Chuẩn bị cho tuổi già

23/09/2020 - 11:30

PNO - Tôi cũng nghe nhiều lời khuyên lắm, nào là không nên cho con hết tài sản, không ở chung, không trông cháu… Nghe thấy buồn chị ạ. Người thân mà tự dưng… đề phòng nhau quá.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tôi không cần phê phán thêm những cảnh đáng sợ khi con cái hành hung cả mẹ già trong cái clip mà mọi người bàn tán chê trách khắp nơi. Ai cũng ghê sợ sự bất hiếu của người con. Không dừng ở phân tích đạo lý nữa, mà cô con gái ấy sẽ chịu sự trừng phạt của pháp luật vì ngược đãi cha mẹ.

Nhưng tôi thấy nhiều người lo lắng cho mình. Không biết chuẩn bị thế nào cho đủ. Nhiều người để tài sản cho con cũng đâu được yên. Có khi chúng còn tranh chấp so bì, gây sóng gió trong gia đình. Mà không có gì cho con thì chúng trách móc, than thân trách phận, cha mẹ “chẳng cho gì”. Đằng nào cũng khổ.

Tôi cũng nghe nhiều lời khuyên lắm, nào là không nên cho con hết tài sản, không ở chung, không trông cháu… Nghe thấy buồn chị ạ. Người thân mà tự dưng… đề phòng nhau quá.

Tôi có những đứa con ngoan và thương yêu cha mẹ. Nhưng thấy cảnh đời (khá phổ biến đó - chị đừng nói là hy hữu nhé) nên cũng lo. Sau này mình già yếu, con nó không còn sức chịu đựng thì sao, có nên dành chút tiền đặng về già vô nhà dưỡng lão không thưa chị?

Phạm Thị Quỳnh (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thưa bác Quỳnh,

Rất thấu hiểu nỗi lo của bác, vì mọi người vừa mới bàng hoàng xem cái clip con gái 60 tuổi đánh mẹ già 88 tuổi. Thật ra đó cũng là câu chuyện cá biệt thôi. Tôi đi chợ nghe loáng thoáng là biết các bà tiểu thương nói về chuyện gì rồi. “Chuyện năm trước đấy, chứ bà cụ mất rồi”, “Không biết mất vì bệnh hay vì trận đòn của con?”, “Giờ thì ân hận kiểu gì cho lại đây?”, “Mà sao nghe nói đứa cháu ngoại nó quay clip”…

Tuy chuyện ấy quá sức tưởng tượng và nhẫn tâm về mức độ, nhưng hiện tượng ngược đãi cha mẹ cũng như cha mẹ ngược đãi con cái đủ kiểu nặng nhẹ thì vẫn thường nghe và đọc trên báo chứ không hiếm.

Vì thế ta không cần bàn thêm về đạo lý hay nghĩa vụ mà ai cũng biết rồi. Ở đây ta chỉ nghĩ cách nào áp dụng cho trường hợp cụ thể của mình, để đừng xảy ra chuyện đau lòng như vậy.

Người già sẽ kèm theo nhiều suy yếu về sức khỏe. Thôi không tính những đứa con bất nhân, chỉ nói chuyện thường tình trong cuộc sống. Con cái phải hầu hạ quá sức chúng cũng căng thẳng, thiếu gì chuyện nó càu nhàu hay quát mắng vì “thói tật khó tính” của người già. Chuyện ấy cũng hay xảy ra ngay với những đứa con thương cha mẹ.

Vì thế, ta phải “chuẩn bị cho tuổi già” tùy theo hoàn cảnh cụ thể của mình. Giữ gìn sức khỏe “giùm con”. Vì có nhiều cảnh cha mẹ nằm viện con cháu thay nhau trực, ăn ngủ ngoài hành lang vất vả lắm, đuối lắm. Nhiều người già muốn dặn con, nếu có gì rủi cũng đừng “cứu” tới cùng, đừng bắt mổ xẻ đeo ống dây nhợ, để “đi” cho thanh thản. Nghe thấy “kinh” nhưng đó cũng là sự tính toán của một số người.

Già là quy luật, nó sẽ đến, và chả ai muốn đau ốm, càng không ai muốn phiền con. Cho nên xã hội có cách tổ chức, ngay các nước phát triển cũng nghĩ ra mô hình dưỡng lão để giải quyết giúp cả người già và con cháu. Người ta còn đang tìm thêm mô hình tốt hơn, bằng cách không bắt người già phải rời nơi ở quen thuộc của mình để vào sống tập trung trong viện dưỡng lão. Họ cứ sống nơi thân thuộc giữa cộng đồng, hằng ngày có các tổ chức y tế hoặc xã hội đến chăm sóc.

Chúng ta hy vọng tương lai, tổ chức đời sống sẽ văn minh hơn. Trong khi chờ đợi ngày đó, ta tự chuẩn bị cho phù hợp: giữ sức khỏe, bớt khó tính, thích nghi với hoàn cảnh và được sống giữa tình cảm tốt vì truyền thống tốt của gia đình. Nếu viện dưỡng lão tốt, có điều kiện, thì vào đó ở cũng là giải pháp, bây giờ xã hội cũng hiểu biết hơn. Nếu cha mẹ ở dưỡng lão thấy vui, khỏe, ổn, vẫn có con cháu lui tới chăm nom, thì không ai nỡ chê trách.

Hãy tùy hoàn cảnh của mình, bác nhé. Chỉ ít dòng tâm sự để bác yên lòng. Nếu nếp nhà xưa nay đạo đức thuận hòa thì không quá lo, phải không thưa bác?

Kính chúc bác sức khỏe và nhiều niềm vui bên con cháu.

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI