Chuẩn bị cuộc di dời dân quy mô lớn ra khỏi kinh thành Huế

23/03/2019 - 11:30

PNO - Giai đoạn 1 (năm 2019-2021), có đến 2.938 hộ với gần 11.000 nhân khẩu phải di dời. Các hộ dân này đang sử dụng gần 40 ha đất di tích, 1.800 căn nhà cấp 3 và cấp 4 với diện tích phải giải tỏa lên đến 100.000 m2.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện khu vực 1 của kinh thành Huế có khoảng 4.200 hộ dân đang sinh sống, gây áp lực lớn đến hệ thống di sản Huế và cảnh quan đô thị. Việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực này sẽ được thực hiện qua 2 giai đoạn (2019-2021 và 2022-2025) với kinh phí 2.735 tỷ đồng. 

Chuan bi cuoc di doi dan quy mo lon ra khoi kinh thanh Hue
Từ lâu dọc khu vực kinh thành Huế tồn tại những căn nhà nhếch nhác do lịch sử để lại.

Ngoài ra, nguồn vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho khu tái định cư là 1.362 tỷ đồng. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trình đề án này đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan và nhận được sự ủng hộ cao.

Ngày 22/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có cuộc đối thoại và lắng nghe những đề xuất kiến nghị của người dân sinh sống lâu năm ở thượng thành và khu vực Eo Bầu. Trong năm 2019, tỉnh sẽ di dời và tái định cư 523 hộ dân ở khu vực thượng thành. Khu vực tái định cư với diện tích gần 10 ha sẽ được thực hiện giải phóng mặt bằng và khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật trước tháng 4 năm nay. Đến tháng 8/2019 sẽ bàn giao đất cho các hộ dân xây dựng nhà ở.

Ông Trần Văn Thê, trú ở kiệt 74, đường Ông Ích Khiêm, P.Thuận Thành, TP.Huế đề nghị chính quyền cần có sự công bằng, rõ ràng trong thực hiện chính sách đền bù. Gia đình ông Thê được cấp đất tại khu vực thượng thành từ năm 1984 với bút phê của chủ tịch phường Thuận Lộc thời kỳ đó rằng “cấp đất sau này không được đòi bồi thường giải tỏa”. Ông Thê thắc mắc gia đình ông và những trường hợp tương tự có được bồi thường tái định cư hay không. Trong khi đó, ông Nguyễn Lợi, ở số 15 kiệt 40, đường Xuân 68 nhận giấy thông báo thu hồi đất, nhưng lại ghi nhầm sang tên người khác.

Chuan bi cuoc di doi dan quy mo lon ra khoi kinh thanh Hue
Cư dân thượng thành có cuộc sống khó khăn bao năm nay.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế (đơn vị phụ trách đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án) cho biết hồ sơ kỹ thuật cụ thể về việc quy hoạch, di dời đã gửi đến từng hộ gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình đo đạc, có những sai số, người dân cần đến phường để điều chỉnh.

Theo ông Tuấn, người dân phải chứng minh được thời điểm ở của mình bằng những giấy từ như hộ khẩu, khai sinh, hóa đơn điện nước, thuế đất,… Trường hợp gia đình nhiều thế hệ cùng sinh sống đủ điều kiện tách hộ nhưng do nhà nước chưa cho tách thì vẫn được hỗ trợ. Việc kê khai khi thực hiện dự án luôn đảm bảo đúng chính sách, đúng chế độ, công khai và sẽ gửi về tận tổ dân phố. 

Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế đã khảo sát thực tế kỹ lưỡng để có những thống kê bước đầu chính xác nhất về hiện trạng dân cư. Giai đoạn 1 (năm 2019-2021), có đến 2.938 hộ với gần 11.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Trong đó gồm 1.532 hộ chính, 1.406 hộ phụ; hơn 240 hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Các hộ dân này đang sử dụng gần 40 ha đất di tích, 1.800 căn nhà cấp 3 và cấp 4 với diện tích phải giải tỏa lên đến 100.000 m2.

Chuan bi cuoc di doi dan quy mo lon ra khoi kinh thanh Hue
Đây được coi là cuộc di dời dân lịch sử ở Huế, trả lại vẻ đẹp trang nghiêm cho kinh thành Huế.

Ông Tuấn cho biết, nhằm đề xuất những chính sách đặc thù trong bồi thường, đơn vị đã thống kê số lượng các hộ dân đến sinh sống ở đây theo 4 giai đoạn: trước năm 1976, từ ngày 19/5 năm 1976 đến tháng 10/1993, từ năm 1993-2004 và sau năm 2004 đến nay. Dự kiến, tỉnh chọn khu vực phía bắc phường Hương Sơ - TP Huế rộng 73 ha, chia thành 3.526 lô (gồm 20% dự phòng), diện tích từ 60-200 m2/lô để phân cho các hộ dân.

Khu đất tái định cư nằm dọc tuyến đường quy hoạch rộng 60 m, ưu tiên phát triển các quỹ đất công cộng, dịch vụ, thương mại và một số công năng khác, dự trữ quỹ đất để kêu gọi đầu tư.

"Khu này cách điểm gần nhất kinh thành Huế khoảng 1,8 km, người dân sẽ dễ hòa nhập hơn sau khi đến ở. Mặt khác, sẽ tạo động lực thúc đẩy tiến trình đô thị hóa phát triển về phía bắc TP Huế, đồng thời kết nối với các khu vực khác, tạo nên bộ mặt đô thị sôi động trong tương lai. Với quy hoạch dự kiến như vậy, các hộ sẽ có tối thiểu một lô đất tái định cư trong giai đoạn đầu. Có hai phương án: bố trí đất hoặc xây nhà tái định cư, tùy theo nhu cầu và đối tượng ảnh hưởng", ông Tuấn thông tin.

Chuan bi cuoc di doi dan quy mo lon ra khoi kinh thanh Hue
Thế hệ thứ 4, thứ 5 của cư dân thượng thành sẽ có nơi ở mới khang trang, tốt đẹp hơn.

Đây là chủ trương lớn của tỉnh Thừa Thiên - Huế, tuy nhiên do gặp khó khăn lớn về tài chính, về các chính sách nên một thời gian dài địa phương này chưa thực hiện được. Tổng số hộ dân phải di dời là 4.200 hộ, trong đó tập trung di dời gần 2.900 hộ trong giai đoạn 2019-2021 với tổng kinh phí 1.880 tỷ đồng. Đợt 1 sẽ có 523 hộ thuộc khu vực 1 thượng thành sẽ di dời.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ với những khó khăn, bất cập trong sinh hoạt đời sống của người dân thượng thành, Eo Bầu. Ông Thọ nói việc di dời dân ở đây mang tính quốc gia, nhưng việc cân đối kinh phí gặp khó khăn.

“Với 1.880 tỷ cho 3 năm, kinh phí của tỉnh không đảm bảo được, do đó phải đề nghị trung ương hỗ trợ vốn, vay vốn. Đó là chưa kể phần hạ tầng cho các khu tái định cư cũng phải mất thêm vài trăm tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ mới hỗ trợ 100 tỷ đồng cho năm 2019 để đền bù, tái định cư cho 523 hộ thượng thành. Tỉnh phải vay kho bạc, chi ngân sách để đảm bảo cân đối số tiền ước chừng 250 tỷ đồng để di dời tổng số 523 hộ đợt đầu trong tháng 6/2019”, ông Thọ giải thích.

Chuan bi cuoc di doi dan quy mo lon ra khoi kinh thanh Hue
Giải phóng mặt bằng ở khu vực 1 kinh thành Huế nhằm đẩy nhanh công tác chỉnh trang đô thị di sản.

Công tác di dời dân trong khu vực 1 Kinh thành Huế lâu nay chậm trễ do nhiều nguyên nhân như: chưa có khung chính sách, do di cư, thiên tai bão lụt… Người dân sống trên thượng thành, Eo Bầu không có giấy tờ, vi phạm di tích… việc giải quyết gặp nhiều khó khăn.

Tất cả những vướng mắc về pháp luật, đất đai của người dân sẽ được giải quyết theo chính sách. “Tỉnh đang huy động mọi nguồn lực để xin Chính phủ có cơ chế chính sách thuận lợi nhất, ưu đãi nhất cho người dân, để bà con khi dời đến khu tái định cư được thuận lợi nhất, có nơi ở tốt nhất. Đó là sự cấp thiết, cần thiết mà Thừa Thiên - Huế phải làm”, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI