Chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

01/08/2013 - 22:47

PNO - PN - Sau khi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lên tiếng đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, 17 giờ chiều ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trao đổi với các phóng viên về việc có nên...

* Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã lên tiếng đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Quan điểm Bộ GD-ĐT về việc này như thế nào, đó là một ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước hay là một góp ý cho Bộ GD-ĐT?

- Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đây không phải là ý kiến chỉ đạo.

Thi tốt nghiệp THPT và thi - kiểm tra đánh giá nói chung trong trường phổ thông là một trong những mắt xích quan trọng của quá trình dạy học, nó tác động lớn đến việc dạy và học cũng như liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của nhiều đối tượng. Thi tốt nghiệp không chỉ xác nhận trình độ, năng lực có đạt được yêu cầu tốt nghiệp THPT hay không mà còn khuyến khích, tạo động lực cho người học, cung cấp cho giáo viên, nhà quản lý những thông tin phản hồi hữu ích để điều chỉnh quá trình dạy và học. Đây là kỳ thi cần thiết dù số thí sinh trượt tốt nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Tất nhiên thời gian qua một số yêu cầu của kỳ thi vẫn chưa đạt được.

Chua the bo ky thi tot nghiep THPT

* Vì sao, thưa ông?

- Việc cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT thế nào cho gọn nhẹ, hiệu quả mà vẫn đạt được mục tiêu và yêu cầu của việc kiểm tra, đánh giá, thi cử là rất khó, không thể giải quyết một cách căn bản toàn diện trong một sớm một chiều. Vấn đề này cần giải quyết một cách đồng bộ với các yếu tố cơ bản khác của chương trình giáo dục như mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học. Nếu không cải tiến chương trình, phương pháp dạy học thì không thể cải tiến thi cử được.

* Vậy quan điểm của Bộ GD-ĐT như thế nào trước đề nghị bỏ kỳ thi này?

- Ở Việt Nam, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ tương đồng với nhau, lại tổ chức rất gần nhau nên gây ra nhiều khó khăn, dẫn đến bức xúc của xã hội. Tôi cho là nhất định phải giải quyết việc này, nhưng không thể không quản lý được thì bỏ. Nghĩ cách bỏ thì rất đơn giản, nhưng vấn đề ở đây là cái gì chưa tốt thì mình phải làm cho nó tốt hơn, bỏ kỳ thi này không phải là cách để giải quyết.

Điều mà chúng tôi mong muốn và giải quyết đồng bộ thi tốt nghiệp với tuyển sinh. Thi vừa là giải pháp để công nhận tốt nghiệp, vừa là giải pháp để tuyển sinh.

* Có ý kiến cho rằng Bộ nên chuẩn bị tốt ngân hàng câu hỏi và phân cấp tổ chức cho các sở GD-ĐT để kỳ thi gọn nhẹ hơn, ông nghĩ sao?

- Bây giờ mà giao cho các địa phương thì chúng tôi chưa yên tâm vì việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi chưa tốt lắm. Chưa tin được.

Thực tế hiện Bộ GD-ĐT chỉ làm mỗi việc ra đề, các khâu khác đều đã phân cấp cho các địa phương làm hết. Từ nay đến khi có phương án mới vẫn phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, tất nhiên là có cải tiến để tốt hơn.

Tôi cũng nói thêm là nếu xã hội không còn quan niệm coi trọng bằng cấp mà coi trọng năng lực thật thì việc thi cử không còn nặng nề. Bây giờ vẫn còn rất nặng nề chuyện bằng cấp, không tổ chức thi thì tính tự giác chưa cao, chất lượng sẽ đi xuống. Giả dụ nếu xét tuyển tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 98%, thi tốt nghiệp cũng 98% nhưng 98% học sinh đỗ tốt nghiệp ấy chất lượng sẽ tốt hơn hẳn xét tuyển.

 DUNG NHI (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI