Rất nhiều những câu chuyện hài hước được kể trên mạng xã hội, rằng lượng tiêu thụ bia rượu giảm 60%, lượng tiêu thụ xăng dầu giảm 30%, lượng tiêu thụ mỹ phẩm thậm chí giảm cực mạnh, tới 90%...
Người ta ít đi lại thì tiêu thụ ít xăng dầu đã đành, nhưng sao lượng tiêu thụ rượu bia cũng giảm? Hóa ra, với đàn ông, “bạn nhậu” mới là ”món nhắm” ngon nhất để đưa rượu bia nhiều nhất, chứ không hẳn là thịt chó hay tiết canh lòng lợn...
Và các nhà tâm lý cũng nhầm khi cho rằng phụ nữ trang điểm trước hết là để cho chồng, nhưng thực tế lượng tiêu thụ mỹ phẩm giảm mạnh khi các bà các cô bị nhốt trong nhà, chứng tỏ phụ nữ làm đẹp chủ yếu cho... người ngoài đường chứ không phải cho chồng.
Vợ chồng cháu tôi còn rất trẻ và chưa có con. Khi chưa có dịch, chúng quấn quýt nhau như đôi sam vậy. Thằng cháu còn kể, hết giờ làm chỉ mong mau chóng về nhà, để được gần vợ, ăn cơm với vợ... Mấy hôm cách ly, vợ chồng chỉ quanh quẩn ở nhà, thì nó than vãn:
“Cháu và vợ, mỗi người một laptop cắm đầu vào làm việc, hết việc thì chơi game, thậm chí chả thèm nói gì với nhau”.
Tôi hỏi nó:
“Sao lại thế, trước chúng mày quấn quýt lắm cơ mà!”.
Thằng cháu thở dài:
“Vâng, trước thì cả ngày đi làm, thậm chí thỉnh thoảng đi công tác, nên lúc nào cũng nhớ nhau, giờ quay ra quay vào chỉ thấy mặt nhau, rất khó chịu. Mà bác ạ, cháu phát hiện ra vợ cháu dạo này rất già, bắt đầu có nếp nhăn, mặt lúc nào cũng quạu, cháu còn phát hiện mùi nách cô ấy chua thoang thoảng... Và cô ấy nói rất nhiều, hết hỏi trưa ăn gì, xong quay sang chuyện con Hường, con Lan (những cô bạn xinh đẹp ngày xưa của cháu) dạo này còn nhắn tin không? Rồi cô ấy kể chuyện ông A hàng xóm đi với gái bị đánh ghen, ông B suốt ngày say xỉn còn vợ ổng thì hồi xuân... Sốt hết cả ruột bác ạ! Những điều này, trước đây vì đi làm tối ngày nên cháu không để ý lắm, giờ ở gần cảm thấy không thể nào chịu nổi”.
|
Ảnh minh họa |
Rồi nó kết luận: “Hôn nhân thật kinh khủng! Nếu biết như thế này thì thà đừng kết hôn sớm, hoặc giá đừng có dịch Covid, ngày chỉ gặp nhau buổi tối về đi ngủ thôi, thì dễ chịu biết mấy!”.
Thậm chí, nó đặt câu hỏi với tôi, rất triết lý, thế này:
“Vậy theo bác, rốt cuộc hôn nhân là gì? Nó có thật sự cần thiết không? Nếu không, vì sao người ta cứ kết hôn? Còn nếu có, thì tại sao rất nhiều người độc thân, hoặc ly hôn ở vậy nuôi con?”.
Câu hỏi của cháu tôi, hẳn cũng là câu hỏi phố biến của thanh niên ngày nay. Tại sao cứ phải kết hôn rồi lại ly hôn? Không kết hôn thì có sao không?
Tôi hỏi lại cháu: “Vậy bác hỏi cháu, vì sao cháu muốn kết hôn?”
“Vì cháu... cháu yêu cô ấy” - nó trả lời.
“Tốt, vậy theo cháu, yêu là gì?” - tôi lại hỏi tiếp.
Nó ngắc ngứ một lúc, mới ấp úng:
“Cháu chả biết... thì sách người ta viết tình yêu là sự rung động của hai trái tim, cháu nghĩ chúng cháu đã rung động... Và yêu, thế thôi!”.
Thật sự thì về cơ bản, chúng ta chưa ý thức rõ “tình yêu là gì”. Ta cứ yêu một cách cảm tính, ta bị sự ham thích rồi đam mê lôi cuốn. Nếu cứ vậy rồi “cặp kè yêu đương” thì chả có vấn đề gì. Nhưng khi ký kết hôn ước, nó y hệt ký bản “khế ước xã hội” vậy. Nghĩa là, cùng với nó ta sẽ phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ và trách nhiệm, thì dứt khoát ta phải hiểu nó - tình yêu là gì? Và ta đã thực sự yêu nhau hay chưa?
Quay lại với thằng cháu, bị tôi hỏi dồn, nó đáp bừa: “Cháu thích cô ấy, cháu muốn ở bên cô ấy, cháu muốn được... ân ái với cô ấy, tóm lại cháu cần có cô ấy”.
Toàn bộ những gì cháu tôi vừa kể, cũng giống y hệt nhiều bạn trẻ khác đã từng kể trước khi kết hôn, nó là tập hợp của những “ý thích” mà thôi. Nhưng “ý thích” chưa hẳn là tình yêu, các bạn trẻ của tôi ạ!
Hãy lắng nghe một tình yêu điển hình nhất, đó là tình yêu của bà mẹ yêu con mình. Họ không bao giờ nói rằng “tôi thích con tôi”, mà chỉ là “tôi yêu con tôi”. Vậy rốt cuộc, thế nào là thích và thế nào là yêu?
Thích là vì đối tượng mang đến cho bạn đủ thứ hay ho, bạn “cảm thấy dễ chịu và thích thú”. Do đó, thích là cảm giác, là trạng thái tinh thần cảm tính, nó hoàn toàn không có sự tham gia của lý tính.
Nhưng, từ sự “thích” đó, bạn có khuynh hướng muốn “làm gì đó” cho đối tượng mà mình thích, cụ thể là muốn chăm sóc, muốn nuôi dưỡng, muốn đem đến cho đối tượng những điều tốt đẹp nhất, thậm chí sẵn sàng hy sinh cuộc sống của mình cho niềm vui hay hạnh phúc của đối tượng... thì lúc này mới gọi là yêu.
Cho nên, sự khác nhau giữa “thích” và “yêu” là rất rõ. Thích là một loại “cảm giác” còn “yêu” là hành động cụ thể. Cảm giác thì phi lý trí, rằng ta thích mà chả hiểu tại sao ta thích. Nhưng hành động thì luôn có mục đích, vì vậy, dứt khoát có sự tham gia của lý tính.
Và bởi vì cảm giác thì hay thay đổi, nên nếu các bạn kết hôn chỉ vì “thích” nhau thôi, chả chóng thì chầy các bạn sẽ thay đổi ý thích, thế là xung đột rồi oán hận, rồi chia tay. Vì xét kỹ, cảm giác có thể thay đổi bởi nó không phụ thuộc vào lý tính, nhưng hành động luôn được dẫn dắt bởi lý tính.
Cho nên, nhiều cặp vợ chồng dù cảm giác thích thú và đam mê thuở ban đầu không còn, nhưng họ thực hiện tốt nghĩa vụ vợ chồng với nhau, thì những hành động có tính nghĩa vụ đó dần dần lại đẻ ra tình cảm mới, cao cả và thiêng liêng hơn, và nó hay được gọi là “nghĩa vợ chồng”.
Đó mới là những cuộc hôn nhân được xây dựng trên nền tảng tình yêu đích thực.
Biên kịch Đỗ Trí Hùng