Chữa lành không hề là... làm quá

27/04/2024 - 17:06

PNO - Chậm rãi nhìn lại, tôi thấy “chữa lành” hay “cải thiện tâm trí, sức khỏe theo chiều hướng tốt hơn” cũng chỉ khác nhau ở lớp vỏ ngôn từ. Ai thích gọi sao cũng được, thích tham gia, trải nghiệm hay không, đó cũng là lựa chọn tùy vào điều kiện của riêng mỗi người, mỗi nhà.

Nếu là trước đây, tôi sẽ hoàn toàn đồng tình với nội dung bài viết Đừng lạm dụng chữ chữa lành nữa, được không?. Tuy nhiên, bây giờ thì không. Cũng như tác giả, tôi từng không mấy hào hứng, thiện cảm khi nghe ai đó tùy tiện nhắc đến hai tiếng “chữa lành”.

Những tần số âm thanh khác nhau giúp cơ thể được thư giãn, thả lỏng ( Ảnh minh họa)
Những tần số âm thanh khác nhau giúp cơ thể được thư giãn, thả lỏng (ảnh minh họa)

Với tôi, cuộc sống này vốn dĩ vô thường, phức tạp. Không ai trên đời có thể chọn được cho mình một cuộc sống hoàn toàn suôn sẻ, lúc nào, ở đâu mọi chuyện cũng đáp ứng, thỏa nguyện được hết những nhu cầu. Một đứa trẻ cần trưởng thành, cứng cáp cần có sự đồng hành, uốn nắn của cha mẹ. Một chàng trai, cô gái khi còn độc thân muốn không lạc lối cũng cần đề ra những nguyên tắc sống lành mạnh, đàng hoàng. Họ phải không ngừng trải nghiệm, trui rèn để vượt qua những thử thách, khó khăn. Đến khi lập gia đình, sinh con thì những rắc rối, tình huống không như ý càng liên tục xuất hiện khiến mỗi người càng phải bản lĩnh, vững vàng hơn. Ở đâu ra cái lý, đụng chuyện một chút là la lối, hối hả dắt nhau đi chữa lành?

Từng như vậy, nhưng cuối cùng mọi chuyện mà mình không nghĩ đến lại vận ngược vào bản thân. Sau 5 năm chung sống, một ngày nọ, vợ tôi mắt ngấn nước yêu cầu tôi sắp xếp công việc, nhà cửa, gửi con về ngoại để đưa cô ấy đi chữa lành. Biết từ chối không được, ngăn cản càng không, tôi đành chiều vợ, xin cơ quan cắt phép vài ngày.

Lớp chữa lành mà vợ tôi đăng ký tham gia được tổ chức trong khuôn viên khu vườn rừng, cách trung tâm thành phố gần 100km. Sau những giờ ăn, ngủ trong ngôi nhà gỗ dựng sát vách núi, các thành viên sẽ được người huấn luyện vận dụng phương pháp thiền, trị liệu, thả lỏng cơ thể bằng âm thanh.

Khác với vợ, vì là “người ngoài cuộc” nên trước khi đến đây tôi không tìm hiểu kỹ về nội dung, nguyên lý hoạt động của liệu pháp chữa lành bằng sóng âm thanh. Tuy nhiên, khi có mặt trong những buổi học, được ngồi yên trong không gian thoáng đãng hòa mình dưới bóng cây, cùng lắng nghe những tiếng chuông thiền định ngân rung, bản thân tôi cũng cảm thấy được thư giãn, những tạp niệm bắt đầu được thanh lọc.

Buổi thứ nhất, tôi gác lại những căng thẳng về khối lượng công việc tồn đọng, chưa giải quyết xong. Buổi thứ hai, những lo nghĩ lan man về mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè tôi cũng dần buông bỏ. Buổi thứ ba, thứ tư… tôi cảm thấy từng tế bào, mạch máu trong cơ thể như dần dần được chuyển hóa, hồi phục, tái tạo, góp phần tạo nên một cái tôi mới mẻ, tươi mới, nhẹ nhàng.

Trước khi khóa học kết thúc, tất cả các học viên cùng người huấn luyện có một buổi nói chuyện thân mật. Mỗi người lần lượt chia sẻ những trải nghiệm, cảm nhận của bản thân.

Sau khi lắng nghe rất nhiều ý kiến, tôi nhận ra rằng, việc chữa lành đôi khi không phải là một điều gì quá đao to búa lớn, và lý do mỗi người tìm đến chữa lành cũng tùy vào thể trạng, ngưỡng chịu đựng của mỗi cá nhân.

Trong bài viết Đừng lạm dụng chữ chữa lành nữa, được không?, mặc dù tác giả Yến Nguyễn không đồng tình, cổ súy cho việc chữa lành tùy tiện, xuất hiện nhan nhản khắp nơi, tuy nhiên ngay từ đầu bài, chính tác giả đã đưa ra lập luận : “Dưới góc nhìn khoa học, người cần chữa lành đã trải qua biến cố, mất mát, hay gặp vấn đề gì cần vượt qua”. Vậy nên, có thể với tôi, việc đứa con trai đã lên 4 vẫn thường xuyên đau ốm, phải đi khám bác sĩ liên tục là một thử thách để chúng tôi càng yêu thương, chăm sóc con hơn; nhưng với vợ tôi, việc con bám mẹ, lèo nhèo suốt ngày đã dần dần “bào mòn”, cướp đi sự thong dong, vui vẻ của cô ấy.

Có thể đối với tôi, những tiếng ồn, kẹt xe, bụi bặm chốn thành thị là hoàn cảnh sống mà mọi cư dân thành phố phải tập thích nghi, đáp ứng; nhưng đối với vợ tôi, chúng chính là những tác nhân khiến thần kinh vợ quá tải, lo âu, căng thẳng, muộn phiền.

Chữa lành cần thiết với người này, nhưng lại là làm quá với người khác? (ảnh minh họa)
Chữa lành cần thiết với người này, nhưng lại là "làm quá" với người khác (ảnh minh họa)

Chậm rãi nhìn lại, tôi thấy hai khái niệm “chữa lành” hay “cải thiện tâm trí, sức khỏe theo chiều hướng tốt hơn” cũng chỉ khác nhau ở lớp vỏ ngôn từ. Ai thích gọi sao cũng được, thích tham gia, trải nghiệm hay không đó cũng là lựa chọn tùy vào điều kiện của riêng mỗi người, mỗi nhà. Vợ tôi hay ai đó sẽ chẳng nao nức được chữa lành nếu bản thân họ đang có cuộc sống hoàn toàn an ổn, hạnh phúc.

Tôi bây giờ chỉ cần sống chậm lại, mở lòng mình ra để hiểu, để thương, để tôn trọng sự khác biệt giữa mình và bạn đời. Mong sao sau khóa chữa lành bằng âm thanh kéo dài gần một tuần lễ, vợ tôi sẽ buông được những âu lo, tìm thấy lại sự cân bằng, những giấc ngủ ngon để hồi phục cơ thể.

Trong tương lai, nếu mỗi lần gặp khó, vợ muốn được đi chữa lành lần nữa, tôi sẽ cùng vợ kỹ càng tìm hiểu, chọn lựa để cô ấy được trải nghiệm, kết nối với những lớp học chữa lành, khóa trị liệu tâm lý thực sự chất lượng, đáng tin.

Sự kèm cặp, hướng dẫn của những huấn luyện viên đủ chuyên môn, tâm huyết sẽ giúp vợ bớt cô đơn, loay hoay trên hành trình tìm hạnh phúc.

Đăng Thành (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI