Không bám trụ nổi, phải về quê
Trời nhá nhem tối, những chiếc xe khách về miền Tây vẫn liên tục tấp vào gần cổng khu công nghiệp VSIP 1 trên Quốc lộ 13, tỉnh Bình Dương để đón khách. Nhiều người lỉnh kỉnh hành lý, vội vã bồng con lên xe để về quê.
|
Nhiều công nhân ở tỉnh Bình Dương về quê sớm hơn dự định - Ảnh: Phạm Diện |
Công nhân Lê Thị Phượng - quê ở tỉnh Đồng Tháp - ngậm ngùi: “Mọi năm, ngày 29 tháng Chạp, em mới về quê, mùng Năm lên làm lại. Năm nay, được về quê sớm, lo nhiều hơn mừng. Trong túi còn có 3 triệu đồng, không biết tết này xoay xở ra sao”.
Chị Phượng làm việc cho một công ty gỗ ở TP Thuận An 5 năm qua. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị vẫn đi làm và nhận lương đều đặn. Tháng trước, công ty đột ngột thông báo cắt giảm 20 người, trong đó có chị. Ở lại cũng không tìm được việc làm mới, chị đành về quê ăn tết sớm.
Mấy hôm nay, chị Nguyễn Thị Bích - công nhân Công ty TNHH Singer, tỉnh Bình Dương - chạy khắp nơi để tìm việc làm. Tháng trước, do không có đơn hàng, công ty cho chị nghỉ phép năm, rồi nghỉ không lương. Chồng chị Bích làm việc cho một công ty gỗ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Mấy hôm trước, chồng chị đã về quê (tỉnh An Giang). Chị Bích vẫn ở lại khu trọ ở phường Thuận Giao, TP Thuận An để đi kiếm việc làm. Chị nói: “Vài hôm nữa, nếu không có việc, chắc tôi cũng phải về quê”.
Ông Dương Quang Hiệp - Giám đốc nhân sự của 1 công ty gỗ ở tỉnh Bình Dương - cho hay, công ty cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng. Ngoài ra, một số công nhân bị giảm giờ làm nên nản, về quê sớm.
Theo ông Phạm Văn Tuyên - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương - từ đầu năm 2022 đến nay, có khoảng 28.000 người bị tạm ngưng hợp đồng lao động, khoảng 240.000 người bị giảm giờ làm. Đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có khoảng 70.000 người lao động mất việc, hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động bị tạm dừng hợp đồng hoặc bị cắt giảm giờ làm chủ yếu thuộc khối dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.
Tại Đồng Nai, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, từ tháng 6 đến tháng 10/2022 các doanh nghiệp trên đã phải cắt giảm khoảng 20.000 lao động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có số lượng công nhân đông đã có kế hoạch cho công nhân nghỉ việc hằng năm và thỏa thuận với người lao động cắt giảm giờ làm.
|
Chị Trần Thị Giúp - công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng - chuẩn bị về quê do bị công ty cắt giảm lao động |
Theo báo cáo nhanh của hơn 100 doanh nghiệp (tương ứng khoảng 200.000 lao động) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đơn hàng bị sụt giảm, thiếu nguyên liệu là nguyên nhân dẫn đến việc cắt giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Ảnh hưởng nặng nhất là các doanh nghiệp trong ngành may mặc, da giày, chế biến gỗ, điện tử.
Hiện nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho người lao động nghỉ tết dài ngày, đồng thời hỗ trợ xe đưa rước công nhân về các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Đơn cử, Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien, Công ty TNHH gỗ Lee Fu (khu công nghiệp Tam Phước, TP Biên Hòa) dự kiến cho công nhân nghỉ tết khoảng 1 tháng.
Nắm số lượng để có biện pháp hỗ trợ
Chị Lê Thị Sương - quê ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang - kể, cách đây 5 năm, chị đến tỉnh Bình Dương làm công nhân da giày. Năm ngoái, dịch COVID-19 bùng phát, chị phải về quê, đầu năm 2022 mới quay trở lại. Mới làm được vài tháng, công ty cắt giảm lao động. Không còn cách nào khác, chị phải về quê kiếm việc làm thời vụ.
|
Một dãy nhà trọ khoảng 1.300 phòng ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vắng bóng người - Ảnh: Phạm Diện |
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Út - quê ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ - cũng vừa từ tỉnh Bình Dương về quê do bị chấm dứt hợp đồng lao động. Mấy ngày nay, anh đi thả lưới bắt cá kiếm tiền để sống tạm qua ngày. Anh nói: “Hết mùa khai thác cá, tôi sẽ tìm công việc thời vụ khác để làm cho đến tết rồi qua tết mới tính đến chuyện lên Bình Dương nữa hay thôi”.
Ông Nguyễn Hữu Giang - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang - cho biết, đang phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát số công nhân về quê, nắm tâm tư, nguyện vọng để kịp thời hỗ trợ.
Ông nói: “Hiện tại, một số doanh nghiệp ở tỉnh An Giang cũng thiếu đơn hàng. Mới đây, một công ty da giày trong tỉnh phải cắt giảm hàng ngàn người lao động. Do đó, công nhân từ các tỉnh về quê sẽ khó tìm được việc làm trong các doanh nghiệp ở địa phương mà chủ yếu làm thời vụ. Hiện tại, liên đoàn chưa có phương án cụ thể hỗ trợ các công nhân về quê nhưng sắp tới sẽ tổng hợp và báo cáo tình hình để cấp trên xem xét”.
Bà Bùi Thị Hằng - Chánh văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh Hậu Giang - cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các ngành liên quan rà soát số công nhân từ Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM bị mất việc về quê để báo cáo cấp trên, xin ý kiến chỉ đạo.
Ông Đặng Hữu Phúc - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế - thông tin, hiện sở chưa nắm số lượng công nhân ở các tỉnh phía Nam mất việc về quê. Tuy nhiên, sở đã chủ động liên hệ ban quản lý các khu công nghiệp, các doanh nghiệp dệt, may trong tỉnh để giới thiệu chỗ làm cho các công nhân từ miền Nam trở về khi họ có nhu cầu tìm việc.
Ông nói: “Hiện tại, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Phú Bài, khu công nghiệp Phong Điền cần tuyển hơn 2.000 công nhân may, lắp ráp linh kiện điện tử. Do đó, các công nhân mất việc, về quê dịp này sẽ dễ tìm được việc làm”.
Ông Nguyễn Duy Thông - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết thêm, những người làm nghề tự do từ các tỉnh phía Nam trở về, nếu muốn chuyển đổi ngành nghề, làm việc lâu dài ở quê, trung tâm sẽ hỗ trợ họ học nghề hoặc nâng cao tay nghề.
Nhóm phóng viên