|
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương |
*Phóng viên: Thưa ông, hiện nay Chính phủ Việt Nam đang khám, điều trị và cách ly miễn phí với mọi bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm COVID-19. Ông nghĩ sao khi nhiều người cho rằng điều này là đi ngược với thực tế của nền kinh tế đất nước?
-Ông Trần Sĩ Chương: Ta khoan hãy nói đúng - sai mà hãy thử phân tích lựa chọn này từ nhiều góc độ. Nếu nhìn từ góc độ kinh tế lạnh lùng thì Nhà nước dùng ngân sách chi trả việc này là rất hợp lý, bởi nếu không được chữa trị, người bệnh có thể diễn biến nặng, tử vong, hoặc lây bệnh cho cộng đồng. Đến lúc đó thì tổn thất kinh tế còn lớn hơn. Vậy nên, việc chi trả toàn bộ chi phí y tế cho bệnh nhân nhiễm bệnh COVID-19 có thể tiêu tốn một khoản lớn ngân sách, nhưng nếu không chi trả lúc này thì chi phí giải quyết hậu quả của nó sẽ còn tốn kém hơn rất nhiều lần.
* Ông gọi đó là “góc độ kinh tế lạnh lùng”, thế còn ở một cái nhìn “ấm áp” hơn thì sao, thưa ông?
- (Cười) Thực ra thì bản chất của kinh tế vẫn là nhân văn. Cả hai điều này (kinh tế và nhân văn) đều lấy con người làm trung tâm. Trong trường hợp này, những gì mà người bệnh được thụ hưởng mới chính là đích đến của mọi bài toán kinh tế. Vậy nên, nếu có ai đó tính toán lợi ích kinh tế mà bỏ qua giá trị con người thì họ cũng sẽ không đạt được mục tiêu kinh tế. Chính phủ Việt Nam chọn chữa trị miễn phí cho bệnh nhân COVID-19 không có gì là đi ngược với thực tiễn của giá trị kinh tế cả. Ngược lại, mỗi con người vốn là một đơn vị sản xuất, nếu ta bỏ mặc họ trong bệnh tật thì kinh tế sẽ tổn thất trước nhất. Tôi nói “kinh tế chính là nhân văn” là vì tất cả những lý do đó.
* Hiện nay, những nước có nền kinh tế phát triển vẫn đang thu phí với người muốn khám, chữa bệnh liên quan đến COVID-19. Chẳng lẽ họ không nhân văn bằng ta?
- Sự miễn phí đôi khi không quá cần thiết với người dân ở những nước phát triển, bởi các chương trình bảo hiểm của họ có thể quán xuyến hầu hết các chi phí này. Lúc này, dù chính phủ không tuyên bố khám và điều trị miễn phí, người dân vẫn có thể được điều trị mà không mất tiền, vì họ đã có bảo hiểm.
* Nhưng thực tế là mới đây, tại thành phố Denver (Mỹ), một phụ nữ phải chi trả 4.500 USD phí xét nghiệm COVID-19 dù người này có kết quả không nhiễm virus. Tờ New York Times cũng cho rằng, bất kỳ người nào ở Mỹ cũng có nguy cơ phải trả một hóa đơn “khủng” nếu muốn điều trị bệnh hô hấp kiểu COVID-19. Đặt trường hợp không có bảo hiểm thì người dân ở Việt Nam vẫn đương nhiên được điều trị miễn phí, còn người dân Mỹ thì phải tự chi trả. Khác nhau là ở chỗ này, thưa ông.
- Có một thực tế khác nữa: không có một người nào ở Mỹ hay các nước phát triển mà không được chữa trị chỉ vì họ không có tiền. Chính phủ không tuyên bố miễn phí, nhưng những người không có khả năng chi trả vẫn được chữa trị. Sau đó, hoặc bệnh viện sẽ miễn viện phí, hoặc sẽ tìm phương án để họ tiếp cận được với các quỹ từ thiện có thể giúp họ chi trả phần viện phí đó. Tức là người bệnh vẫn được cứu chữa trước, giải quyết phí sau. Vậy thì, dù là miễn phí như Việt Nam hay thu phí theo cách của Mỹ, cuối cùng, mọi người dân vẫn được cứu chữa, bất chấp điều kiện tài chính của họ thế nào. Kết quả của hai cách làm này là như nhau.
* Vậy, nhìn theo hướng ngược lại, cách làm của những nước như Mỹ sẽ giảm bớt áp lực lên ngân sách. Còn khi miễn phí với mọi đối tượng như ở Việt Nam thì ngân sách nhà nước phải chịu một khoản chi phí quá lớn?
- Để tôi chia sẻ với bạn một trải nghiệm này. Khi ở Mỹ, tôi hỏi một vài người dân về bộ trưởng y tế hay bộ trưởng giáo dục của nước họ, rất hiếm người trả lời được các vị ấy là ai. Không phải vì họ không quan tâm đến nhà nước bằng ta, mà vì mọi vấn đề trong xã hội của họ hiếm khi phải cần đến sự can thiệp của nhà nước hay cấp trung ương. Những nước phát triển thường tổ chức một hệ thống chặt chẽ và phân việc cụ thể cho từng lĩnh vực. Khi có vấn đề, từng bộ phận trong hệ thống đó sẽ đứng ra giải quyết. Vai trò của nhà nước khá mờ nhạt. Chỉ đến khi hệ thống trục trặc, hoặc khi có vấn đề phát sinh, mới cần đến sự tham gia của nhà nước.
|
Mọi hoạt động khám, điều trị, cách ly người bệnh vì COVID-19 đều được nhà nước Việt Nam chi trả |
Những nước phát triển đã tốn ngân sách để nuôi hệ thống bên dưới vận hành thường xuyên. Còn ở ta, nhiều vấn đề vẫn còn lệ thuộc vào sự can thiệp của nhà nước, nên khi có việc thì nhà nước phải tham gia, phải chi ngân sách. Vậy nên, nếu chỉ nhìn riêng một sự việc, người ta dễ nhầm tưởng là Việt Nam chi nhiều ngân sách hơn những nước khác. Trở lại trường hợp dịch COVID-19, nếu nói cách làm của Việt Nam đang tạo áp lực lên ngân sách hơn cách làm của các nước khác là không đúng.
* Việt Nam đang trả chi phí y tế cho cả những bệnh nhân nước ngoài nhiễm hoặc nghi nhiễm virus SARS-Cov-2, trong khi ở những nước đang điều trị miễn phí cho người dân như Singapore, người nước ngoài vẫn phải chi trả toàn bộ chi phí khi điều trị COVID-19 ở nước họ.
- Tôi vẫn xin quay lại với giả định cũ. Nếu bạn là khách du lịch đến Singapore, mắc COVID-19 và không có tiền chi trả viện phí, bệnh viện nước này vẫn sẽ điều trị cho bạn. Sẽ không có người nước ngoài nào bị chính phủ sở tại bỏ mặc giữa dịch bệnh vì không có tiền cả.
* Tại Việt Nam, dịch COVID-19 được xếp loại là bệnh truyền nhiễm nhóm A và theo luật pháp Việt Nam, “người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám, điều trị miễn phí”. Có lẽ từ quy định này mà mọi người (bất kể quốc tịch nào) mắc bệnh COVID-19 trên lãnh thổ Việt Nam đều được khám và điều trị miễn phí. Ông có nghĩ vậy không?
- Cách làm của mỗi nước tùy vào hệ giá trị mà họ theo đuổi. Ở Việt Nam, ta chọn miễn phí hoàn toàn. Ở Mỹ và các nước phát triển, họ thu phí hoặc miễn phí một phần, với một vài đối tượng. Nhưng kết quả cuối cùng là mọi người đều được chữa bệnh. Người nào thực sự cần được miễn phí, vẫn sẽ được cứu chữa miễn phí. Bạn thấy đó, bằng cách nào thì cuối cùng, cái người ta chạm đến được vẫn là sự nhân văn.
* Nhưng khi so sánh với cách mà các nước phát triển đang làm (thu phí điều trị với người nước ngoài), nhiều người lại cho rằng “Việt Nam chưa đủ giàu để làm điều đó”...
- Tôi đánh giá cao cách làm của Việt Nam lần này. Ta miễn phí cho mọi người, kể cả người nước ngoài. Với những người yêu chuộng hiệu quả kinh tế, họ có thể tự so sánh chi phí điều trị với chi phí giải quyết hậu quả nếu người nước ngoài đó không điều trị mà mang mầm bệnh đó khi ở trên lãnh thổ Việt Nam. Thậm chí, khi ta càng “chưa đủ giàu”, ta càng nên chi tiền để giải quyết triệt để mầm bệnh đó từ đầu. Về mặt kinh tế, mọi sự đầu tư cho con người đều không nên tính thiệt hơn, vì càng tiết kiệm, sẽ càng tổn thất.
Còn khi đã nói đến nhân đạo, nhân văn thì không nên nhìn vào màu da, tuổi tác, giới tính, quốc tịch. Chỉ khi đó, ta mới thực sự nhân văn.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Cuối tháng 1/2020, một người dân ở Miami (Mỹ) cho biết, anh phải trả 3.270 USD cho Bệnh viện Jackson Memorial khi làm các xét nghiệm COVID-19.
Ở thành phố Denver (Mỹ), một phụ nữ có dấu hiệu bị cúm, đi xét nghiệm COVID-19 và phải trả hóa đơn 4.500 USD.
Theo quy định mới do Bộ Y tế Singapore ban hành, từ ngày 7/3, nước này miễn phí xét nghiệm COVID-19 cho người dân, nhưng người nước ngoài bị bệnh thì phải tự thanh toán mọi chi phí điều trị khoảng 6.000-8.000 SGD (4.300-5.800 USD). Quan chức y tế Thái Lan ngày 11/3 cũng khẳng định, du khách nước ngoài phải tự trang trải hoặc dùng bảo hiểm riêng để chi trả phí điều trị nếu dính COVID-19 ở nước này.
Tuy nhiên, Việt Nam miễn phí hoàn toàn chi phí ăn, ở, di chuyển, cách ly, khám và điều trị COVID-19 với cả công dân Việt Nam lẫn người nước ngoài.
Minh Trâm (thực hiện)