Cần bao nhiêu tiền để sống ở thành phố?

Chưa mua nhà đã mua xe ô tô

09/08/2024 - 14:26

PNO - Chi phí mỗi tháng của gia đình tôi rơi vào khoảng 25 triệu đồng. Thu nhập của vợ chồng tôi là 40 triệu đồng nếu đi làm đầy đủ.

Vợ chồng tôi năm nay đều 33 tuổi, đang sống ở Hà Nội và chưa đủ tiền mua nhà riêng. Chúng tôi có 2 đứa con trong tuổi tiểu học. Thu nhập và chi tiêu luôn là bài toán lớn trong gia đình tôi nên mỗi khi đọc được những bài viết, chủ đề về việc Cần bao nhiêu tiền để sống ở thành phố, tôi luôn muốn tham khảo kỹ các số liệu, các phân tích.

Những khoản chi cố định mỗi tháng của gia đình tôi: Thuê căn chung cư rộng 50m2 hết 5 triệu đồng. Tiền điện, nước: 1 - 1,2 triệu đồng. Tiền ăn cả gia đình: 7 triệu đồng. Tiền gửi xe ô tô: 1,2 triệu đồng. Tiền xăng xe và đi chơi cuối tuần: 2 triệu đồng. Tiền học cho con: 6 triệu đồng. Tiền đóng bảo hiểm: 1,6 triệu đồng. Áo quần, sách vở, đồ chơi: 500 ngàn đồng. Tiền đi đám cưới, thăm bạn bè, tụ họp, cà phê… khoảng 500 ngàn đồng.

Hai bạn nhỏ nhà tôi trong căn nhà đang ở
2 bạn nhỏ nhà tôi trong căn nhà đang ở

Giải thích thêm một chút thì vợ chồng tôi chưa mua nhà nhưng đã mua xe ô tô. Vì thời điểm mua xe cách đây 3 năm, chúng tôi có một khoản nhàn rỗi và có hãng xe ưu đãi lớn cho các gia đình có hộ khẩu Nghệ An. Xét thấy nhu cầu đi lại nhiều, chúng tôi quyết định mua xe trước mua nhà.

Những khoản như tiền bảo hiểm là đóng theo năm nhưng tôi chia ra theo tháng. Với khoản tiền học, năm ngoái, chúng tôi cho con học trường tư, chi phí là 13 triệu mỗi tháng. Nhưng năm nay, chúng tôi chuyển cho con sang trường công để giảm tiền học phí.

Như vậy, chi phí mỗi tháng của gia đình tôi vào khoảng 25 triệu. Thu nhập của vợ chồng là 40 triệu nếu đi làm đầy đủ. Chúng tôi cũng tìm thêm cách tăng thêm thu nhập. Tôi tranh thủ thời gian rảnh ở cơ quan để bán thêm sách thiếu nhi, "chạy số liệu" cho các bài báo nghiên cứu… Thi thoảng cũng có những khoản phát sinh như cần tiền để giúp em trai chồng đi Hàn Quốc du học, gửi về quê cho người thân vay… nên khoản tiết kiệm của vợ chồng tôi cũng bị co dần lại.

Cách đây vài năm, giá bán căn hộ ở khu chung cư chúng tôi đang thuê là 20 triệu/m2. Nhưng khi đó, vợ chồng tôi chưa có tiềm lực mua nhà. Vợ chồng tính toán tiết kiệm hết sức để mua nhà, nhưng choáng váng với sự thay đổi của giá nhà. Khu tôi sống là khu dân cư thu nhập thấp, giá nhà bị thổi lên, bây giờ đã dao động quanh 35 triệu/m2.

Dự định hỏi ý kiến cha mẹ 2 bên về việc vay thêm tiền để mua nhà đã không thành. Cha tôi tính toán: “Nếu các con có khoản tiết kiệm khoảng 1 tỉ đồng thì nên gửi ngân hàng, lấy tiền lãi suất để thuê nhà. Chứ nếu đi mua nhà, phải vay thêm 1 tỉ đồng, thì riêng tiền mà các con phải trả cả gốc và lãi mỗi tháng cũng khiến cuộc sống khốn đốn”.

Mỗi cuối tuần, chúng tôi lại cùng nhau đưa con đi chơi hoặc thăm bạn bè, người thân...
Mỗi cuối tuần, chúng tôi lại cùng nhau đưa con đi chơi hoặc thăm bạn bè, người thân...

Sau khi đi xem vài căn hộ và xem đất nhiều nơi, chúng tôi vẫn quyết định dừng ý định mua nhà. Nhưng chúng tôi không bi quan, mà luôn thấy may mắn khi mình vẫn còn sức khỏe, năng lực chuyên môn để làm việc, kiếm tiền. Mặc dù nhiều lúc không dám nghỉ việc, thứ Bảy cũng đi làm, vì sợ bị trừ lương theo ngày công; ngày hè vẫn phải gửi con đến nhà cô giáo để bố mẹ đi làm… vợ chồng vẫn động viên nhau phấn đấu.

Nhiều người hỏi vì sao chưa mua nhà mà đã mua ô tô và thắc mắc khi thấy chúng tôi đi chơi nhiều vào cuối tuần. Nhưng tôi thấy việc mua ô tô vẫn là quyết định đúng đắn. Những ngày mưa gió, bão bùng hay khi cần về quê, chúng tôi đưa con đi bằng xe riêng thấy “đỡ khổ” hơn nhiều. Cha mẹ 2 bên cũng yên tâm.

Chúng tôi ưu tiên thời gian chất lượng bên con vào mỗi ngày Chủ nhật. Sợ tuổi thơ của con qua nhanh, nên dù chủ trương sống tiết kiệm, chúng tôi vẫn muốn chi tiền đi dã ngoại, đi du lịch ở những nơi gần thành phố. Lâu lâu muốn đi du lịch xa, chúng tôi sẽ tính toán điểm đến có người thân, bạn bè và ở cùng họ để giảm tiền thuê khách sạn, ăn uống…

Tôi nghĩ mỗi gia đình đều tính toán các bài toán tài chính riêng, nhưng có một điểm chung trong các gia đình hạnh phúc là vợ chồng cùng đồng lòng trong cách quản lý tiền bạc. Nếu ai đó nói bạn tiêu xài hoang phí hay keo kiệt, nhưng bạn và vợ (hoặc chồng) bạn đã tính toán, vẫn thấy hợp lý thì không vấn đề gì. Cuộc sống nhờ vậy cũng trở nên thoải mái, dù bạn có thu nhập bao nhiêu.

Trang Anh (Hà Nội)

Cần bao nhiêu tiền để sống ở thành phố?

Phụ Nữ Online mong được nghe câu chuyện, kinh nghiệm, ý kiến của bạn quanh câu hỏi này.

Email xin gửi về địa chỉ: online@baophunu.org.vn, bài viết được đăng sẽ nhận nhuận bút theo quy định của toà soạn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI