Chưa nhất thiết có thêm bộ sách giáo khoa mới của Nhà nước

18/09/2023 - 06:25

PNO - Năm học 2023-2024 là năm thứ tư học sinh và giáo viên cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Dù vậy, vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh việc nên có thêm 1 bộ sách giáo khoa của Nhà nước hay không.

Nhà nước cần quản lý nội dung, giá sách

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - cho rằng, Bộ GD-ĐT nên chủ trì biên soạn 1 bộ sách giáo khoa (SGK) tiêu chuẩn cốt lõi, còn sách của các đơn vị khác sẽ theo cơ chế thị trường để thầy cô và học sinh tham khảo thêm nếu muốn. Ông nói: “SGK được tiêu chuẩn hóa giúp đảm bảo một chương trình giảng dạy nhất quán giữa các trường trên cả nước, giúp duy trì các tiêu chuẩn giáo dục thống nhất và giảm sự chênh lệch về kết quả học tập”.

Ông cho rằng, bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn có thể được cung cấp cho mọi trường học, đảm bảo mọi học sinh đều có quyền tiếp cận bình đẳng. Việc này cũng giúp các trường tiết kiệm chi phí mua nhiều bộ SGK, giảm thời gian lựa chọn SGK như hiện nay, phần nào hạn chế tiêu cực nảy sinh như cạnh tranh nhau giữa các nhà xuất bản, chiết khấu hoa hồng cho các địa phương và nhà trường khi phát hành sách.

Phụ huynh vất vả đi nhiều nhà sách mới mua đủ sách giáo khoa cho con ẢNH: TRẦN HUY
Phụ huynh vất vả đi nhiều nhà sách mới mua đủ sách giáo khoa cho con Ảnh: Trần Huy

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) - nhận xét, hiện có nhiều bộ SGK đang được lưu hành nhưng mỗi cuốn được viết theo mỗi kiểu khác nhau khiến người dạy phân vân, mệt mỏi. Người dân cũng mệt mỏi do mỗi trường chọn dùng 1 bộ SGK, nếu chuyển trường thì phải mua bộ mới. Thậm chí, có trường hợp dạy bằng SGK trong bộ sách “Cánh diều” nhưng đề bài tập lại theo bộ “Chân trời sáng tạo”, nâng cao chuyên đề thì theo bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Như trong môn giáo dục thể chất, bộ môn cầu lông nằm ở cuốn này, bóng bàn nằm ở cuốn kia, bóng chuyền ở cuốn nọ.

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, đã gọi là tài liệu tham khảo thì nên đưa lên mạng, ai cần thì đọc, tra. Hơn nữa, ngành giáo dục cũng yêu cầu học sinh học 35% trực tuyến, làm quen với công nghệ để trở thành công dân toàn cầu. Ông nói: “Chúng ta đang nháo nhào trong cách sử dụng SGK và tạo áp lực rất lớn cho phụ huynh, ép họ mua SGK cho con”. Từ đó, ông tán thành ý kiến cần có 1 bộ SGK riêng của Nhà nước, để Nhà nước quản lý, định hình chung về chuyên môn, tư tưởng và đặc biệt là can thiệp về giá, để người dân có lợi nhất. 

Ông nói: “Nếu SGK là của tập đoàn tư nhân thì chúng ta lệ thuộc hoàn toàn vào giá, cơ chế thị trường, thậm chí lệ thuộc hệ tư tưởng chính trị của cuốn sách đó”. 

Tốn kém ngân sách, dễ độc quyền

Trong phiên họp giám sát chuyên đề đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và SGK của Quốc hội ngày 14/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội (về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông), trong đó Bộ GD-ĐT phải biên soạn 1 bộ SGK.

Trong Nghị quyết 88/2014/QH13, Quốc hội giao Bộ GD-ĐT biên soạn 1 bộ SGK. Tuy nhiên, đến năm 2020, Quốc hội ra Nghị quyết 122/2020/QH14, quy định rằng, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất 1 bộ SGK được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước.

Sách giáo khoa xã hội hóa có mẫu mã đẹp nhưng nhiều phụ huynh than giá còn cao - ẢNH: TRẦN HUY
Sách giáo khoa xã hội hóa có mẫu mã đẹp nhưng nhiều phụ huynh than giá còn cao - Ảnh: Trần Huy

Bà Nguyễn Thị Hà - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, giáo viên Trường THPT Lương Tài (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) - cho rằng, việc Bộ GD-ĐT biên soạn 1 bộ SGK bằng kinh phí của Nhà nước sẽ rất tốn kém. Ngoài ra, việc thay SGK đã đi gần hết chặng đường, nay lại có thêm 1 bộ sách, liệu có hợp thời điểm? 

Theo bà, việc này có thể là một cuộc điều chỉnh chính sách rất lớn, cần phải huy động rất nhiều thời gian, nguồn lực, trong khi công cuộc đổi mới giáo dục cần được tiến hành nhanh chóng. Việc biên soạn thêm 1 bộ SGK chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn các chủ biên bởi hầu hết nhân tài giáo dục đã tham gia biên soạn các bộ sách hiện hành. 

Về đề xuất chọn các đầu sách từ các bộ SGK hiện hành để tạo thành 1 bộ SGK dùng chung trong cả nước, bà Nguyễn Thị Hà cho rằng, điều này là không phù hợp bởi mỗi bộ sách đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc đánh giá bộ sách để chọn dùng phụ thuộc vào nhu cầu, mong muốn của từng địa phương. Đặc biệt, điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong việc lựa chọn sách của các địa phương, dễ quay lại tình trạng độc quyền SGK như trước kia.

Theo đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng, ngay từ khi bắt đầu đổi mới, Bộ GD-ĐT đã tập hợp và chỉ đạo đội ngũ chuyên gia, nhà giáo xây dựng khung chương trình làm căn cứ để cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK. Hiện nay, tất cả môn học ở 3 cấp học đều đã có sách, nên Bộ GD-ĐT không cần phải biên soạn thêm 1 bộ SGK. Điều này giúp tránh lãng phí ngân sách nhà nước.

Bà Hà Ánh Phượng nói, ý nghĩa của việc thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK” là lấy chương trình làm gốc, chương trình là pháp lệnh, SGK và các học liệu khác là tài liệu tham khảo. Việc sử dụng nhiều bộ SGK giúp học sinh tiếp cận thông tin và ý kiến đa chiều về cùng một chủ đề. Học sinh được khuyến khích suy nghĩ, so sánh, phân tích và đưa ra quan điểm riêng dựa trên các nguồn thông tin khác nhau, giúp phát triển khả năng tư duy phản biện, phân tích và đánh giá thông tin một cách khách quan. Có các bộ SGK đa dạng sẽ phù hợp với các vùng miền, địa phương hơn.

Với các sách bổ trợ, phụ huynh cho rằng cần tải lên mạng để tránh lãng phí tiền mua sách - ẢNH: TRẦN HUY
Với các sách bổ trợ, phụ huynh cho rằng cần tải lên mạng để tránh lãng phí tiền mua sách - Ảnh: Trần Huy

Lo ngại sẽ tái diễn tình trạng độc quyền trong cung cấp SGK khi có thêm 1 bộ SGK của Bộ GD-ĐT, bà Hà Ánh Phượng cho rằng, một số địa phương có tâm lý an toàn khi lựa chọn SGK, khiến các nhà đầu tư lo ngại, kể cả nhà đầu tư trong các lĩnh vực khác, bởi họ thấy chính sách thay đổi thất thường, môi trường đầu tư không ổn định.

Một giảng viên Trường đại học Sư phạm TPHCM đánh giá, xã hội hóa công tác biên soạn và phát hành SGK góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, đảm bảo tính cạnh tranh, hướng đến mục tiêu đa dạng hóa nguồn học liệu phục vụ nhu cầu học tập và giảng dạy. Vì thế, việc Bộ GD-ĐT biên soạn thêm 1 bộ sách sẽ kiềm chế hoạt động xã hội hóa, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng, gây tốn kém cho xã hội, đặc biệt sẽ khiến mục tiêu chống độc quyền thất bại. 

Trong phiên họp của Quốc hội ngày 14/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được áp dụng trên toàn quốc là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, SGK là học liệu, công cụ, hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học: “Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần 1 bộ SGK - tức 1 bộ học liệu của Nhà nước hay không? Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ SGK nào. Vậy Quốc hội có cần giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung cho 1 bộ học liệu hay không?”. Theo ông, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang nắm bản quyền 2 bộ SGK và đã soạn xong bộ SGK cho các lớp Năm, Chín, Mười hai. Hiện nay, tất cả các môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn, nên việc tổ chức biên soạn thêm 1 bộ sách không giải quyết được gì.

Dung Nhi - Trang Thư

Quan trọng là bồi dưỡng đội ngũ giáo viên

Yếu tố quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục là giáo viên, họ có đủ trình độ, đủ năng lực hay không? Giáo viên không có trình độ, năng lực thì dù sách viết hay đến mức nào, họ cũng không thể truyền tải hết được. SGK là sách viết cho học sinh, là cơ sở để giáo viên giúp học sinh tiếp cận kiến thức, từ đó vận dụng, khám phá, sáng tạo.

Do đó, phải hết sức thận trọng khi muốn viết 1 bộ SGK mới cho chuẩn mực hơn. Hiện đã có 3 bộ SGK được triển khai, đến năm 2025 là thi tốt nghiệp THPT, nếu viết thêm thì phải trở lại từ đầu. Vậy, ai là người đứng ra nhận viết và bảo đảm rằng bộ SGK này là chuẩn mực về kiến thức cho học sinh từng khối, cũng như định hướng đổi mới phương pháp dạy học trong giai đoạn mới? 

Theo tôi, việc quan trọng là tiếp tục bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ giáo viên ở các địa phương, giải quyết tình trạng nhiều môn học đang thiếu người giảng dạy dù sách đã được viết ra nhiều năm rồi. Kế đến là quan tâm chế độ lương bổng, phụ cấp cho giáo viên. Hiện nay, nhiều giáo viên phải đi bán hàng, làm môi giới đất đai để kiếm thêm thu nhập, thậm chí xem đó là nguồn thu nhập chính. Không đầu tư cho giáo viên thì viết sách ra để làm gì?

Ông Võ Văn Tám - Phó phòng THPT Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận

Không phải lúc để Bộ GD-ĐT soạn thêm bộ sách giáo khoa

Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13, Bộ GD-ĐT đã mời các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học… có năng lực tham gia biên soạn các bộ sách. 

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, bộ còn nhiều việc liên quan đến chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nên chưa kịp thời tổ chức biên soạn được bộ SGK riêng. Đến lúc bộ tổ chức biên soạn thì tất cả các tác giả có thể biên soạn, viết SGK đều đã tham gia với các tổ chức, cá nhân khác ở các bộ sách khác, khiến cho đội ngũ bị trống. Tuy nhiên, điều quan trọng là hiện nay, 3 bộ SGK đã được bộ phê duyệt, thẩm định và đang được thầy trò thực hiện ở các địa phương.

Vậy, có cần thêm bộ SGK nữa không? Theo tôi, vẫn cần, bởi càng có nhiều bộ SGK thì càng có nhiều lựa chọn. Một chương trình, nhiều bộ SGK là không thừa, thậm chí nếu bây giờ, có tổ chức, cá nhân nào sẵn sàng biên soạn những bộ SGK mới thì Bộ GD-ĐT vẫn chấp thuận, thẩm định. Do đó, không có một giới hạn nào cho con số nhiều.

Tuy nhiên, nếu Bộ GD-ĐT biên soạn thêm 1 bộ sách nữa thì có một số vấn đề cần phải lưu ý. Thứ nhất là chọn SGK. Nếu bộ có riêng 1 bộ SGK thì các cơ sở giáo dục sẽ chọn SGK thế nào? Nếu họ đồng loạt chọn sách của bộ thì chủ trương xã hội hóa, chủ trương nhiều bộ SGK của chúng ta bị phá sản, bởi không có quy định nào buộc các trường không được chọn sách giống nhau. Lúc đó, Bộ GD-ĐT không cần phải độc quyền, không cần đi tiếp thị mà các cơ sở giáo dục vẫn chọn SGK của bộ cho “an toàn”. Như vậy, các bộ SGK của các tổ chức, cá nhân khác sẽ “đắp chiếu”, phá sản.

Thứ hai, nếu chọn sách đúng theo tinh thần khoa học thì có bao nhiêu SGK, các thành viên trong hội đồng chọn sách phải đọc hết; sau khi đọc, so sánh, nhận xét, đối chiếu với các bộ sách khác và căn cứ vào thực tế học sinh, mới chỉ ra bộ sách nào phù hợp để đề nghị chọn. Quá trình lựa chọn bộ SGK rất mất công, nên khi có 1 bộ sách của Bộ GD-ĐT ra thì không tránh khỏi tình trạng chọn bộ sách này để đỡ phải đọc các bộ sách khác, đỡ chọn và đỡ mất thời gian. Như thế, bộ không muốn độc quyền cũng bị đẩy vào thế độc quyền.

Thứ ba, lúc này, Bộ GD-ĐT cũng chưa khắc phục được những khó khăn gặp phải trong việc biên soạn sách. Vì vậy, ngay lập tức phải biên soạn 1 bộ SGK là việc đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải dốc toàn lực trong khi bộ còn rất nhiều đầu việc phải hoàn thành. Nếu vội vàng, chất lượng của sách cũng sẽ không đạt.

Trong trường hợp thực sự cần thiết và khả thi, Bộ GD-ĐT có thể vẫn tiếp tục nghiên cứu để xây dựng 1 bộ SGK nhưng không phải ngay lúc này mà theo lộ trình nhất định. 

Bà Nguyễn Thị Việt Nga Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI