|
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, chưa quốc gia nào có chính sách rút BHXH một lần dễ như Việt Nam |
Làn sóng lao động rút BHXH một lần
Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung, ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) nêu thực tế, làn sóng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật BHXH.
Theo ĐBQH, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng quan trọng nhất là sự bất an đối với sự ổn định của chính sách. ĐBQH đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ giải pháp xử lý vấn đề này.
Tương tự, ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cũng đề nghị Bộ trưởng nêu các giải pháp căn cơ trong sửa luật để giải quyết thực tế lao động nữ trẻ rút BHXH một lần.
Trả lời ĐB, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin về thực trạng rút BHXH một lần. Theo đó, trước năm 2019, số người rút BHXH bình quân 500.000/năm. Tuy nhiên, đến năm 2022, có tới trên 900.000 người rút BHXH một lần. “Số rút BHXH một lần gần bằng với số tham gia. Nếu tình trạng này không giảm thì nguy cơ người già về hưu khó đảm bảo an sinh xã hội. Hệ thống an sinh xã hội của chúng ta khó đảm bảo được tính bền vững” - Bộ trưởng lo lắng.
Lý do tình trạng rút BHXH một lần tăng, theo Bộ trưởng, trước hết là vì đời sống, thu nhập khó khăn, người lao động nghĩ ngay tới “của để dành” và rút ra, trang trải cuộc sống. Qua xem xét, Bộ trưởng chỉ ra, phần lớn những người rút BHXH một lần là công nhân lao động và chủ yếu ở khu vực phía Nam. Khu vực này chiếm 72% số lượng rút BHXH một lần.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là “không có quốc gia nào có cơ chế rút BHXH một lần dễ như Việt Nam”. Bộ trưởng nói đã từng mời trực tiếp chuyên gia giỏi trong lĩnh vực bảo hiểm để khắc phục tình trạng này. Vị chuyên gia chia sẻ: “Việt Nam quá hào phóng! Hào phóng cả việc trợ hưởng 75% và cho rút BHXH một lần. Thông lệ quốc tế, người lao động chỉ được rút trong 2 trường hợp là mắc bệnh nan y hoặc ra định cư nước ngoài”.
Ông phân tích thêm, quyền lợi rút BHXH hiện quá cao, cá nhân người lao động đóng 8% nhưng lại được hưởng toàn bộ số đóng của Nhà nước và doanh nghiệp. Như vậy dẫn tới nhiều trường hợp chưa định rút nhưng vì quyền lợi cao nên rút và quay trở lại tham gia sau.
Nguyên nhân khác được Bộ trưởng chỉ ra là việc tổ chức tuyên truyền, vận động: “Tại TP Hà Nội, 10 người đi rút thì sau khi được vận động có 6 người không rút nữa. Ngoài chính sách ra, công tác tuyên truyền chưa tốt”.
Sửa đổi Luật BHXH sẽ không hạn chế quyền lợi người lao động
|
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy nói rằng, việc NLĐ bất an với các chính sách của BHXH là nguyên nhân khiến tình trạng rút BHXH một lần tăng |
Về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu cần phải có tính toán căn cơ. Hiện theo ông có 2 vấn đề lớn, trước hết là đời sống người dân gặp khó khăn. Thứ hai là có tâm lý lo ngại việc sửa đổi luật BHXH có thể có các quy định hạn chế quyền lợi của người lao động.
“Về tinh thần sửa, tôi xin khẳng định theo hướng không hạn chế quyền lợi mà tăng quyền lợi của người lao động” - Bộ trưởng khẳng định trước nghị trường Quốc hội.
Tranh luận lại với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy cho biết, Bộ trưởng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân rút bảo hiểm xã hội một lần là công tác tuyên truyền. Cơ bản thống nhất với ý kiến này, song ĐBQH rần Thị Diệu Thúy cho rằng, mong muốn của người lao động TPHCM là chính sách về bảo hiểm xã hội phải nhất quán và ổn định lâu dài. Mong muốn của người lao động là cần làm rõ việc quyền lợi của người lao động để họ an tâm hơn, suy nghĩ lại khi muốn rút bảo hiểm xã hội một lần.
Minh Quang