Chuẩn bị tâm lý cho trẻ nếu chẳng may phải cách ly

30/06/2021 - 06:30

PNO - Nếu trẻ còn quá nhỏ, người nhà có thể đi theo chăm sóc. Nhưng nếu không thể đi cùng, cha mẹ nên chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho con mình.

 

Bé gái năm tuổi trong bộ đồ bảo hộ màu xanh rộng thùng thình một mình bước lên xe đi cách ly y tế ở huyện Bình Chánh (TPHCM) làm cho ai cũng xót xa. Dù các cô chú đã động viên, cứ bước vài bước, bé phải đứng lại, nhìn về hướng gia đình mình.
Bé gái năm tuổi trong bộ đồ bảo hộ màu xanh rộng thùng thình một mình bước lên xe đi cách ly y tế ở huyện Bình Chánh (TPHCM) làm cho ai cũng xót xa. Dù các cô chú đã động viên, cứ bước vài bước, bé phải đứng lại, nhìn về hướng gia đình mình.

Đợt dịch COVID-19 thứ tư này, Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, có hơn 4.000 trẻ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Các em phải đi cách ly tập trung, không có gia đình bên cạnh. Nếu trẻ không hiểu lý do mà chỉ biết do dịch bệnh nên con phải đi, nguy cơ trẻ gặp sang chấn tâm lý rất cao.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Y học thiên tai và Y tế công cộng, 30% trẻ có các rối loạn tâm lý, căng thẳng khi buộc phải xa gia đình do dịch bệnh, thiên tai. Tuy nhiên, thực tế, con số có thể cao hơn nhiều.

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến, Khoa Tâm thể Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TPHCM) cho biết, nếu đột ngột bị cách ly tập trung hay phải xa cha mẹ để đi điều trị COVID-19, trẻ dễ rơi vào căng thẳng, lo âu, rối loạn chia ly hay nặng hơn bị sang chấn tâm lý nếu không được hỗ trợ tâm lý kịp thời. Vì vậy, giai đoạn này, cha mẹ cần theo dõi, động viên và xoa dịu tinh thần cho trẻ.

“Khi phải đột ngột thay đổi môi trường, nhất là nguyên nhân từ dịch COVID-19, người lớn dễ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ con cũng vậy. Cha mẹ bị rối loạn lo âu, khả năng con của họ bị ảnh hưởng nhiều hơn những trẻ khác. Thay vì lo lắng, hãy phân tích cho trẻ hiểu vì sao phải vào khu cách ly hay bệnh viện. Quan trọng nhất là trẻ hiểu được mọi người đang yêu thương và giúp đỡ mình”, vị chuyên gia nói thêm.

Cha mẹ nên trò chuyện với con về dịch bệnh. Hãy cho trẻ biết rất có thể một lúc nào đó, cha mẹ, anh chị, ông bà hoặc chính con sẽ ho, sốt, đau họng… nhưng không sao, chúng rất giống với triệu chứng của cảm lạnh hay cảm cúm thông thường. Các cô chú bác sĩ yêu thương và muốn bảo vệ con khỏi bệnh nên sẽ đưa con về khu cách ly, bệnh viện để chăm sóc. Con ngoan ngoãn, nghe lời cô chú, nghĩa là con cũng đang bảo vệ cha mẹ, ông bà và sớm về nhà.

Đặc biệt, cha mẹ đừng hứa sau 14 hay 21 ngày sẽ rước con về, bởi trẻ có thể ở khu cách ly, bệnh viện lâu hơn thời gian này nếu có ca mắc COVID-19 mới. Phân tích cho con hiểu, khi đến khu cách ly tập trung, hay đi điều trị, con cũng sẽ bỏ lỡ bộ phim hoạt hình yêu thích, sẽ “hy sinh” những que kem, bánh kẹo… nên có thể con sẽ rất buồn.

Thế nên, cha mẹ sẽ luôn nghe điện thoại mỗi khi con gọi. Mẹ sẽ tặng con sáp màu, tranh vẽ hay cây đàn con yêu thích… Các cô chú bác sĩ cũng sẽ rất vui nếu con hát cho họ nghe. Nếu muốn, con có thể viết vào quyển sổ những điều cần nói với mẹ và ai đã giúp đỡ con trong lúc khó khăn. Mẹ sẽ cùng con cảm ơn họ trong ngày đi đón con.

Những lần trẻ gọi điện thoại về, cha mẹ hãy cùng con hát bài hát mới, hay tập các động tác thể dục mới; hẹn lần sau mẹ gọi, con tập cho mẹ xem để khích lệ và giúp trẻ quên đi nỗi buồn chán. Nếu con đòi mẹ, hãy nói với con, các cô chú bác sĩ đã để con mình ở nhà. Những bạn ấy cũng nhớ cha mẹ, hãy cố gắng để cha mẹ các bạn cũng được về nhà. 

Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn cách ly y tế nếu trường hợp F1 là trẻ em. Theo đó, cho phép bố trí người chăm sóc, hỗ trợ cách ly cùng và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly phải cam kết với chính quyền địa phương không tiếp xúc với người cách ly, cung cấp suất ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm riêng cho người cách ly hằng ngày… 

Trường hợp không thể cùng con đến khu cách ly tập trung hay bệnh viện, nếu quá lo lắng, cha mẹ có thể liên hệ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để được hướng dẫn, tư vấn về chăm sóc, ổn định tâm lý, phát hiện sớm và xử lý sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI