Chưa già đã đổi tính

21/08/2018 - 12:00

PNO - Chồng em là người rất vô tư, vui vẻ. Từ hồi quen nhau đến giờ, em không thấy anh mâu thuẫn với ai. Nhưng tự nhiên giờ anh đổi tính. Dạo này anh hay hỏi tới hỏi lui chuyện tiền điện, tiền nước, chuyện chi tiêu hằng ngày…

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em 29 tuổi, chồng em 34. Chúng em lấy nhau đã 5 năm, có một con trai lên 3 tuổi. Nói chung, cuộc sống gia đình của em tạm ổn về kinh tế, vợ chồng đều đi làm, bà ngoại sống chung nên chăm con giúp. Chồng em là người rất vô tư, vui vẻ. Từ hồi quen nhau đến giờ, em không thấy anh mâu thuẫn với ai.

Anh không ham nhậu nhẹt, buổi chiều hay đánh cầu lông với bạn ở sân tập thể thao gần nhà hoặc tối chơi cờ với mấy ông hàng xóm. Anh làm việc trong cơ quan nhà nước, được đồng nghiệp quý, nên dù lương bổng không bao nhiêu, em cũng không đặt nặng. Em nghĩ, mình có chồng yên ổn như thế là may mắn rồi.

Chua gia da doi tinh
Ảnh minh họa

Nhưng tự nhiên giờ chồng em đổi tính. Dạo này anh hay hỏi tới hỏi lui chuyện tiền điện, tiền nước, chuyện chi tiêu hằng ngày… những chuyện xưa nay chưa bao giờ anh để ý. Hôm vợ chồng cùng đi mua cái quạt máy, giá chỉ mấy trăm ngàn, chỗ bán nói bảo hành 2 năm, nhưng không viết giấy bảo hành. Em nghĩ món đồ giá trị nhỏ, cũng không đòi. Vậy mà anh cự cãi với người ta, đòi bằng được phiếu bảo hành mới thôi. Làm sao dập tắt được cái tính đó của anh hở chị?

 Mai Hương (Trà Vinh)

Em Mai Hương thân mến, 

Tính tình người ta vốn khó thay đổi em ạ, nên đừng lo lắng quá. Em sống với anh ấy đã 5 năm, sự thay đổi mới diễn ra trong mấy tháng gần đây, vẫn có thể tìm hiểu để điều chỉnh được. Em thử xem lại cuộc sống có chuyện gì khiến anh ấy đổi tính như vậy không, ví dụ một khoản thu hằng tháng ở cơ quan bị giảm, phí sân tập cầu lông tăng lên hay cơ quan sắp giảm biên chế, giãn việc… khiến anh lo lắng. Có thể có khó khăn về kinh tế nào đó mà anh ấy chưa có cách giải quyết nào khác ngoài việc cắt giảm chi tiêu. Khi giảm tiền tiêu, người ta ắt phải cân đong mọi thứ, tự nhiên sẽ chặt chẽ hơn, quan tâm đến những chuyện vặt vãnh mà trước đây khi xông xênh họ không để ý. Nếu vậy, em cùng chồng bàn bạc, tìm cách giải quyết, mọi việc sẽ ổn.

Cái khó khăn các bà vợ ít để ý là ở khía cạnh tinh thần. Đôi khi, các bà vợ hay kêu ca chợ búa đắt đỏ, sữa, gạo, mắm muối lên giá, tiền bạc eo hẹp… Những kêu ca này sẽ dần xói mòn sự “vô tư” của chồng, khiến các ông bị ảnh hưởng, đâm ra chi li. Một số bà cảm thấy vui vì chồng biết vợ tần tảo, thu vén nên có ý thức tiết kiệm hơn. Nhưng một số bà khác lại không thích. Em thử xem mình có tạo ra không khí này trong nhà không. Nếu có thì nên bỏ dần đi.

Vợ chồng là sự bù trừ lẫn nhau. Thường, nếu một người rộng rãi thì người kia sẽ chặt chẽ. Để “chữa” cho chồng, em có thể giành lấy cái phần chi li tiểu tiết: tự trả giá khi mua đồ, tự hỏi phiếu bảo hành, tự “siết” chi tiêu. Em cứ thử đôi lần, xem chồng có đổi tính không. Mà nhớ là thử vui vui thôi, để khi chữa được “bệnh” cho anh rồi thì để chúng trôi qua luôn nhé.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI