Chưa thể dùng luật để giải quyết tranh chấp tại các chung cư

15/03/2019 - 18:15

PNO - Các quy định pháp luật hiện nay còn lỏng lẻo, chồng chéo, mức chế tài chưa đủ sức răn đe đối với chủ đầu tư, ban quản trị (BQT) khi họ có hành vi sai trái.

Tại hội nghị chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về nhà chung cư trên địa bàn TP.HCM” do Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức chiều 14/3, sở này cho biết, việc quản lý, vận hành nhà chung cư tại TP.HCM hiện nay rất phức tạp.

Tại các chung cư, liên tục xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với BQT, giữa cư dân với chủ đầu tư, giữa cư dân với BQT chung cư; tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng chung, riêng; thường xuyên xảy ra khiếu nại trong việc bầu BQT; công tác phòng cháy chữa cháy không đảm bảo; kinh phí bảo trì, quản lý vận hành đối với chung cư thuộc sở hữu nhà nước còn nhiều vướng mắc, phức tạp… 

TP.HCM hiện có 44 chung cư đang xảy ra tranh chấp, trong đó có 31 chung cư tranh chấp gay gắt liên quan đến nhiều vấn đề.

Tại chung cư Bình Minh (P.Bình An, Q.2), chủ đầu tư chưa bàn giao 2% phí bảo trì, chưa cấp giấy chứng nhận chủ quyền 63 căn hộ, cắt xén tiện ích đi kèm.

Tại chung cư PetroLand (P.Bình Trưng Đông, Q.2), do chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và Đô thị dầu khí không lập tài khoản riêng để quản lý phí bảo trì, chậm trễ quyết toán kinh phí bảo trì.

Tại chung cư Khánh Hội 2 (P.1, Q.4), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội chưa bàn giao phí bảo trì, sử dụng phí bảo trì không đúng quy định, chưa xác định phần sở hữu chung, riêng.

Tại chung cư 86 Tản Đà (Q.5), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Địa ốc Việt Chi Hưng sử dụng sai công năng tầng hầm, sử dụng lối thoát hiểm, hành lang an toàn phòng cháy, chữa cháy làm nơi để xe.

Tại cao ốc Phú Hoàng Anh (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè), xảy ra tranh chấp về diện tích để xe tại tầng hầm, bàn giao phí bảo trì 2%, phần diện tích sở hữu chung...

Nguyên nhân chính của những tranh chấp này là do các cơ quan nhà nước chuyên ngành và chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt công tác quản lý, chưa ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Đặc biệt, các quy định pháp luật hiện nay còn lỏng lẻo, chồng chéo, mức chế tài chưa đủ sức răn đe đối với chủ đầu tư, BQT khi họ có hành vi sai trái. Dù 3 năm trước, đã có quy định cho phép cưỡng chế nếu chủ đầu tư không nộp phí bảo trì nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được, do chưa có quy trình định giá, phát mãi tài sản. 

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI