Chưa nghỉ hè, nhiều trẻ đã đuối nước

28/06/2020 - 12:51

PNO - Tai nạn đuối nước thường xảy ra nhiều vào mùa hè, nhưng gần đây nhiều trẻ em ở TP.HCM và các tỉnh đã tử vong do đuối nước.

Trẻ đuối nước trong nhà, hồ bơi

Chỉ trong tháng 5/2020, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM và các BV ở tỉnh thành khác đã cấp cứu nhiều trường hợp trẻ từ ba đến hơn 10 tuổi bị đuối nước. Thương tâm hơn, khi trẻ được phát hiện, đưa đến BV thì đã bị chết não, tử vong.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương kiểm tra sức khỏe bệnh nhi tại Khoa Cấp cứu
Bác sĩ Đinh Tấn Phương kiểm tra sức khỏe bệnh nhi tại Khoa Cấp cứu

Trưa 30/5, M.V.C. (17 tuổi, ở H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được người dân trong xóm phát hiện đuối nước tại con đập gần nhà. Trước đó, C. cùng 5 người bạn đi chơi, do thời tiết nóng nên nhóm bạn rủ nhau xuống con đập để tắm, khoảng 15 phút sau C. bơi vào dòng nước chảy xiết mà không hay, bị cuốn đi. Cùng ngày, tại H.Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, em N.T.M.L., L.T.P.V. (8 tuổi) và L.T.M.A. (9 tuổi) học chung trường, rủ nhau ra khu vực đập nước để chơi. Chiều muộn, người thân không thấy ba em về nên chia nhau đi tìm. Khi thấy giày dép các em ở phía trên đập, mọi người cùng nhau lặn xuống nước, phát hiện thi thể của cả ba.

Vừa qua, Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận T.T.N.L. (5 tuổi, ở Q.Tân Phú, TP.HCM) được người nhà đưa đến trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, mạch, huyết áp không còn, người tím tái. Mặc dù trước khi đến BV, người lớn đã hồi sức nhồi tim, hô hấp nhân tạo nhưng bé rơi vào hôn mê. Các bác sĩ thực hiện hồi sức tích cực hơn một giờ đồng hồ nhưng bé không qua khỏi. Theo mẹ của bé, thường ngày mọi người trông chừng bé L. rất cẩn thận, ít khi để bé một mình. Hôm xảy ra tai nạn, bé cũng đang được người lớn trông giữ, chỉ khoảng 10 phút không thấy bé L. ở phòng khách, mọi người chạy đi tìm rồi phát hiện bé L. bị ngã vào xô nước lớn trong nhà vệ sinh.

Bé T.D.C. (7 tuổi, ở tỉnh Tiền Giang) được BV địa phương chuyển đến BV Nhi Đồng 1 cũng do đuối nước. Khi đến Khoa Cấp cứu, huyết áp của bé C. đã không còn đo được, mạch đập nhẹ, nhưng đồng tử giãn, không còn phản xạ với ánh sáng, bé gần như hôn mê. Ê-kíp bác sĩ trực cấp cứu hồi sức liên tục cho bé C., nhưng bé đã chết não, không còn dấu hiệu hồi phục. Theo gia đình bé C., nhà bé ở trong chung cư có hồ bơi. Bé trốn gia đình, đi một mình xuống dưới nhà chơi. Trẻ con thích nghịch nước, bé đến hồ bơi rồi không may rơi xuống hồ. 

Người lớn đừng chủ quan khi trông trẻ

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1, đuối nước là một trong những tai nạn khá phổ biến ở trẻ em. Thông thường, số trường hợp trẻ gặp tai nạn đuối nước gia tăng vào mùa hè. Dù biết bơi, khi té ngã sẽ khiến trẻ sợ hãi, hoặc những nơi nước sâu, chảy xiết, trẻ cũng có thể gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, thời gian qua, chưa đến nghỉ hè nhưng nhiều trẻ đã bị tử vong do đuối nước.

Bác sĩ Phương cho hay, trẻ vài tháng tuổi đến vài tuổi, rất dễ té ngã vào thau, chậu, xô nước… thậm chí thùng nước lau nhà cũng có thể là “hố tử thần” với các bé. Trẻ dưới 5 tuổi, chỉ cần bị ngộp nước khoảng 2-7 phút và trẻ từ 6-10 tuổi, rơi xuống nước hơn 10 phút nếu được phát hiện kịp thì nguy cơ chết não cũng rất cao. Lúc này, dù có cứu sống trẻ, trẻ vẫn đối diện với đời sống thực vật.

Để tránh trẻ gặp tai nạn, cha mẹ phải là người theo sát con của mình, tập cho trẻ học bơi, biết bơi vẫn phải để mắt khi trẻ xuống nước. Bởi trong lúc trẻ bơi lội vẫn có thể gặp sự cố như căng cơ, chuột rút, bơi vào dòng nước xoáy, nước sâu…

Gia đình và nhà trường cần kết hợp dạy trẻ nhận biết các mối nguy hiểm khi tiếp xúc với vùng sông, suối, ao, hồ… và dạy trẻ kỹ năng bơi lội khi xuống nước. Các gia đình phải đậy kín vật dụng chứa nước trong nhà, khi sử dụng xong đổ nước ngay. Người lớn cũng nên tham gia các lớp huấn luyện kỹ năng cấp cứu, nhất là tai nạn đuối nước, kịp thời xử trí nếu phát hiện trẻ bị đuối nước, hạn chế hậu quả đáng tiếc. 

Bác sĩ Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 hướng dẫn, khi phát hiện trẻ đuối nước, người lớn cần bình tĩnh tìm cách đưa trẻ lên bờ càng nhanh càng tốt. Thực hiện cấp cứu ngay tại chỗ với các phương pháp ấn bụng để đẩy nước ra ngoài, nếu trẻ tỉnh, lau khô người, trấn an và đưa đến BV.

Trường hợp trẻ đã bất tỉnh phải kiểm tra ngay xem trẻ còn hơi thở hay không, quan sát chuyển động của lồng ngực, nếu lồng ngực bất động, nghĩa là trẻ đã ngưng thở. Lúc này, người cấp cứu đặt trẻ nằm trên mặt phẳng đầu hơi ngửa ra sau, loại bỏ đàm nhớt, dị vật trong miệng trẻ, dùng ngón cái và ngón trỏ bịt mũi trẻ, sau đó hít thở thật sâu rồi thổi hơi trực tiếp qua miệng. Song song đó, thực hiện ấn tim ngoài lồng ngực cho trẻ.

Lưu ý, người cấp cứu phải kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và trẻ có thể thở trở lại, liên tục thực hiện các động tác cấp cứu này trên đường chuyển trẻ bị nạn tới cơ sở y tế, việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI