Mặc dù chưa đến cao điểm rút tiền (những ngày cận tết) nhưng hiện hàng loạt máy ATM ở TP.HCM bị lỗi hệ thống. Trong khi đó, người dân phải chờ quá lâu khi cần giải quyết công việc tại các quầy giao dịch.
Phải rút tiền từ ATM của ngân hàng khác
Do không rút được tiền tại ATM nội mạng, nhiều khách hàng buộc phải chuyển sang rút tiền qua ATM của ngân hàng khác và bị mất thêm phí. Anh Trần Văn Hùng - ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM - cho biết, tối 23/12 vừa qua, anh phải rút tiền gấp để giải quyết công việc, nhưng vào 3 máy ATM của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) từ Nguyễn Kiệm đến Phan Văn Trị đều bị máy thông báo lỗi hệ thống.
|
Chưa đến tết Nguyên đán nhưng hàng loạt máy ATM đã nghẽn |
Anh đành phải sang máy ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) để rút và phải chấp nhận mất thêm phí rút tiền. Phí rút nội mạng ATM của Vietcombank là 1.650 đồng, khi rút tại ATM của Agribank, anh phải mất 3.300 đông. “Tôi cần rút 20 triệu đồng, phải rút 7 lần, mất 23.100 đồng thay vì chỉ mất 11.550 đồng” - anh Hùng nói.
Tương tự, chị Ngọc - ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM - cho biết, suốt đoạn đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình chỉ có 2 trụ ATM của Vietcombank nhưng đều bị lỗi hệ thống, thường gặp nhất là vào buổi tối. Có trụ hiển thị sẵn thông báo cho khách biết, có trụ phải đợi khách giao dịch mới thông báo lỗi hệ thống, khiến khách bị mất thời gian. Các trụ ATM quanh khu công nghiệp Tân Bình, khu công nghiệp Vĩnh Lộc, bến xe Miền Tây mấy ngày qua cũng bị lỗi, không thể rút được tiền.
Không chỉ ATM, các phòng giao dịch cũng đang bị “nghẽn”, khách phải ngồi đợi “dài cổ” mới đến lượt mình. Ngày 22/12, anh Trần Quốc Vinh - ngụ tại Q.Gò Vấp, TP.HCM - đến phòng giao dịch của Vietcombank trên đường Phan Văn Trị để giao dịch, phải chờ từ 9g đến 11g mà vẫn chưa được. Nhiều khách hàng chờ đợi quá lâu, phải bỏ về.
Tại phòng giao dịch của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) ở góc đường Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), bình thường khách chỉ vào 5 phút là đến lượt thì nay phải ngồi đợi cả tiếng đồng hồ. Nhưng, tình trạng chờ đợi “dài cổ” nhất là ở các phòng giao dịch tại các khu công nghiệp.
Sáng 25/12, tại phòng giao dịch Vietcombank Bắc Sài Gòn (khu công nghiệp Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh), một nữ công nhân tên Luyến kể, chị xin công ty ra ngoài 2 giờ để chuyển tiền về quê nhưng cứ ngồi nhấp nhổm không yên vì đã hơn 1 giờ vẫn chưa tới lượt. Nếu vào trễ, chị sẽ bị công ty trừ tiền chuyên cần 200.000 đồng.
Đổ lỗi cho khách hàng là vô trách nhiệm
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng hệ thống ATM “dở chứng” vào những ngày cuối năm dương lịch, đại diện một số ngân hàng cho rằng, cuối năm, số lượt giao dịch tại các trụ ATM và tại các phòng giao dịch tăng mạnh nên xảy ra quá tải, hư hỏng đường truyền, hệ thống mạng.
“Máy ATM cũng như con người, làm việc nhiều sẽ quá tải. Nhu cầu giao dịch tăng đột biến, trong khi máy ATM chỉ chứa được một lượng tiền nhất định nên dù có cung ứng tiền nhiều lần/ngày vẫn khó tránh khỏi tình trạng quá tải. Các phòng giao dịch cũng chỉ có bấy nhiêu nhân sự, lượng khách đến ào ạt, cũng phải nghẽn” - lãnh đạo một ngân hàng cho biết.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ, việc các ngân hàng đổ lỗi cho lượng khách tăng mạnh là cách trả lời thiếu trách nhiệm. Bởi lẽ, ngân hàng liên tục tăng phí rút tiền thì phải có nhiệm vụ nâng cấp hệ thống ATM. Hơn nữa, các ngân hàng hô hào đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 bằng cách cho ra đời nhiều tiện ích này nọ mà để người dân rút tiền vẫn khó, là điều không chấp nhận được.
Tiến sĩ Tuệ kể, mới đây, ông ghé cây ATM ở đường Hồ Tùng Mậu (Q.1) để rút tiền. Giữa trưa nóng nực, nhiều người vẫn rồng rắn xếp hàng chờ đến lượt. Mỗi lượt khách vào giao dịch mất 10 phút mới xong, không phải do khách rút nhiều lần mà do ATM này đã quá cũ, xuống cấp khiến các thao tác đều mất thời gian.
Đút thẻ vào máy mất 2-3 phút để máy nhận thẻ, ấn nút chọn ngôn ngữ mãi mới được, sau đó đánh lại mã PIN mất 1-2 phút mới xong. Trong lần rút đó, ông Tuệ ấn số tiền 5 triệu đồng nhưng máy thông báo vượt quá giới hạn và bắt thực hiện lại giao dịch. Nhìn hàng người đang đợi mình phía sau, ông đành ngưng giao dịch để tìm một trụ ATM khác.
Lần khác, ông đi công tác tại Tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân), chạy lòng vòng 30 phút quanh cả khu vực nhưng không tìm được trụ ATM nào, đến khi tìm được trụ ATM thì bỏ luôn ý định rút tiền vì lượng người đang chờ rút tiền tại đây quá đông. “Các ngân hàng đang khiến khách hàng phải sợ dùng thẻ bởi hệ thống ATM vừa ít máy, vừa lạc hậu, còn chất lượng phục vụ tại các phòng giao dịch hiện cũng quá tệ” - tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ nhận xét.
Để đảm bảo nhu cầu rút tiền dịp tết cho người dân, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, mới đây đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo tiếp quỹ đầy đủ cho hệ thống ATM, hạn chế tối đa việc hết tiền trong máy, gây bức xúc cho khách hang, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng chủ động có các biện pháp phù hợp nhằm giảm tải cho ATM như: tăng cường hoạt động ATM lưu động, chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý, xây dựng phương án dự phòng chi trả lương, thưởng dịp tết bằng tiền mặt, tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại các máy ATM…
Thanh Hoa