Chưa có dấu hiệu virus sởi biến đổi gen, thay đổi độc lực

08/04/2014 - 20:02

PNO - Chiều 8/4, Cục Y tế Dự phòng vừa có văn bản khẳng định hiện nay Bộ Y tế chưa phát hiện thấy có sự biến đổi về gen và các tuýp virus sởi lưu hành tại Việt Nam, không có thay đổi về độc lực của các chủng virus sởi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chua co dau hieu virus soi bien doi gen, thay doi doc luc
Hoạt động nghiên cứu và sản xuất vắcxin tại Trung tâm nghiên cứu, sản xuất
vắcxin sinh phẩm y tế (Bộ Y tế). (Ảnh: TTXVN)

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay ghi nhận 6.611 trường hợp sốt phát ban trong đó có 2.492 trường hợp được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi (bao gồm các trường hợp xét nghiệm dương tính và xác định dịch tễ học).

Qua thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến cuối tháng Ba, có 25 trường hợp tử vong do sởi, biến chứng của sởi được báo cáo.

Các trường hợp tử vong do viêm phổi liên quan đến sởi hoặc biến chứng viêm phổi sau mắc sởi.

Đa số bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng, chiếm tỷ lệ gần 88%. Chỉ có rất ít trẻ đã tiêm vắcxin đủ mũi bị mắc bệnh (4,2%).

Tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nên dịch xảy ra rải rác.

Phân tích từ các chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay, các trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi phần lớn là do đồng nhiễm các virus khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi, trong đó nguyên nhân tử vong chủ yếu là viêm phổi sau sởi liên quan đến giai đoạn chuyển mùa Đông-Xuân.

Nguyên nhân là do kiểu khí hậu ở phía Bắc lạnh và ẩm các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh trong khi đó nhiều bệnh viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi do virus, vi khuẩn hiện nay cũng chưa xác định được nguyên nhân.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, dịch bệnh sởi hiện nay có số mắc thấp hơn so với vụ dịch năm 2009-2010 và đang có dấu hiệu giảm hơn so với đầu năm 2014, đặc biệt sau khi các tỉnh, thành phố triển khai tiêm vét vắcxin sởi và triển khai các biện pháp phòng chống. Dự kiến bệnh sởi sẽ được kiểm soát trong một vài tháng tới.

Nhằm tăng cường triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi, quyết tâm kiểm soát tốt dịch bệnh sởi trong thời gian sớm nhất trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế tiếp tục rà soát, đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh sởi, đặc biệt là công tác triển khai kế hoạch tiêm vắcxin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắcxin sởi tại các địa phương; tiếp tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra giám sát triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó các viện, bệnh viện và các cơ sở y tế cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm đủ cơ số thuốc phục vụ công tác điều trị bệnh nhân.

Bộ Y tế cũng đặc biệt lưu ý các bệnh viện sản, nhi và khoa nhi bệnh viện đa khoa, hạn chế việc chuyển viện các trường hợp nằm trong khả năng xử lý về chuyên môn để tránh lây lan dịch bệnh, thực hiện tốt việc phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở điều trị./

Từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014, trên thế giới đã ghi nhận hơn 181.800 trường hợp mắc sởi, tập trung tại các khu vực châu Phi (78.922 trường hợp), Tây Thái Bình Dương (hơn 37.900 trường hợp), châu Âu (31.726 trường hợp).

Riêng năm 2013, khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận số mắc sởi cao gấp 3 lần so với năm 2012, đặc biệt tăng cao tại Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines và Myanmar.

Theo THUỲ GIANG (VIETNAM+)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI