Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang

02/08/2013 - 20:21

PNO - PN - Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM là ngôi chùa đẹp, nổi tiếng, có kiến trúc hài hòa, hiện đại, được xây dựng vào khoảng 1970. Nhưng có một ngôi chùa khác cũng có tên Vĩnh Nghiêm ở miền Bắc được xây dựng từ gần bảy thế kỷ trước. Từ Hà Nội theo Quốc lộ 1 lên phía Bắc, đi qua thành phố Bắc Giang, rẽ phải chừng 10km về huyện Yên Dũng, sẽ thấy bảng chỉ đường vào chùa Vĩnh Nghiêm, thôn Đức La, xã Trí Yên. Quần thể chùa hiền hòa giữa thôn làng trù phú ven dòng Lục Nam uốn lượn.

Nhiều năm trước, mỗi khi có những trận lụt lớn ngập hết các cánh đồng, muốn vào viếng chùa có khi phải đi thuyền. Nay đã có đường bê tông dẫn vào chùa nên đi lại thuận tiện hơn.

Chua Vinh Nghiem - Bac Giang

Sân chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang

Cổng tam quan xây sửa lại theo đúng nguyên mẫu xưa, có hình khối vuông vức đầy đặn, thật lạ mắt so với hầu hết tam quan các chùa chúng tôi từng ghé thăm. Màu gạch trần đỏ hồng và hai tầng mái với các đầu đao cong vút điển hình tạo điểm nhấn dẫn vào một khu thờ tự rộng lớn cách đó chừng 100m.

Quần thể chùa có bảy khối kiến trúc hoàn chỉnh trên diện tích 1ha, là khuôn mẫu chùa truyền thống sau này được lặp lại ở chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM). Phù hợp với cảnh quan thôn làng Bắc bộ, ở đây từ tiền đường, thượng điện, nhà tổ đều là những ngôi nhà thấp, chân cột và phần quanh nền bằng đá xanh vững chãi, cho đến ngay cả gác chuông hai tầng tám mái cũng không xây cao. Hầu hết đường nét nghệ thuật trong kiến trúc chùa đều còn lại từ thời Lê-Nguyễn. Những quả chuông gió nhẹ nhàng đung đưa trên các góc đầu đao cong vút tô điểm cho khuôn viên cảm giác thanh thản nơi cửa thiền.

Chua Vinh Nghiem - Bac Giang

Nhà tổ và gác chuông

Chùa Vĩnh Nghiêm cũng là nơi tàng trữ các bộ ván gỗ dùng khắc in kinh Phật với số lượng khổng lồ. Hiện nay, kho mộc bản lưu giữ được 34 đầu sách với 3.050 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt hai trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Nôm, chữ Hán. Các bản mộc thư chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển thiền phái Trúc Lâm, trước tác của Tam tổ thiền sư là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng. Đặc biệt có một số bản khắc giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc Nam, cách châm cứu với sơ đồ chỉ dẫn các huyệt rõ ràng. Năm 2012, toàn bộ mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với các bộ tượng Phật, Hộ pháp, La hán, còn có các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc hoa lá, chim muông, họa tiết tinh vi, mềm mại...

Chua Vinh Nghiem - Bac Giang

Tranh khắc cổ ( trích đoạn )

Đứng trước sân chùa Vĩnh Nghiêm có thể nhìn thấy màu xanh đậm của dãy núi Yên Tử, đường chim bay chỉ vài chục cây số. Bảy trăm năm trước, chính đức vua Trần Nhân Tông - ông tổ thiền phái Trúc Lâm - đã từ Yên Tử về đây trụ trì và cùng các thiền sư Pháp Loa, Huyền Quang mở trường thuyết pháp, đào tạo tăng đồ tại đây.

Bài & ảnh: Nguyễn Việt Bắc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI