canh ngọt. Khi biết mình không đủ thời gian nấu nướng, nồi thịt kho nấu nhiều hơn một chút có thể đủ cho ngày hôm sau là lựa chọn thích hợp. Đi làm về mệt nhoài, có cơm nóng, thịt kho, dưa cải chua nhà làm không phải tuyệt vời nhất rồi sao?”, Hiền Trang nói.
Bữa ăn gia đình của Hiền Trang đã trở thành nếp từ ngày còn ở quê nhà cùng cha mẹ. Ký ức về những bữa cơm gia đình vẫn vẹn nguyên trong tâm trí cô. Cuộc sống khi đó còn nhiều khó khăn nhưng mâm cơm nhà nghèo gồm ba thế hệ ông bà nội, cha mẹ và chị em Hiền Trang vẫn luôn đầy ắp tiếng cười. Chính ký ức đó cũng giúp Hiền Trang nhận ra bữa cơm gia đình chỉ thực sự ý nghĩa khi có một gia đình hạnh phúc. Nếu phải gượng ép ngồi bên nhau khi hôn nhân đã rạn vỡ thì bữa cơm sẽ trở thành cực hình với mọi người.
***
Có một điều rất giống nhau giữa hai gia đình có người vợ tên Trang là cả hai ông chồng luôn chủ động chia sẻ việc nhà với vợ. Mỗi khi bà xã Thùy Trang đi công tác, anh Hải còn đảm đang hơn vợ. Không chỉ lo cơm nước, anh còn chịu khó làm thêm những món ăn vặt cho con. Công việc ít bị bó buộc thời gian hơn vợ nên khi vợ về trễ, anh luôn tranh thủ về nhà ăn cơm với hai con rồi quay lại chỗ làm.
Nhiều bữa đi ghi hình về, Hiền Trang chợt thấy lòng mình ấm áp, hạnh phúc với hình ảnh bà ngoại đang chăm cháu trên nhà, ông xã lui cui nấu nướng dưới bếp chuẩn bị bữa tối cho cả nhà.
Bữa cơm gia đình không chỉ gắn kết các thành viên khi được cùng nhau quây quần bên bàn ăn, mà còn là nơi chuyển tải những thông điệp yêu thương từ cách chia sẻ thời gian, hy sinh sở thích cá nhân để giữ ngọn lửa ấm trong bếp.
Nấu ăn cùng nhau là bên nhau mãi mãi
Có rất nhiều yếu tố quyết định mối quan hệ của cặp đôi có tốt đẹp hay không, bao gồm tài chính, giao tiếp, đời sống gối chăn, nhưng còn một yếu tố có thể khiến bạn bất ngờ đó là thời gian cùng nhau nấu ăn. Khảo sát do đơn vị chuyên cung cấp thiết bị nhà bếp nổi tiếng của Mỹ Calphalon thực hiện với các cặp đôi đã cho kết quả: có đến 87% người được hỏi tin rằng, nấu ăn cùng nhau là hoạt động giúp thắt chặt quan hệ tình cảm. 78% nghĩ những cặp nấu ăn cùng nhau sẽ ở bên nhau mãi mãi. Họ cho rằng, không chỉ trò chuyện mà nấu ăn cùng nhau cũng là cách thức giao tiếp hiệu quả. 98% cặp đôi cho biết họ tin rằng, thấu hiểu từ giao tiếp là yếu tố quyết định hôn nhân hạnh phúc.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.