Chưa mãn tang mẹ, mà bố đã đưa phụ nữ khác về chung sống

17/08/2022 - 15:41

PNO - Điều quan trọng trước hết là các cháu hãy cố gắng tìm được một tiếng nói chung, sự hòa hợp với gia đình mới của bố.

Kính gửi cô Hạnh Dung,

Ngày hôm qua vừa mới xong đám giỗ đầu của mẹ cháu, cô ạ. Mẹ cháu mất trong đợt dịch COVID năm ngoái. Đó là những ngày vô cùng đau thương của gia đình cháu. Mẹ cháu chết trên đường tới bệnh viện, trong khi ba cháu cũng vật lộn với COVID trong một bệnh viện khác.

Ba cháu chỉ biết tin mẹ cháu mất khi ông hồi phục và trở về nhà. Khi đó ông đã khóc rất nhiều và đau xót vì không được nhìn mẹ lần cuối, không được làm đám tang cho mẹ cho đàng hoàng. Nỗi đau của cả nhà dường như chưa hề nguôi ngoai.

Thế mà rồi giờ chỉ có một năm trôi qua thôi, tụi cháu đã mất cả ba: ông đã lập tức rước người phụ nữ khác về ngay khi mẹ cháu mất mới được bảy tháng. 

Cháu vẫn hiểu rằng ba cháu chưa già, trước sau gì ông cũng lấy vợ mới, nhưng không hình dung được là ông lấy sớm đến thế. Hiện tại, ông chưa cưới xin gì vì nói còn tang mẹ, nhưng người phụ nữ kia đã tới nhà nhiều lần, và ngủ lại ngay trước mặt tụi cháu.

Cháu thương em trai. Nó mới tám tuổi. Mẹ cháu sanh nó trễ, giữa cháu và nó còn một em gái nữa. Thằng bé còn chưa kịp hết buồn, đêm ngủ vẫn cứ giật mình gọi mẹ. Cháu phải thay mẹ chăm sóc em như con. Giờ nó cứ ngơ ngác, thất thần khi thấy có người lạ trong nhà.

Mà bố cháu và người phụ nữ ấy làm nhiều chuyện với nhau trước mặt tụi cháu, chướng mắt lắm cô ạ. Cháu muốn đưa các em ra ngoài ở riêng. Nhưng cháu mới đi làm thôi, lương thấp lắm, thuê nhà ở chắc cũng không đủ tiền.

Cô dì chú bác thì khuyên cháu không nên ra ngoài ở. Họ nói nhà cửa có phần của mẹ cháu, giờ coi như phần đó là của tụi cháu. Sao tụi cháu phải ra ngoài ở, để người khác chiếm nhà của mẹ, công sức lao động quần quật cả đời của mẹ, mẹ chưa được hưởng ngày nào? Tụi cháu phải giữ lấy làm kỷ niệm. Người phải ra khỏi nhà là ba cháu và người phụ nữ kia mới đúng.

Cháu phải làm sao bây giờ hả cô?

Nhật Hạ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cháu Nhật Hạ thân mến,

Có lẽ chúng ta sẽ không bàn đến việc đàn ông hay đàn bà, ai mau quên hơn ai, ai khó chịu đựng được cô đơn hơn ai... Bởi vì dù khoa học cũng đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng đàn ông sau ly hôn hay vợ mất thường khó chịu đựng, khó chấp nhận sự cô đơn hơn phụ nữ. 

Tuy nhiên, để cho cháu có phần nào... an ủi, thì cô cũng phải kể thêm rằng: khoa học cũng chứng minh con người - và nhất là đàn ông, sống có đôi thì sẽ tốt hơn rất nhiều cho sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Bố cháu đã vượt qua được nỗi đau khổ để tìm hạnh phúc mới, thôi thì... cũng mừng cho ông. Cháu cũng bớt đi được một nỗi băn khoăn, lo lắng của một người con gái cả, phải lo lắng vừa cho bố, vừa cho em.

Điều trước tiên, cô nghĩ là cháu hãy cố gắng nhìn nhận việc bố có người phụ nữ khác một cách bình tâm. Biết là buồn, biết là giận, vì nỗi đau mất mẹ còn chưa nguôi ngoai, nhưng thôi, cứ coi như đó là cái duyên trời đưa đến cho ông. Lúc nào gặp thì phải chấp nhận. Đừng vội có cái nhìn định kiến với mối quan hệ mới của bố. Hãy rộng lượng, tha thứ và bình tĩnh.

Cũng đừng vội nghe người thân bàn luận xem ai nên ra khỏi nhà. Điều quan trọng trước hết là các cháu hãy cố gắng tìm được một tiếng nói chung, sự hòa hợp với gia đình mới của bố.

Cháu đã là cô gái lớn, người đang thay mẹ quán xuyến cuộc sống trong nhà. Cháu hãy thẳng thắn trò chuyện với bố về những điều khiến cháu và các em thấy bất tiện, để cho bố hiểu được tâm tư tình cảm của các chá,  mà điều chỉnh cách sống của cả nhà sao cho phù hợp.

Trường hợp cuộc sống chung có nhiều bất tiện mà phải chia ra, thì cũng phải là sự bàn bạc, thống nhất của các cháu và bố, trên tinh thần thông cảm và chia sẻ với nhau. Chứ không phài là sự ra đi vì buông xuôi hay đối đầu. Làm sao để các cháu và bố có thể có một tiếng nói chung là điều tốt nhất. 

Người thân trong nhà có thể vì nóng ruột mà có những góp ý, khuyên bảo chưa thật là vì cả hai bên, mà có khi lại rơi vào tình trạng cực đoan, khiến mâu thuẫn bất hòa càng gay gắt hơn. Cháu hãy lắng nghe, sàng lọc và tiếp nhận một cách bình tĩnh cháu nhé. 

Chúc cháu và gia đình có được những ngày an bình mới.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI