Chưa có người vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng vì sợ trả không nổi

13/06/2023 - 09:19

PNO - Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng dự kiến giải ngân trong giai đoạn 2023-2030, nhưng sau gần 2 tháng triển khai thực hiện thì Ngân hàng Nhà nước cho biết chưa phát sinh dư nợ do chưa có người vay.

Theo HoREA, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng chưa kế thừa đầy đủ tinh thần của Thông tư 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước năm 2013. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng lãi suất vay ưu đãi này trong 5 năm và sau 5 năm thì ngân hàng thương mại và người mua, thuê mua nhà ở xã hội thỏa thuận lãi suất vay, hầu như có thể nhận định là lãi suất mới sẽ cao hơn, nên người mua nhà sợ, không dám vay. 

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất vay trong thời gian ưu đãi này được công bố định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần với mức lãi suất 8,2% đầu tiên chỉ áp dụng đến 30/6/2023, sau đó sẽ công bố mức lãi suất áp dụng cho 6 tháng cuối năm 2023… Cách tính lãi suất này càng làm cho người mua nhà thêm “bất an”. 

HoREA lo ngại gói 120.000 tỉ đồng ế vì lãi suất cao.
HoREA lo ngại gói 120.000 tỉ đồng "ế" vì lãi suất cao.

Cũng theo HoREA, do lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỉ đồng quá cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp đô thị, như trường hợp căn hộ nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, thanh toán trước 20% là 200 triệu đồng và được vay 80% là 800 triệu đồng với lãi suất 8,2%/năm thì chỉ riêng việc trả lãi vay năm đầu tiên người vay phải trả bình quân 5,46 triệu đồng/tháng, đồng thời còn phải trả một phần nợ gốc.

Bên cạnh đó, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng được “đẩy lên” thành gói tín dụng có thời gian ưu đãi cho nhà ở xã hội, nên Ngân hàng Nhà nước quy định người vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được vay ưu đãi 1 lần để mua 1 căn nhà, mà nếu đã vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với lãi suất khoảng 8,2%/năm thì người có thu nhập thấp đô thị sẽ bị mất cơ hội vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành với lãi suất 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.

Nhất là hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội đang còn tồn gần 11.000 tỉ đồng để cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội nhưng do không có nhà ở xã hội nên không có người vay, mà nếu tính suất vay bình quân là 600 triệu đồng/căn, với nguồn vốn 11.000 tỉ đồng thì Ngân hàng chính sách xã hội còn có thể cho vay khoảng 18.000 người để mua nhà ở xã hội. Nếu có nguồn cung nhà ở xã hội thì người mua, thuê mua nhà ở xã hội chắc chắn sẽ lựa chọn vay ưu đãi 4,8%/năm tại Ngân hàng chính sách xã hội, nên gói tín dụng 120.000 tỉ đồng có thể “bị ế” đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội không lựa chọn để vay.

Do các bất cập, hạn chế trên đây nên xuất hiện tâm lý của người có thu nhập thấp đô thị “cố chờ” cho đến khi ban hành Luật Nhà ở (mới) để có chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội và “cố chờ” đến khi có nguồn cung nhà ở xã hội mới để vay ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.

Ngọc Bích

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI