Chuẩn bị xét xử phúc thẩm bị cáo Trịnh Văn Quyết

19/12/2024 - 16:56

PNO - Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết chuẩn bị hầu tòa phúc thẩm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của nhà đầu tư.

Ngày 26/12 tới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC - Ảnh: C.M
Bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC - Ảnh: C.M

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 3 thẩm phán, trong đó thẩm phán Võ Hồng Sơn làm chủ tọa. Vụ án dự kiến được xét xử kéo dài trong nhiều ngày.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xem xét, giảm trách nhiệm bồi thường dân sự đối với bị cáo trong vụ án.

Hai em gái của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga đều kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bản thân, đồng thời đề nghị tòa cấp phúc thẩm buộc phải bồi thường, khắc phục hậu quả.

Trước đó, vào tháng 8/2024, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 21 năm tù về cả 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”. Cùng bị kết án về 2 tội danh này, Trịnh Thị Minh Huế bị tòa tuyên phạt 14 năm tù, Trịnh Thị Thúy Nga bị tuyên 8 năm tù.

Từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.

Các bị cáo sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu là AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo “xả bán” cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.

Ngoài ra, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng.

Tiếp đó, các bị cáo tạo lập hồ sơ, đề nghị chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros.

Niêm yết cổ phiếu thành công, Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu Công ty Faros để chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của nhà đầu tư.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI