Chữa tật “thích là lấy”

30/11/2021 - 17:37

PNO - “Cứ chiều con, sẽ tạo thói quen thích gì được nấy, rồi lớn lên sinh tính tắt mắt, thấy cái gì thích là cầm về”. Vợ nói thế, và tôi phải nghe.

Bé gái nhà tôi mới hơn hai tuổi, nhưng đã biết khá nhiều điều. Ví dụ như thấy khách quen hay ông bà ngoại tới nhà thì biết chạy ra đón, miệng chào, tay dắt khách vào bàn uống nước. Khi khách về, con biết giơ tay chào tạm biệt “bái bai”. Ai cho gì, con biết nói cám ơn. Bố mẹ có vẻ mệt mỏi là tới hỏi thăm: “Bố, mẹ có ổn không?”. Nói chung bé rất ngoan ngoãn, trừ một tính không đẹp là hay đòi bằng được những gì mình muốn. 

Đi sang nhà hàng xóm, thấy đồ chơi đẹp của bạn là con đòi lấy mang về. Lúc đầu con khóc, cầm chơi rồi không chịu trả, dù mẹ bé kiên nhẫn trong việc giải thích với con, rằng đây là đồ chơi của bạn. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Có lần bé lăn khóc “ăn vạ”, mẹ phải nói với bạn tạm đưa đồ chơi cho bé. Tuy nhiên, trước khi về nhà, mẹ nhắc đi nhắc lại điều kiện “chơi xong phải mang trả” rồi mới cho mang đồ chơi về. Hôm sau, mẹ đưa bé cùng món đồ chơi qua hàng xóm trả rồi nói lời cảm ơn. Tuy nhiên, con nít mau quên, lần khác thấy đồ chơi của bạn, con vẫn lấy giấu đi, lén mang về nhà. Bố mẹ lại phải dành thời gian giải thích, rằng lấy đồ của bạn là xấu lắm, các bạn sẽ chê cười không chơi với con nữa.

Cũng phải khá lâu, bằng lời lẽ và bằng hành vi “cưỡng chế” của ba mẹ, bé mới chịu trả đồ chơi cho bạn. 

Khi bận công việc, vợ chồng tôi thường gửi bé cho bà ngoại ở cách nhà khoảng 200m. Nhà bà ngoại có một bầy chó con, con gái tôi sang nhà ngoại say sưa chơi với đám chó con, có khi không chịu về. Một lần, bà ngoại tranh thủ nấu cơm, lúc sau thấy im lặng quá, bà bước ra sân, tá hỏa vì không thấy cháu đâu, liền hớt hải đi tìm. 

Ở nhà vợ tôi đang giặt đồ, cũng hốt hoảng khi thấy con gái về một mình, tay ôm chú chó nhỏ, miệng bi bô: “Em dễ thương! Em dễ thương!”.

Đó là chú chó trong bầy chó con nhà bà ngoại. Bà ngoại thấy cháu giữ chặt chú chó, kêu khóc lăn lộn không cho mẹ bắt đi, nên mềm lòng nói: “Cứ để cho cháu chơi”. Nhưng chơi với chó rất nguy hiểm, vì nguy cơ bị ve chó cắn hoặc khi chó bị chọc ghẹo nhiều quá sẽ “quạu” và cắn bé. 

Con gái mang chó con trả lại cho chó mẹ
Con gái tôi mang chó con trả lại cho chó mẹ

 

Vợ tôi hết sức dỗ dành, rằng bạn chó đang đói, rất thèm bú mẹ, các anh chị chó cũng rất nhớ em, nên cần phải đưa bạn chó trở lại nhà ngoại. 

Chúng ta đừng nghĩ con nít hai tuổi không biết gì. Bé lắng nghe những lời giải thích nếu người lớn kiên nhẫn. Như vụ bắt trộm chó của bà ngoại, sau khi nghe mẹ giảng giải một hồi, bé đã ôm chó cùng mẹ sang nhà ngoại trả cho chó mẹ và an ủi. “Em bú mẹ đi! Bú đi!”.

Sau này, còn xảy ra mấy vụ “trộm thú” nữa. như vụ bé qua chơi nhà dì Ba. Làm quen với con mèo tam thể nhỏ, vuốt ve, ẵm nó lên lòng, rồi khi về con tôi nhất định ôm mèo theo. Mẹ bé thấy con không thả mèo thì nói: “Em mèo còn nhỏ, cần phải được chích ngừa. Để dì Ba đưa mèo đi bác sĩ, rồi lại cho con chơi với mèo nhé”. Ở nhà con tôi thường chơi trò khám bệnh, chích thuốc cho búp bê, nên bé nghe lời ngay, trả mèo con cho dì.

Tôi thường không chịu nổi sự la khóc của con, nên mỗi khi thấy bé đòi thứ gì là vội đáp ứng, kể cả việc sang nhà hàng xóm mượn món đồ chơi con ưa thích. Nhưng bà xã tôi cứng rắn hơn. Mẹ bé  luôn tìm cách giải quyết theo hướng giúp con tự nguyện trả lại đồ cho bạn. “Cứ chiều con, sẽ tạo thói quen thích gì được nấy, rồi lớn lên sinh tính tắt mắt, thấy cái gì thích là cầm về”. Vợ nói thế, và tôi phải nghe thôi! 

Quý Phương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI