Chuẩn bị gì để trẻ mầm non trở lại trường?

03/01/2022 - 06:28

PNO - Kể từ cuối tháng 5 năm ngoái, trẻ mầm non tại TPHCM đã tạm dừng đến trường suốt nhiều tháng liền để phòng, chống dịch. Nhiều nhóm trẻ “chui” đã mọc lên, gây nhiều lo lắng cho phụ huynh. Thế nhưng, khi hay tin con sẽ được đến trường trở lại cũng không làm phụ huynh bớt lo, bởi trẻ mầm non chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19…

Nhiều băn khoăn

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TPHCM về việc ban hành kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non. Từ tháng 2 tới, trẻ mầm non có thể đến trường tham gia các hoạt động trực tiếp theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Dự kiến thời gian kết thúc năm học đặc biệt này sẽ vào ngày 29/7, muộn hơn so với hằng năm. 

Năm học 2021-2022, bậc mầm non có khoảng 339.000 trẻ theo học tại 1.395 trường, nhóm lớp, tăng hơn 5.000 trẻ so với năm học trước. Sau nhiều tháng liền đóng cửa vì đại dịch, hàng loạt trường, nhóm lớp mầm non tại TPHCM buộc phải giải thể; giáo viên thất nghiệp đã chuyển nghề không ít. Bởi thế, khi hay tin trường học sẽ được mở cửa trở lại, người làm giáo dục mầm non vui mừng khôn xiết. Song, phụ huynh lo lắng nhiều hơn về an toàn của con.

Giáo viên hướng dẫn trẻ các giải pháp an toàn phòng, chống dịch qua những buổi gặp online  ẢNH: PHÚC TRẦN
Giáo viên hướng dẫn trẻ các giải pháp an toàn phòng, chống dịch qua những buổi gặp online - Ảnh: Phúc Trần

Chị Nguyễn Thị Trinh (TP.Thủ Đức) cho biết: “Trẻ mầm non chưa được tiêm vắc xin. Kể cả trong kế hoạch sắp tới của Bộ Y tế cũng chỉ sẽ mua vắc xin tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Như vậy, để trẻ mầm non đến trường vào tháng tới cũng thật “phiêu lưu”. Đúng là mở cửa trường sẽ đáp ứng được vấn đề phụ huynh gửi con để đi làm nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hơn nữa, ý thức về sự nguy hiểm, phòng chống dịch của trẻ mầm non còn rất bị động. Vì vậy, tôi quyết định tết Nguyên đán về quê sẵn gửi con ở nhà ngoại tạm cho đến khi con được tiêm vắc-xin mới tự tin cho con đến trường”.

Tương tự, một số phụ huynh cho biết vẫn chưa sẵn sàng đưa con trở lại trường. Chị Mỹ An (chung cư Ehome 3, quận Bình Tân) cho hay: “Khi đọc tin, mình có điện thoại hỏi cô giáo thì cô nói không bắt buộc, phụ huynh có quyền chọn cho con đi học hoặc không. Gia đình tôi đang lưỡng lự, để trường mở cửa ít hôm xem tình hình thế nào rồi tính tiếp. Chúng tôi không vội vàng vì phải đặt an toàn của con lên trên, dù có hơi vất vả sắp xếp giữ con để đi làm”.

Lãnh đạo nhiều trường mầm non cũng khá băn khoăn khi trẻ mầm non chưa được tiêm ngừa vắc xin. Hiệu trưởng một trường mầm non công lập cho biết, việc tập huấn để giáo viên nắm quy trình xử lý khi có F0 xuất hiện không khó, nhưng vấn đề là trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin nên khả năng xuất hiện F0 sẽ có. Mỗi khi nghe trường học có ca F0 thì chắc chắn phụ huynh sẽ hoảng sợ và cho con nghỉ học. Lớp học sẽ thường xuyên không ổn định, biến động. Trẻ nhỏ mỗi lần làm quen đều khó, hay khóc… Mỗi lần như vậy các cô có lẽ lại một lần vất vả để ổn định lại lớp học. Hơn nữa, đặc thù của trẻ mầm non là ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt trong môi trường chung nên nếu được tiêm vắc-xin sẽ yên tâm hơn. 

Tập cho trẻ ý thức chủ động

Theo các chuyên gia giáo dục, dù trẻ mầm non đến trường không đặt nặng vấn đề học nhưng đó là môi trường để trẻ rèn luyện tính tự lập, kỷ luật, nền nếp… Vì vậy, phụ huynh có thể cân nhắc trong việc quyết định đưa con đến trường trong thời gian tới hay không. Bên cạnh các biện pháp phòng dịch từ nhà trường, yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo an toàn đến từ chính ý thức của các bé. Các thói quen như đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn khi đến chỗ đông người… đã trở thành một phần cuộc sống của chúng ta, và đó là điều kiện cơ bản nhất để mỗi người tự giữ an toàn sức khỏe cho mình. Trẻ em cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vấn đề của người lớn là làm thế nào để trẻ nghiêm túc, có ý thức chủ động thực hiện những việc này, ngay cả khi không có sự giám sát của người lớn.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường mầm non Ngôi sao tuổi thơ (Q.7), cho biết: Trong thời gian nghỉ dịch, trường vẫn duy trì liên hệ giữa cô với trẻ và phụ huynh bằng những buổi giao lưu trực tuyến hằng tuần để bé không quên cô, quen nền nếp và đỡ nhớ bạn. Tại những buổi gặp này, ngoài nói chuyện theo chủ đề với các con, sinh hoạt với cha mẹ, các cô còn hướng dẫn các hoạt động về an toàn phòng dịch như cách đeo khẩu trang, cách rửa tay, ăn uống, vệ sinh…

Chị Thùy Linh, phụ huynh Trường mầm non Thỏ Ngọc (quận 8), cho biết chị đang cân nhắc cho con đi học trong thời gian tới nếu thấy trường học thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và xử lý ca nhiễm. “Bởi mình không thể ôm con mãi, phải tập cho con ý thức chủ động, tự lập như trẻ em Nhật. Trẻ mầm non không hiểu hết sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng bằng cách quan sát, trẻ có thể nhìn thấy hành động của người lớn và bắt chước theo. Cha mẹ và thầy cô nên thường xuyên trò chuyện với trẻ về sự cần thiết của các thói quen lành mạnh thông qua các cuộc nói chuyện hằng ngày cũng như trong các tiết học. Khi một chủ đề được lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, đi kèm với đó là sự nghiêm túc thực hiện của những người thân cận, trẻ sẽ chủ động bắt chước theo, kể cả khi không có sự giám sát của người lớn”, chị Linh lý giải. 

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Hùng Vân, Hiệu trưởng Trường đại học Phan Chu Trinh: Vắc xin, thuốc kháng virus và giữ khoảng cách giữa trẻ và người lớn tuổi

Quốc gia nào trên thế giới cũng đã bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng cách đối phó với dịch bệnh đã thay đổi và có thể khác nhau ở mỗi nước. Trong thời gian đầu, khi chưa hiểu rõ về virus và khi chưa có đủ vắc xin thì biện pháp cách ly là bảo đảm hạn chế sự lây lan. Một số quốc gia duy trì biện pháp này chặt chẽ. Nhiều quốc gia khác dần nhận ra khó có thể tránh khỏi dịch bệnh và giải pháp tối ưu vẫn là vắc xin. Họ không cấm học sinh tới trường, trẻ em nếu có nhiễm COVID-19 cũng không nặng, ít tử vong.

Việc đi học của trẻ chỉ gặp một vấn đề, đó là các em nếu bị nhiễm thì có thể mang mầm bệnh về nhà lây cho người lớn. Ngược lại, nếu người lớn đã được tiêm chủng đầy đủ thì việc nhiễm bệnh cũng không gây biến chứng nặng nhiều nữa. Do đó, không thể nào để trẻ ở nhà học online mãi được, bởi hình thức học này không mang lại hiệu quả tối ưu. Đặc biệt, đối với trẻ mẫu giáo, lứa tuổi cần phải có sự tương tác xã hội nơi trường học cũng không thể học online được. 

Từ các phân tích trên, theo tôi, vấn đề không phải là giữ cho đứa bé không bị bệnh mà là vấn đề những người ở trong nhà có thể bị lây bệnh từ trẻ. Do vậy, giải pháp tốt nhất là TPHCM nên tiếp tục duy trì phủ vắc xin đầy đủ và chủ động chuẩn bị cho người dân dễ dàng tiếp cận thuốc kháng virus. Có đầy đủ vắc xin và thuốc kháng virus thì việc để trẻ đi học lại không có vấn đề gì đáng lo. Và gia đình nào có cháu nhỏ đi học thì cũng nên lưu ý cách ly với người lớn tuổi, giữ khoảng cách để hạn chế tối đa lây nhiễm ngay trong nhà.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM: Trẻ mẫu giáo đến trường cũng như người lớn ra quán

Trẻ ở nhà nhiều gia tăng stress. Học online lâu ngày ảnh hưởng đến thị lực, thính lực. Việc tập trung trước màn hình nhiều đến mức không ít trẻ bị rối loạn TIC (hay còn gọi là tật giật máy ở trẻ) là các vận động hay âm thanh phát ra nhanh, đột ngột, không có chủ ý và lặp lại nhiều lần từ trẻ như nháy mắt, nhép miệng, đầu gù dù không nói chuyện với ai… 

Nhiều người cho rằng con nít ra đường hay đi học về lây cho người lớn. Trong khi, tôi thấy hiện nay đa số là người lớn đi làm, đi giao tiếp về lây cho con nít nhiều hơn. Như thế, trẻ không đến trường, ở nhà cũng dễ bị mắc bệnh. Trẻ mẫu giáo đến trường cũng như người lớn ra quán thôi! Cần nhớ là đa số người lớn đã chích ba mũi. Giải pháp để trẻ mẫu giáo đến trường an toàn thì các đơn vị cũng chỉ cần áp dụng như đã đối phó với các đợt dịch như tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, viêm tiểu phế quản… Các trường nên thấy kinh nghiệm của ngành y, đa số nhân viên y tế bị lây COVID-19 là từ gia đình và do đi ra ngoài ăn uống, giải trí chứ rất ít ca lây từ bệnh nhân.

Quốc Ngọc (ghi)

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI