Chưa từng mặc áo cưới, vẫn trọn nghĩa con dâu

06/09/2019 - 11:30

PNO - Mợ Hai quá trẻ khi cậu tôi mất. Vậy mà mợ cứ đi về giữa hai nhà mà không có một danh phận. Người ngoài thì ngầm hiểu mợ là con dâu “hụt” của nhà ngoại.

Năm nào đến ngày giỗ cậu, dù chuẩn bị đã xong ngoại vẫn chưa thắp hương mà luôn đợi đến lúc mợ về. Chúng tôi gọi mợ là “mợ Hai” dù giữa cậu và mợ chưa có một lễ cưới và mợ cũng đã có một gia đình riêng.

Đến khi xong việc, ngoại lại tất tưởi gói ghém quà cho mợ còn bịn rịn lưu luyến dặn đi dặn lại: “Lúc nào rảnh thì về thăm má nghe con”. Mấy mợ khác đôi lúc nửa thật nửa đùa với ngoại: “Coi bộ má thương con dâu ‘hụt’ hơn tụi con à nghen” làm ngoại móm mém tiếc rẻ: “Phải chi thằng Hai còn sống thì chúng nó đã được trọn vẹn rồi”.

Chua tung mac ao cuoi, van tron nghia con dau
Mẹ chồng thương con dâu "hụt". Ảnh minh hoạ

Cậu mợ Hai quen nhau từ năm 18 tuổi, trước khi cậu Hai lên đường nhập ngũ chừng một năm. Hai người đã hứa hẹn thề thốt, ông bà ngoại cũng đã đi “bỏ trầu” ở nhà gái để đặt cọc. Cậu Hai đi bộ đội, mợ ở nhà quán xuyến cả hai nhà, phụ ngoại chăm sóc mấy đứa em.

Mẹ tôi kể, mấy dì mấy cậu đều được mợ Hai ẵm bồng, tắm rửa, cho ăn còn may quần áo cho đi học. Mợ Hai chẳng khác gì người trong nhà, ông bà ngoại quý nàng dâu lắm. Nhưng rồi cậu Hai hy sinh ở chiến trường sau hai năm nhập ngũ, giấy báo tử gửi về, mợ Hai khóc hết nước mắt.

Mợ nhất quyết dọn đồ sang nhà ngoại ở để trọn đạo nghĩa vợ thờ chồng, nhưng ông bà ngoại không đồng ý. Dù sao giữa hai nhà mới đặt vấn đề đi lại tìm hiểu chứ chưa làm thủ tục cưới xin. Mợ Hai  quá trẻ để khoác bộ đồ tang khi còn cả tương lai phía trước.

Bởi thế, mợ cứ đi về giữa hai nhà mà không có một danh phận, còn người ngoài thầm hiểu mợ là nàng dâu “hụt” của nhà ngoại.

Cậu Hai hy sinh hai năm thì đất nước giải phóng, hoà bình lập lại, dù mẹ giục lấy chồng, mợ vẫn kiên quyết ở vậy. Đến khi mãn tang cậu Hai, ông bà ngoại tôi khuyên răn đủ điều, mợ mới đồng ý nhận lời người đã theo đuổi mợ từ lâu.

Đám cưới mợ thật đặc biệt khi ông ngoại tôi đứng ra thay mặt gia đình để gả chồng cho mợ, bởi ba của mợ đã mất từ lâu. Có gia đình rồi, mợ vẫn lui tới thăm nom nhà ngoại tôi đều đặn. Nhưng rồi, cuộc hôn nhân của mợ không hạnh phúc, ông bà ngoại hối hận vì đã giục mợ đi lấy chồng. Chồng mợ, tuy không nói ra, nhưng vẫn “ghen ngầm” với người đã khuất, dằn vặt mợ đủ điều.

Chua tung mac ao cuoi, van tron nghia con dau
Trên đời, có những mối thâm tình không thể lý giải được. Ảnh minh hoạ

Về sau, ngoại sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, khuyên mợ hạn chế về nên thưa thớt dần đến bây giờ thì mợ chỉ về vào ngày giỗ cậu. Nhưng không phải vì thế mà tình cảm của ông bà ngoại dành cho mợ phai nhạt. Ông bà vẫn dõi theo mợ từng bước từ lúc sinh con, nuôi con đến chuyện dựng vợ gả chồng cho các cháu không khác gì con gái ruột.

Ngày mợ sinh con đầu lòng, mẹ ruột ốm liệt giường không chăm được, bà ngoại tôi đã qua nhà nuôi mợ ở cữ hết ba tháng mười ngày. Khi nghe tin ông bà tôi đau bệnh, dù bận đến đâu mợ cũng là người có mặt đầu tiên.

Mối thâm tình hơn ba mươi năm đến bây giờ vẫn vẹn nguyên dù giữa nhà ngoại tôi và mợ không có một mối ràng buộc nào. Mợ Hai chưa từng khoác áo cô dâu, chưa từng được ông bà ngoại rước về trong một lễ cưới chính thức, nhưng đối với ông bà tôi, mợ chẳng khác gì một cô con dâu thực sự. Giữa cuộc sống xô bồ, thứ tình cảm được gắn kết tự nhiên ấy giúp cho chúng tôi tin vào những điều kỳ diệu ở trên đời.

                                                                                                                          Hà An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI