Chuẩn bị gì cho trẻ F0 đi cách ly một mình?

28/07/2021 - 16:00

PNO - Với các bé đang cần sự chăm sóc của bố mẹ, việc tách khỏi gia đình để đi cách ly một thời gian là điều rất khó khăn.

Việc phải xa gia đình tác động đến tâm lý của các bé không hề nhỏ. Do đó, các bậc cha mẹ nên giúp con ổn định tâm lý để đi cách ly một mình nếu chẳng may con trở thành F0.

Trẻ em ở khu cách ly
Trẻ em ở khu cách ly - Ảnh minh hoạ

Trang bị những vật dụng cần thiết 

Khi con em đi cách ly một mình, phụ huynh thường tỏ ra lo lắng, sợ con không thể vượt qua khi không có bố mẹ bên cạnh. Về vấn đề này, các ông bố bà mẹ có thể yên tâm, bởi đội ngũ nhân viên y tế ở khu cách ly sẽ chăm sóc các bé chu đáo, đồng thời giúp các bé cảm thấy gần như đang ở nhà. Việc của bố mẹ là cần chuẩn bị cho con những vật dụng cần thiết khi đi cách ly một mình.

Theo đó, cần chuẩn bị cho các bé các vật dụng như: quần áo, chăn mền, gối, nước uống, bàn chải và kem đánh răng, dầu gội đầu... Đừng quên khẩu trang, xà bông/nước sát khuẩn để bé rửa tay hàng ngày. 

Lưu ý, chuẩn bị quần áo cho con vừa đủ, chọn quần áo thấm hút mồ hôi tốt để các bé cảm thấy thoải mái. Với các bé nhỏ có thể chuẩn bị thêm sữa. Chuẩn bị sữa rửa mặt, thuốc trị mụn cho con nếu các bé trong giai đoạn dậy thì. Với các bé gái đã dậy thì, cần chuẩn bị các vật dụng để con sử dụng trong những “ngày đèn đỏ”.

Hình ảnh trẻ ở khu cách ly khiến nhiều người thương đứt ruột
Hình ảnh trẻ ở khu cách ly khiến nhiều người thương đứt ruột

Hướng trẻ thích nghi với môi trường mới

Không dễ để trẻ thích ứng ngay với môi trường mới tại nơi cách ly. Thời gian đầu, một số trẻ có thể khóc, khó ngủ hay ăn uống không được vì nhớ nhà, nhớ những thói quen trước kia. Thế nên, cha mẹ cần hướng trẻ thích nghi với môi trường mới.

Việc hướng con trẻ thích nghi với môi trường mới đúng cách cho bé có cơ hội trưởng thành hơn trong suy nghĩ và gia tăng tính tự lập.  

Nên thường xuyên động viên, bảo ban con cố gắng tuân thủ theo thời gian biểu tại nơi cách ly để điều trị và sớm về với gia đình. 

Bố mẹ cũng cần hướng dẫn con cách tự vệ sinh cá nhân. Hướng dẫn trẻ tự ăn, tự mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt (với trẻ từ 3-5 tuổi). Với trẻ từ 6-17 tuổi, cần hướng dẫn các bé gấp chăn màn, giặt giũ, phơi quần áo, tự chăm sóc bản thân.

Đừng quên chỉ dẫn, nhắc nhở con cách bảo vệ an toàn cho bản thân (mang khẩu trang, thường xuyên rửa tay, ngủ đúng giờ…) và tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Động viên tinh thần trẻ

Bố mẹ nên tương tác với trẻ thường xuyên để động viên tinh thần con cũng như nắm tình hình điều trị của con ở khu cách ly. 

Khi tương tác với các con, các ông bố bà mẹ phải thật sự giữ vững tâm lý, tránh xúc động quá mức, vì như vậy có thể khiến trẻ lo lắng, xúc động theo. Hãy động viên, khuyến khích và khơi gợi tinh thần tích cực cho con. Cần giúp trẻ duy trì tinh thần lạc quan, vui vẻ, nhìn nhận việc cách ly, điều trị theo góc độ tích cực.

Có thể động viên con bằng những câu như: “Con trai/con gái của bố mẹ sẽ làm được”, “Con làm tốt lắm chiến sĩ nhí của bố mẹ”, “Con là niềm tự hào của bố mẹ”, “Gia đình chờ con về và sau dịch mình sẽ cùng đi, cùng làm gì đó…”. Cũng có thể ghi chú những lời dặn dò hay những câu nói trấn an tinh thần, tiếp thêm động lực cho con.

Song song đó, hãy nói cho trẻ hiểu rằng, gia đình không bên cạnh nhưng không có nghĩa là bỏ rơi con mà các cô chú nhân viên y tế đang thay bố mẹ ở bên cạnh để hỗ trợ con. Điều này giúp trẻ cảm thấy an tâm hơn vì biết rằng ngoài gia đình còn có nhiều người yêu thương trẻ.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI