Chưa phát hiện chất gây ung thư trong dầu ăn tại Việt Nam?

19/07/2017 - 10:00

PNO - Mới đây, cơ quan giám sát tiêu dùng Đặc khu hành chính Hồng Kông đã tiến hành kiểm tra 60 sản phẩm (SP) dầu ăn bán trên thị trường và phát hiện 46 mẫu chứa độc tố gây ung thư glycidol.

Bên cạnh glycidol, cơ quan này còn phát hiện thêm 41 mẫu có chứa chất phthalates và tìm thấy chất gây nhiễm độc 3 - Monochloropropane (3 - MCPD). Hiện một số hãng dầu ăn đã tự nguyện thu hồi SP. 

Chua phat hien chat gay ung thu trong dau an tai Viet Nam?
Hiện chưa có thông tin sản phẩm nào tại VN chứa chất gây ung thư

Chất độc sinh ra trong quá trình sản xuất

TS Phan Thế Đồng - Khoa Khoa học và công nghệ, ĐH Hoa Sen, cho biết: trong quá trình tinh luyện dầu ở giai đoạn khử mùi, nhất là dầu cọ sẽ sinh ra glycidyl - este, rồi từ chất này sinh ra glycidol hoặc 3MCPD. Thông thường các nhà sản xuất phải lọc bỏ nhưng do lọc không kỹ hoặc không lọc nên các chất này sẽ tồn tại. 

Phthalates được sử dụng trong sản xuất ở hầu hết các lĩnh vực, nhất là ngành nhựa. Do phthalates dễ bị thôi ra từ nhựa rồi lẫn vào dung dịch. Dầu ăn chứa phthalates rất có thể là do từ bao bì, can nhựa thôi ra. 

Dầu ăn tại Việt Nam có chứa chất gây ung thư?

Ghi nhận kênh bán lẻ siêu thị tại thị trường VN cho thấy hiện có khoảng gần 200 SP dầu ăn ngoại nhập (chiếm 30%) và dầu ăn sản xuất trong nước (chiếm 70%) được bày bán.

Phóng viên tiến hành khảo sát hơn 30 nhãn hàng trong số này thì thấy trong thành phần công bố trên nhãn không có tên ba chất trên. Tuy nhiên trong khi bên cạnh tỷ lệ đạm, béo, vitamin, omega 3, các nhãn của SP ngoại đều ghi cụ thể tỷ lệ chất ổn định, chất nhũ hóa - những thành phần thông thường phải có trong dầu ăn thì đa số các nhãn ở VN không thấy sự hiện diện của các chất phụ gia này. 

Dầu ăn tại Việt Nam được kiểm tra định kỳ

Đại diện các nhà sản xuất đều được ông Trần Văn Hoan - phụ trách tư vấn công bố SP, Công ty CP Thực phẩm Quốc tế Fosi, cho biết: Tất cả SP dầu ăn lưu hành tại Việt Nam đều có quy trình kiểm soát chất lượng, công bố tiêu chuẩn chất lượng SP như nhau, chỉ trừ dầu omega 3 được xếp vào nhóm thực phẩm chức năng nên có thêm những quy định công bố dựa trên thành phần SP. Theo kế hoạch giám sát định kỳ bắt buộc, định kỳ 2 lần/năm, doanh nghiệp phải gửi mẫu SP dầu ăn đến phòng thí nghiệm thực phẩm thuộc các trung tâm phân tích để xác định các chỉ số về an toàn thực phẩm (ATTP) và kiểm tra đặc tính ổn định của SP.

Ông Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc thu mua thực phẩm khô LOTTE Mart VN, cho biết: Nhà cung cấp muốn đưa SP dầu ăn vào siêu thị phải tuân thủ các quy trình kiểm soát và điều kiện vệ sinh ATTP.

Theo định kỳ, bộ phận kiểm soát chất lượng của LOTTE Mart sẽ kiểm tra SP về chất lượng và mẫu mã. Với những trường hợp như dầu ăn có cặn hoặc không được trong như ban đầu... siêu thị cho lưu kho và thông báo nhà cung cấp thu hồi về, đổi mới và yêu cầu công văn cam kết chất lượng từ nhà cung cấp. Với những lỗi nặng về chất lượng SP, chúng tôi sẽ tạm ngưng bán hàng hoặc từ chối nhập hàng từ nhà cung cấp.

Chua phat hien chat gay ung thu trong dau an tai Viet Nam?
Để tránh lo ngại cho NTD, cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát lại tất cả SP dầu ăn đang lưu thông trên thị trường, xem trong thành phần có những chất này không để thông tin cảnh báo kịp thời đến NTD. 

Mặc dù hiện nay chưa có thông tin SP nào tại VN chứa chất trên, tuy nhiên, ông Tâm cho biết siêu thị đang rà soát lại các SP đang bán để kiểm tra xuất xứ nguồn gốc, chất lượng SP, đồng thời yêu cầu các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp cung cấp các chứng từ đảm bảo có liên quan về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo SP an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng (NTD). 

Nếu phát hiện có vấn đề gì về chất lượng cũng như ATVSTP của SP, chúng tôi sẽ tạm ngưng bán SP đó và cho rà soát SP trước khi có quyết định cuối cùng.

Thông tin từ đại diện Saigon Co.op cho hay, hiện nay hệ thống siêu thị CoopMart chủ yếu bán dầu ăn có xuất xứ trong nước. Ước tính sức mua hiện tại của hệ thống siêu thị này trung bình khoảng 1.000 tấn/tháng.

Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op, khẳng định: “Tất cả các SP dầu ăn trước khi được đưa vào kinh doanh phải có đầy đủ hồ sơ chất lượng  kèm theo các kết quả kiểm tra, xét nghiệm đảm bảo vệ sinh ATTP. Ngoài ra, siêu thị còn lấy mẫu đột xuất không báo trước để gửi cơ quan kiểm định độc lập để kiểm tra chỉ tiêu vi sinh”.

Trước thông tin cảnh báo của nước ngoài, BS Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam - cho rằng: để tránh lo ngại cho NTD, cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát lại tất cả SP dầu ăn đang lưu thông trên thị trường, xem trong thành phần có những chất này không để thông tin cảnh báo kịp thời đến NTD. 

Nhũ hóa hoặc chất ổn định là loại phụ gia có mặt trong rất nhiều sản phẩm thực phẩm. Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học bang Georgia (Mỹ) cho biết: chất nhũ hóa dù với liều lượng thấp hay cao đều có thể gây viêm ruột hoặc viêm đại tràng mãn tính dễ dẫn đến ung thư.

Tại các chợ truyền thống, dầu ăn không nhãn mác, xuất xứ vẫn được bày bán tràn lan theo dạng sỉ, lẻ, giá 24.000đ/lít. Các hàng quán bình dân, chiên bánh, chiên bột... đều mua loại này, vì giá rẻ, thức ăn khi chiên lên sẽ nhanh lên màu, đẹp hơn.

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI