Chua giòn gỏi sứa mắm ruốc

05/04/2020 - 08:03

PNO - Gỏi sứa trộn mắm ruốc chua có vị thanh mát của sứa, chua thơm của mắm ruốc, tươi giòn của xoài và cà rốt.

Từ tháng 3 đến hết tháng 4 hàng năm là mùa thu hoạch sứa. Vào thời gian này, ở các vùng biển, mỗi chuyến thuyền ra khơi, ngư dân thu hoạch khoảng 2-3 tạ sứa. Về đến bến tàu, người bán sẽ cắt bỏ bình vôi của sứa, sau đó xát muối sạch chất nhờn, tẩy tanh ngay trên bãi biển. Trong quá trình cắt và chà xát, phải bảo đảm loại bỏ hết chất nhầy này, nếu còn sót lại, dù chỉ một ít cũng khiến người ăn bị ngứa và dị ứng. 

Món ăn từ sứa thường dễ làm, lại không mất nhiều thời gian. Trên mảnh đất hình chữ S, do đặc trưng về khẩu vị, mỗi vùng miền sẽ có một món ngon khác nhau từ sứa. Đất kinh kỳ hút du khách với bún giấm nuốt, Nha Trang có bún sứa (bún chả cá sứa); sứa chấm mắm ruốc...

Quen thuộc và dễ bắt gặp ở mọi miền là gỏi sứa. Tùy khẩu vị, sở thích hay nguyên liệu có sẵn trong nhà, mỗi nhà sẽ chế biến gỏi sứa với các nguyên liệu khác nhau. Dễ gặp nhất là gỏi sứa xoài xanh, gỏi sứa mắm ruốc chua...

Trong Đông Y, thịt sứa biển có vị mặn, tính hàn, có công dụng tiêu đờm, trừ ho, thanh nhiệt… Sứa biển còn có tác dụng giải độc, bài trừ độc tố trong gan, thận có tính mát bổ thận, trị hen suyễn và đặc biệt tốt cho những người có tiểu sử bệnh đường ruột, viêm loét dạ dày, huyết áp cao.

Nguyên liệu (cho 2 người ăn)

Nguyên liệu (cho 2 người ăn)

Sứa làm sạch: 300 gram (bạn có thể mua sứa tươi ngoài chợ hay trong siêu thị. Một vài cơ sở sản xuất bảo quản sứa khi ngâm trong nước muối mặn, vì thế, trước khi trộn gỏi, bạn cần kiểm tra sứa có bị mặn hay không. Nếu sứa bị mặn, bạn pha một ít muối vào nước, ngâm và xả nước lạnh đến khi sứa hết mặn).

Xoài sống: 200 gram (hay nhiều hơn tùy sở thích)

Cà rốt: 100 gram

Ngò rì: 20 gram (bạn có thể dùng các loại rau thơm khác đều được)

Mắm ruốc chua: 1 muỗng canh

Đường, bột ngọt, ớt, tỏi

Gọt vỏ xoài xanh, dùng dao bào, bào sợi.

Sứa chần sơ qua nước sôi, xốc hết nước, để ráo.

Xoài xanh rửa sạch với nước, gọt vỏ, bào sợi.

Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch với nước muối loãng, bào sợi.

Ngò rí lặt sạch, ngâm nước muối loãng khoảng 5 phút, xả lại với nước, để ráo, cắt ngò rí dài khoảng 1-2 cm.

Làm mắm ruốc chua trộn gỏi như sau:
Làm mắm ruốc chua trộn gỏi như sau: 3 trái ớt + 10 tép tỏi (khoảng 10 gram) + 3 muỗng canh đường + 1 muỗng canh mắm ruốc chua, trộn đều. Trong gỏi có xoài xanh nên không cần nước cốt chanh. Cắt thêm 1 trái ớt để trang trí khi trộn.
Lần lượt cho cà rốt, xoài xanh, ngò rí, sứa và mắm ruốc chua vào tô, trộn đều
Lần lượt cho cà rốt, xoài xanh, ngò rí, sứa và mắm ruốc chua vào tô, trộn đều.
Trút phần gỏi vừa trộn ra đĩa, là bạn đã có món gỏi sứa mắm ruốc chua. Món gỏi này ăn kèm mắm ruốc chua và bánh tráng hay bánh phồng tôm.

Trút phần gỏi vừa trộn ra đĩa, là bạn đã có món gỏi sứa mắm ruốc chua. Nếu thích, bạn có thể thêm đậu phộng rang đập dập hay hạt điều để tăng vị cho món ăn. Món gỏi này ăn kèm bánh tráng nướng chấm mắm ruốc chua đã pha tỏi ớt.

Nếu không có mắm ruốc chua, bạn có thể thay bằng nước mắm thông thường.  Công thức pha nước mắm trộn gỏi như sau: 3 trái ớt chín + 10 tép tỏi (khoảng 10 gram) + 3 muỗng canh đường + 1 muỗng canh nước mắm + 1/4 muỗng cafe bột ngọt + 1/2 muỗng cafe bột nêm. Bạn nên trộn nước mắm gỏi trong chén riêng, sau đó, đổ vào tô nguyên liệu như vậy nước gỏi đều vị hơn.

Huỳnh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI