Chuẩn bị xếp hạng di chỉ khảo cổ Vườn Chuối

30/07/2021 - 15:45

PNO - Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) vừa có văn bản thống nhất với đề nghị của Sở VHTT TP Hà Nội về việc khai quật và bảo tồn Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối.

Văn bản ra đời trên cơ sở buổi làm việc của Sở VH-TT Hà Nội với Đoàn khai quật khảo cổ, Viện Khảo cổ học vào tháng trước.

Cục Di sản văn hóa đề xuất hai phương án bảo tồn. Phương án 1 sẽ thực hiện nghiên cứu bảo tồn diện tích khu vực phía đông khu di chỉ (diện tích khoảng 6.000m2), đưa khu vực này vào danh mục di tích của thành phố. Từ đó xây dựng các bước tiếp theo để bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đồng thời thực hiện phương án khai quật di dời các di tích, di vật ở khu vực phía tây khu di chỉ trước khi giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai 3 và 5 của thành phố.

 

Tại địa điểm Vườn Chuối, kể từ năm 1969 đến nay đã có hàng chục cuộc khai quật.
Tại địa điểm Vườn Chuối, kể từ năm 1969 đến nay đã có hàng chục cuộc khai quật

Phương án 2 sẽ thực hiện nghiên cứu bảo tồn toàn bộ diện tích khu vực phía tây khu di chỉ (diện tích khoảng 6.000m2) giống như ở khu vực phía đông, nhằm bảo tồn toàn bộ khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (diện tích khoảng 12.000m2).

Đồng thời, đưa toàn bộ khu vực di chỉ vào danh mục di tích của thành phố, xây dựng các bước tiếp theo để bảo tồn, phát huy giá trị di tích, xếp hạng, tiếp tục khai quật khảo cổ, xây dựng các công trình văn hóa phụ trợ... Tuyến đường vành đai 3, 5 của thành phố đoạn qua khu vực di chỉ sẽ nghiên cứu làm cầu vượt.

 

Cổ vật được khai quật tại di chỉ Vườn Chuối được người dân Lai Xá lưu giữ
Cổ vật hơn 3.000 năm tuổi được khai quật tại di chỉ mà người dân Lai Xá lưu giữ

Trong hai phương án trên, Sở VHTT Hà Nội đề xuất nghiên cứu, bảo tồn khu di chỉ theo phương án 1 với lý do đảm bảo sự hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển, vừa phục vụ mục đích bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di tích, vừa phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.

Theo Sở, nửa phía đông khu di chỉ mang những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu cho toàn bộ Khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối. Hiện ở khu vực này vẫn còn chứa đựng nhiều di tích, di vật có giá trị, phục vụ việc nghiên cứu và phát huy giá trị di tích.

Trước đề nghị của Sở VHTT Hà Nội, Cục Di sản văn hóa vừa có văn bản thống nhất nội dung đề xuất của Sở là “thực hiện nghiên cứu bảo tồn khu vực phía đông Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (diện tích khoảng 6.000m2) để đưa vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố”.

Đồng thời, Cục cũng đề nghị Sở VHTT Hà Nội chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương lập danh mục, xây dựng hồ sơ xếp hạng Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối để bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định khác có liên quan.

Căn cứ vào quy mô di tích để xây dựng phương án khai quật di dời di tích, di vật ở khu vực phía tây theo quy định, xin ý kiến các nhà khoa học và cơ quan quản lý liên quan...

 

 

 

Theo giới khoa học, di chỉ Vườn Chuối chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền sơ sử
Theo giới khoa học, di chỉ Vườn Chuối chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền sơ sử

Vườn Chuối rộng 19.000m2, được Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện năm 1969, nằm trên cánh đồng thôn Lai Xá, cùng với Gò Chùa Gio, Gò Chiền Vậy, Gò Rền Rắn... tạo thành phức hợp di tích giai đoạn Tiền Đông Sơn và Đông Sơn. Nhiều nhà khoa học đánh giá, đây là nơi cư trú lâu dài của người Việt cổ, góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ lịch sử về sự có mặt rất sớm của con người ở Hà Nội. Ngoài ra còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền sơ sử.

Kể từ khi được phát hiện vào năm 1969 đến nay, di chỉ khảo cổ có một không hai này vẫn chưa được xếp hạng di tích, dù nhiều nhà khoa học đã khẳng định giá trị của nó. Trong lúc chờ các cấp, ngành đánh giá, chờ bảo vệ, toàn bộ Vườn Chuối đã nằm trong diện tích đất được giao để xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch và không ít lần bị xâm hại, đứng trước nguy cơ xóa sổ, tình trạng “chảy máu” hiện vật diễn ra suốt nhiều năm qua.

Cách đây 4 năm, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đã gửi thư đến Bí thư Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch UBND TP đề nghị khẩn thiết bảo tồn khẩn cấp khu di chỉ khảo cổ học này. 2 năm trước ông cũng viết tâm thư kêu cứu cho khu vực này trên facebook, khiến báo chí và giới khoa học vào cuộc. Báo Phụ Nữ TPHCM cũng từng có những tuyến bài phản ánh về vấn đề này.

C.Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI