Chưa thể kết luận có việc “chạy” chính sách

21/08/2013 - 00:06

PNO - PN - Ngày 20/8, tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về hàng loạt...

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) hỏi thẳng: “Có hay không tình trạng “tham nhũng chính sách”, nói cách khác là việc “cài cắm” lợi ích của ngành, của một nhóm lợi ích cục bộ vào các văn bản quy phạm pháp luật?”. ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) tiếp: “Có tình trạng “chạy” cơ chế, chính sách để thu lợi cá nhân, làm thất thoát tài sản Nhà nước hay không?”.

Nhìn nhận nghiêm túc vấn đề, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, hiện nay, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ là đầy đủ và chặt chẽ, song đối với thông tư và thông tư liên tịch thì chưa có cơ chế kiểm soát. “Chính phủ đã nhận ra khoảng trống này và sắp tới sẽ nghiên cứu để “phủ” nốt. Tuy nhiên, với một số lĩnh vực chuyên sâu như kinh doanh vàng, kinh doanh xăng dầu, giá than, giá điện... cần lộ trình, bước đi thích hợp nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát... thì Bộ Tư pháp qua kiểm tra cũng rất khó bình luận. Không thể loại trừ hoàn toàn việc có những quy định sơ hở”. Về chuyện chạy chính sách, Bộ trưởng nói: “Việc này ở các nước khác là phổ biến nhưng ở ta là hạn hữu và rất khó. Nhìn chung, chạy chính sách ở ta không phù hợp. Dư luận cũng có nêu ý kiến này khác song thực chất có chạy hay không thì chưa thể kết luận...”.

Nêu ra hàng loạt văn bản gây phản ứng trong xã hội thời gian qua, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề cập trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc để “lọt lưới” các văn bản “trên trời” này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời: “Đúng là có những quy định không phù hợp thực tế. Chính phủ đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh, Bộ Tư pháp cũng sẽ nỗ lực hơn nữa, đặc biệt chú trọng tính khả thi và hợp lý của văn bản”.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT, ĐB Hà Sơn Nhin (Trưởng đoàn ĐBQH Gia Lai) hỏi: “Hơn 50% tổng số (950) giấy phép khai thác khoáng sản có vi phạm, trách nhiệm của ai?”, ĐB Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trăn trở về tình trạng khoáng sản xuất lậu ra nước ngoài... Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận, tình hình quản lý khoáng sản nhìn chung còn phức tạp. Có hàng trăm giấy phép khai thác khoáng sản vi phạm các quy định pháp luật, với nhiều dạng sai phạm khác nhau. Bộ TN-MT đã kiến nghị xử lý và Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các tỉnh khắc phục, báo cáo kết quả xử lý trước ngày 30/11/2013. Đặc biệt, việc khai thác, xuất khẩu cát sỏi lòng sông, có hơn 30 địa phương để xảy ra sai phạm. Bộ trưởng khuyến nghị: “Các địa phương cần hết sức kiềm chế, càng đào bới nhiều ở những khu vực nhỏ lẻ bao nhiêu thì ngân sách không thu được là bao, mà người dân thì rất khổ, lợi bất cập hại”.

 PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI