Chuẩn bị gì cho con vào lớp 1?

20/05/2013 - 16:12

PNO - PN - “Có rất nhiều thứ cần chuẩn bị cho trẻ trước khi vào lớp 1 chứ không phải là dạy chữ” - TS Trần Thị Lan Hương, chuyên gia tâm lý giáo dục trẻ mầm non - khẳng định tại hội thảo “Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1”...

Theo TS Lan Hương, những thứ rất cần chuẩn bị cho trẻ: tập cho trẻ diễn đạt điều mình muốn nói, rèn luyện cho trẻ khả năng hòa đồng, sự tự tin và khả năng tập trung, khả năng phân biệt điều hay lẽ phải… Để giúp trẻ tự tin, các bậc phụ huynh (PH) nên ghi nhận và khuyến khích mỗi khi trẻ làm được điều tốt. PH cũng có thể rèn luyện cho trẻ khả năng tập trung bằng cách cùng chơi với trẻ một trò gì đó và mỗi lần như thế cần cố gắng kéo dài thêm thời gian. Với trẻ, việc học hiệu quả nhất là thông qua chơi, cho nên cùng chơi, cùng đóng kịch với con là cách giúp trẻ dễ dàng hiểu được những điều hay lẽ phải thông qua các tình huống. Để hòa đồng và phát triển về mọi mặt, nhất thiết trẻ phải được vui chơi thường xuyên với các bạn hàng xóm và không gian vui chơi hoạt động cho trẻ cần được mở rộng dần.

Chuan bi gi cho con vao lop 1?

Ảnh minh hoạ (nguồn: Phapluatvn.vn)

Lâu nay, người lớn thường dạy trẻ phải biết nhường nhịn, nhưng nếu nhường nhịn mãi, trẻ sẽ thành người chịu đựng và thua thiệt. Cho nên, TS Lan Hương khuyên: nên dạy trẻ biết thỏa thuận và nhân nhượng (chứ không phải nhường nhịn). Mọi trạng thái cảm xúc đều có giá trị nhất định. Tức giận cũng là một cảm xúc tốt. Người lớn không nên chế giễu cảm xúc của trẻ khi chúng đang bực tức mà hãy tìm cách chia sẻ, hướng dẫn trẻ biết kiểm soát cảm xúc. Ở trường mầm non hay ở gia đình, nên bố trí những tấm gương soi như là phương tiện giáo dục trẻ một cách hữu ích. Chẳng hạn, khi trẻ tức giận, hãy bảo trẻ đến trước gương xem mặt mình xấu thế nào. Nên khuyến khích trẻ tham gia những hoạt động hữu ích và hãy quan tâm, động viên những gì trẻ đã làm được, tránh nói đến những gì trẻ chưa/không làm được. Cũng đừng bao giờ so sánh trẻ với những đứa trẻ khác mà chỉ nên so sánh trẻ với chính bản thân khi thấy trẻ có sự tiến bộ. Cuối cùng là phải giúp trẻ có được một tâm lý sẵn sàng đi học. Muốn vậy, hãy nói về những điều tốt đẹp khi trẻ đi học và đừng bao giờ lấy chuyện “đi học” để dọa trẻ.

Giải đáp những thắc mắc của PH, TS Lan Hương cũng khuyến cáo: PH nhất thiết đừng hành hạ trẻ bằng việc dạy chữ trước khi vào lớp 1. Điều này rất dễ làm cho trẻ chủ quan trong việc học, thiếu tập trung trong giờ học và rất khó sửa nếu việc biết trước là không chuẩn. Những điểm đó có thể khiến trẻ bị tụt lại so với những đứa trẻ khác chỉ trong một thời gian ngắn vào lớp 1.

PH thường có tâm lý thích xin chuyển lớp cho con mỗi khi mình có mắc mứu với cô hay con mình mắc mứu với bạn. Tuy nhiên, việc chuyển lớp không quan trọng bằng việc cô giáo của trẻ như thế nào, có yêu thương và có khả năng hiểu biết từng đứa trẻ hay không.

Việc chọn sách tham khảo cho con, TS Hương khuyên PH nên tìm chọn những tác phẩm văn học có giá trị dành cho thiếu nhi. Việc chọn học tại các trung tâm văn hóa, năng khiếu ngoài giờ, TS Hương tư vấn, PH cần phải xem xét kỹ mục đích của trung tâm có phù hợp với yêu cầu của mình. Khi thấy mục đích phù hợp thì phải xem xét tiếp về phương pháp, trong đó phải đặc biệt chú ý đến yêu cầu: trẻ phải được vận động.

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI