Chuẩn bị cho ngày vận hành “thành phố trong thành phố”

29/12/2020 - 06:54

PNO - Ngày 31/12, Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM sẽ tổ chức lễ công bố Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP. Thủ Đức. Hiện tại, chính quyền các quận sáp nhập 2, 9, Thủ Đức đang tích cực giải quyết những vấn đề tồn đọng để ngày 1/3/2021, TP. Thủ Đức chính thức vận hành.

Tập trung giải quyết vướng mắc

Cuối tuần qua, đoàn lãnh đạo TPHCM do Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đã có các buổi làm việc với lãnh đạo quận ủy các quận 2, 9, Thủ Đức về quá trình chuẩn bị cho việc sáp nhập ba quận thành TP. Thủ Đức (từ ngày 1/1-1/3/2021). 

Lãnh đạo Quận ủy quận Thủ Đức cho hay, quận đã và đang tập trung rà soát mọi lĩnh vực, trong đó có tài sản công, để bàn giao cho chính quyền thành phố mới. Tuy nhiên, hiện quận vẫn còn một số dự án kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân như dự án Ga Bình Triệu, dự án khu dân cư Đại học Quốc gia TPHCM, khu công viên văn hóa, thể dục, thể thao - công viên cây xanh - hồ điều tiết, các dự án kết nối giao thông như Vành đai 2, Quốc lộ 13 cũ. 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu trong chuyến làm việc chuẩn bị cho việc vận hành TP.Thủ Đức
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu trong chuyến làm việc chuẩn bị cho việc vận hành TP. Thủ Đức

“Có hàng ngàn hộ dân bị các dự án gây ảnh hưởng, do đó quận ủy xác định khả năng khiếu nại sẽ kéo dài” - ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức cho hay. Quận có quy hoạch 1/2.000 nhưng nhiều đồ án chưa có quy hoạch 1/500 và gắn với quy hoạch chung của thành phố nên chưa thể hoàn thiện quy hoạch và khó đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Ông Trương Trung Kiên - Chủ tịch UBND quận Thủ Đức - cho biết quận xác định rõ những công việc cụ thể cho quá trình bàn giao. Thế nhưng, qua rà soát, phân loại đất công, có nơi đầy đủ hồ sơ pháp lý nhưng cũng có nơi cần phải đo đạc, kiểm đếm lại. quận Thủ Đức có 190.000 thửa đất nhưng số liệu chỉ xác định được hơn 100.000 thửa, còn lại trong tình trạng bị chồng ranh hoặc số liệu không chính xác; điều này có thể dẫn đến việc khiếu nại về ranh đất trong dân khi sáp nhập. Quận vẫn thường xảy ra ngập nước, hạ tầng giao thông chưa đảm bảo. 

Đại diện Quận ủy, UBND quận 9 cũng bày tỏ khó khăn về việc số hồ sơ hành chính cần xử lý tăng đột biến, số đơn thư khiếu nại tại các dự án lớn vẫn còn nhiều. Các dự án còn tồn đơn thư khiếu nại gồm dự án khu công nghệ cao, dự án chỉnh trang đô thị, dự án tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ, dự án Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc… Đại diện Quận ủy, UBND quận 2 cho biết, vẫn chưa giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng liên quan khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trao đổi với lãnh đạo các quận, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, cập nhật quy hoạch chung của TPHCM, các quận cần xem cái nào mang tính ổn định thì lập ngay kế hoạch để thu hút đầu tư, kích hoạt hoạt động kinh tế. Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm hạn chế tối đa tình trạng xây dựng sai phép, không phép để làm giảm những rắc rối liên quan. 

Theo ông Nguyễn Thành Phong, UBND TPHCM sẽ cùng với từng quận tập trung giải quyết các vướng mắc liên quan đến khiếu nại của người dân cũng như tháo gỡ những tồn đọng liên quan đến việc triển khai các dự án tại các quận. “Làm gì thì làm, cũng phải giải quyết cho dân, để người dân thấy có TP. Thủ Đức là có sự chuyển động của chính quyền trong việc chăm lo lợi ích cho dân” - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, khi thành lập, TP. Thủ Đức - “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước - tạm thời sử dụng cơ sở vật chất hiện có, không xây mới trụ sở hành chính mà tập trung triển khai các chương trình, dự án trọng điểm. Trong ngày 28/12, UBND TPHCM sẽ họp các đơn vị liên quan nhằm xác định các đầu việc cụ thể cần thực hiện ngay sau lễ công bố Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như lộ trình sắp xếp, tổ chức bộ máy, kế hoạch đầu tư tại TP. Thủ Đức.

Bảo đảm tối đa lợi ích người dân

Dự kiến, sau khi thành lập, TP. Thủ Đức có 399 cán bộ, công chức, viên chức dôi dư từ ba quận 2, 9, Thủ Đức. Lãnh đạo ba quận cho biết, số này đang rất tâm tư. Trong khi đó, người dân, doanh nghiệp cũng băn khoăn về việc chuyển đổi, điều chỉnh các loại giấy tờ, hồ sơ cá nhân. 

Đối với tâm tư người lao động (bị dôi dư), ông Nguyễn Thành Phong thông tin, sẽ thông qua các giải pháp như xem xét, bố trí, điều động về công tác tại các tổ chức, đơn vị thuộc TP. Thủ Đức hoặc sang quận, huyện khác và các sở, ngành của TPHCM; thực hiện chính sách tinh giản biên chế, giải quyết chế độ nghỉ hưu, thôi việc; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm theo Nghị định số 26/2015 của Chính phủ. Ông Phong hứa, việc sắp xếp này sẽ rất hợp tình hợp lý, đảm bảo được lợi ích cho người lao động.

TP.Thủ Đức được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh và bền vững
TP. Thủ Đức được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh và bền vững

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc thành lập TP. Thủ Đức là vì sự phát triển, phải chấp nhận chia tay cái cũ. Ông nêu mong muốn, mỗi cán bộ, công chức, viên chức hãy vì tương lai, sự phát triển của TP. Thủ Đức, của TPHCM và cả nước. 

Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, bộ máy chính quyền TP. Thủ Đức phải đi vào hoạt động từ 1/3/2021. Trong thời gian chuyển tiếp này, HĐND TPHCM sẽ ban hành nghị quyết triệu tập kỳ họp để bầu HĐND TP. Thủ Đức để hội đồng này bầu các chức danh chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên UBND TP. Thủ Đức. 

Theo Sở Nội vụ TPHCM, trong thời gian chuyển tiếp, các cơ quan hành chính của ba quận 2, 9, Thủ Đức và 19 phường trong diện sắp xếp tại các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận vẫn giải quyết thủ tục bình thường cho người dân, doanh nghiệp. Từ ngày 1/3, khi chính thức đi vào hoạt động, UBND TP. Thủ Đức và chín phường mới thuộc TP. Thủ Đức sẽ chính thức giải quyết thủ tục, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách liên tục. 

Chiều 26/12, UBND đã cùng Bộ Nội vụ trình Bộ Tư pháp thông qua nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị, trong đó có một chương về TP.Thủ Đức để làm cơ sở triển khai cho các quận thực hiện việc sáp nhập trước ngày 1/1/2021. Sau đó, UBND TPHCM sẽ triển khai, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cùng các công việc liên quan trước ngày 1/3/2021. UBND TPHCM sẽ lập một tổ chuyên xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển giao, chuyển tiếp, bảo đảm an ninh chính trị trước và sau khi TP.Thủ Đức vận hành. Hiện UBND TPHCM đang kiến nghị Bộ Nội vụ cho phép TP.Thủ Đức thành lập Phòng Khoa học Công nghệ nhằm đáp ứng tiềm năng và định hướng phát triển của TP. Thủ Đức.

Tại các phiên làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu, khi tinh gọn bộ máy, cần đặc biệt lưu ý đến lợi ích của người dân. Ông đề nghị không thu phí đối với việc thay đổi bảng tên, biển hiệu hay chuyển đổi, điều chỉnh giấy tờ. Trước đó, ông Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản khẩn gửi các đơn vị về phương án, tiến độ giải quyết thủ tục, hồ sơ liên quan đến tổ chức, cá nhân tại các phường và TP. Thủ Đức theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, ông Phong giao thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ đề xuất phương án, tiến độ giải quyết thủ tục, hồ sơ đảm bảo liên tục, thông suốt, hiệu quả, ổn định trong giai đoạn hiện nay và sau khi thành lập TP. Thủ Đức.

 

Tuyết Dân

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI